Sen

GN - Hình ảnh Đức Phật sơ sinh bước trên bảy đóa sen hồng là một biểu tượng của mùa lễ Phật đản. Đó là Đức Phật lịch sử, Đức Phật ứng thân thị hiện. Vượt lên trên khả năng hiểu biết hạn hẹp của tri thức suông, Bắc tạng cho chúng ta hiểu rằng những đóa sen đỡ chân kia không phải là sản phẩm của tư duy thần thánh hóa Đức Phật mà là hiện thân tròn đầy của một tôn giáo vi diệu, chân chánh: đạo Hoa sen.

hoasen11.jpg

Cuộc đời Thế Tôn từ khi đản sanh đến nhập diệt luôn gắn liền với hoa sen. Tất cả giáo lý Phật từ đầu đến cuối cũng đều lấy hoa sen làm biểu tượng. Là ví cho căn tánh lợi độn của chúng sanh như bông sen dưới nước để Đức Phật quyết định hoằng pháp, là nụ cười vi tiếu của ngài Ca Diếp trên hội Linh Sơn với cành hoa sen làm thinh “thiên hà ngôn tai!”. Và khi ngoại đạo Dona hỏi phải hiểu Phật như thế nào thì Thế Tôn điềm tĩnh: “Cũng giống như hoa sen, Ta sinh ra trong đời, lớn lên trong đời mà không bị đời làm ô nhiễm. Như vậy Ta là Phật, Như Lai”.

Trong sách Tính mệnh khuê chỉ có bài viết về hoa sen:

Hồng hồng bạch bạch, thủy trung liên,

Xuất ố, nê trung, sắc chuyển tiên;

Hành trực ngẫu không bồng hựu thực,

Tu hành diệu lý kháp như nhiên.

Dịch là:

Sen nở trong đầm, đỏ trắng phơi,

Bùn nhơ không nhiễm, sắc thêm tươi.

Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hạt.

Diệu lý tu hành cũng thế thôi.

Ngó rỗng” khác nào tánh không, khác nào vô ngã. Hoa sen to chừng nào thì quả và gương sen to chừng đó, nên “gương đầy hột” là đại huệ bình đẳng, thật tướng bình đẳng, trong nhơn đã có quả, từ trong quả đã có nhơn, nhơn quả đồng thời. Động kinh niên tải, bậc liễu ngộ đến một ngày há chẳng “trường khiếu nhất thanh hàn thái hư1 ru?

Đức Phật sinh ra giữa đời mà không nhiễm mùi đời, thoát lên tất cả những gì ô nhiễm của đời. Ngài là hoa sen không nhiễm mùi bùn mà còn tỏa hương cho đời. Hoa sen trong bùn là thế, Tuệ Trung thượng sĩ còn có hoa sen trong lửa:

“Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền

Trong lò lửa rực nở cành sen”2

Hay như ngài Ngộ Ẩn, trái nghịch cuộc đời lại thêm bền gang thép:

“Trên non ngọc đốt màu thêm nhuận

Sen nở trong lò sắc chẳng phai”3

Đời đỏ rực nhưng sen vẫn nở, bùn tanh hôi nhưng sen vẫn ngát mùi hương, giữa gian nguy khốn cùng, tâm hoa vẫn nở, “chúng sanh mỗi người mỗi có sen4, là Phật tánh chân như vốn tinh khiết, thường hằng.

Đức Phật sinh ra không hẳn có sen đỡ chân như huyền thoại đã kể, Ngài đã mang hình người để đến với chúng ta. Nhưng Đức Phật vẫn còn đây chứ chẳng mất đi đâu cả. Ngài ở cùng khắp, ở chung quanh chúng ta, ai cũng có thể thấy Ngài nếu tâm sáng. Tâm hoa ứng hiện là hoa sen trong tự tâm chúng ta ngày càng mọc lên tươi tốt và thanh tịnh. Tâm thanh tịnh và sáng chừng nào thì Phật rõ chừng đó.

Phật đản về, xin nhỏ dòng nước Pháp thanh lương vào tâm hoa để sáng bừng lên Đức Phật trong lòng như nàng Tiểu Thánh từng nguyện:

“Nguyện vi nhất trích dương chi thủy

Sái tác nhân gian tịnh đế liên”

(Xin làm giọt nước cành dương nhỏ

Sái rực đài sen sạch bụi đời).

Thuần Chiếu

_____________

(1) Trích Ngôn hoài - Thiền sư Không Lộ

(2) Trích Bài ca tâm Phật của Tuệ Trung thượng sĩ

(3) “Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận / Liên phát lô trung thấp vị can” (Thiền uyển tập anh)

(4) Thiền sư Chân Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày