Cứ đến đầu tháng 5, khi ánh nắng ngập tràn các con phố Hà Nội, trên những chiếc xe đạp chở hoa bán dạo dọc đường phố đã thấy thấp thoáng những bó sen hồng, sen trắng. Người Hà Nội lại háo hức chọn mua những bó sen buổi sáng về cắm ở phòng khách hay dâng lên bàn thờ gia tiên.
Nhưng lạ cái sen bán trên đường mang về nhà cắm thường không nở, bông hoa cứ chúm chím như vậy rồi rũ cuống mà không thấy một chút hương sen. Hỏi ra thì được biết những loại hoa sen bán trên đường đó không phải sen mà là quỳ. Giống hệt hoa sen, nhưng hoa quỳ có mầu tím thẫm hơn, hoa chỉ có những lớp cánh ngoài rồi đến đài hoa mà không có những lớp cánh nhỏ, hoa quỳ không có hương thơm. Muốn được ngắm sen nở đẹp thì phải mua được sen Hồ Tây.
Vậy là để thỏa mong muốn của mình, sáng chủ nhật chúng tôi hẹn nhau dậy từ 5h sáng, phóng thẳng lên Đầm sen Hồ Tây sát công viên nước, đây là đầm chính của Sen Hồ Tây (ngoài ra còn một đầm nhỏ hơn ở cạnh khách sạn Công Đoàn).
Trong không khí mát mẻ, tinh khôi của một ngày mới, đứng ở lối đi nhỏ mọc đầy cỏ giữa đầm Sen Tây Hồ để cảm nhận thật rõ hương thơm dịu mát, tinh khiết của hoa sen. Cứ đứng yên vậy trong khoảng 1 phút sẽ cảm thấy hương sen đậm dần , đậm dần rồi thơm ngát. Cả mấy đầm sen đều xanh mát một mầu lá sen, lá sen Tây Hồ to như cái lồng bàn, thỉnh thoảng lại dập dềnh trước những làn gió. Trên đầm còn chủ yếu là những bông sen mới chúm chím hoặc nụ sen, chỉ thi thoảng có những bông sen đã nở rộ, vì sen Tây Hồ bây giờ không còn nhiều, chỉ sau vài tiếng buổi sáng là lứa sen của ngày hôm nay đã được hái hết. Sen Tây Hồ chỉ bán cho khách mua lẻ đến tận đây vào buổi sáng, cứ hái chục nào lên là có người lấy ngay.
Bông sen Hồ Tây cánh hồng tươi, mỗi bông hoa có 3 lớp cánh lớn rồi đến rất nhiều lớp cánh nhỏ ôm sát vào đà . Mỗi chục Sen được quấn trong 1 chiếc lá to chứ không phải gói bằng giấy báo như các loại hoa khác, cánh sen mỏng manh nếu không được che chắn cẩn thận thì về đến nhà sẽ tơi tả chứ không còn nguyên vẻ đẹp. Sen Hồ Tây được hái bán là những bông đã chúm chím nở để có thể nhìn thấy những lớp cánh bên trong và đài sen. Mỗi chục sen khách lại được tặng thêm 1 chiếc búp lá để cắm cùng hoatrông rất duyên dáng. Sen Hồ Tây nhiều lớp cánh hơn sen trồng ở các nơi khác nên bông hoa khi nở ra rất to, vì vậy còn có tên là Sen Bách Diệp (Sen trăm cánh).
» Sắc Sen Hồ Tây
Sen Hồ Tây ngoài bán để cắm thì chủ yếu hái để ướp chè sen, một loại chè đặc sản của Hà Nội. Thật lạ, đúng sinh nhật Bác là sen nở rộ, rồi đến giữ tháng 6 âm lịch sen bắt đầu mất dần mùi thơm do gió Tây làm sen quắt lại. Sen đầu mùa và sen nở vào sáng sớm hương thơm nồng đượm hơn. Giữa đầm sen là một chiếc chòi để thu hoạch gạo sen, Người ta đi thuyền nan trên đầm hái những bông hoa sen đang chúm chím nở rồi chuyển lên chòi để mấy chị, mấy cô ngồi tách lớp gạo sen trên những bông hoa để ướp chè, chè sen cao cấp cứ 1 lớp chè lại ướp 1 lớp gạo sen, cả nghìn bông hoa mới ướp được 1 cân chè sen. Các chị vuốt ngược lớp cánh sen xuống phía dưới để lộ ra đài sen rồi khéo léo vuốt 3 lần là hết cả lớp gạo xung quanh đài sen. Bàn tay nhanh nhẹn nhưng rất nhẹ nhàng để không làm vỡ những hạt ngọc quý của trời đất và kịp trước lúc nắng lên để hương sen không bị phai nhạt mất.
Sen Hồ Tây mang về nhà cắm một ngày hoa vẫn chúm chím như vậy. Qua một đêm, sáng hôm sau dậy thấy hoa nở bung, tròn to hơn cái bát tô canh, cánh hoa hồng rực, hương thơm ngát cả phòng, thật không hổ danh Sen hương. Chúng tôi vội tranh thủ chụp những khoảnh khắc đẹp đẽ đó vì sen chỉ đẹp trong một ngày, đến chiều là hoa đã héo, đúng là những cái quí giá thường dễ mất đi.
Để được một ngày thưởng lãm sắc sen và hít thở hương sen Tây Hồ thật kỳ công nhưng cũng phải chịu khó thôi, lỡ sau này dù có muốn mất công đến đâu cũng chẳng còn Sen Tây Hồ nữa thì thật là uổng phí.