Sen trong bùn

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

GN - Lớp Phật học thiếu nhi do tôi tổ chức nằm lọt giữa khu bình dân lao động, mà theo lời thầy trụ trì thì cứ 10 nhà đã có chừng 7 nhà có người từng vào tù ra khám.

Những con hẻm ngoằn ngoèo, mưa xuống ngập lụt, có khi uốn khúc thành một “địa đạo” tối tăm dẫn vòng vèo ra cửa sau của những “hộp diêm” nhỏ xíu thiếu ánh sáng mặt trời. Vậy mà tôi thấy thấp thoáng sau ô cửa hình như có một ngọn đèn trên bàn thờ cháy đỏ lập lòe, nửa như cô đơn, nửa như rực rỡ niềm tin và hy vọng…

Khoảng 50 đứa nhỏ đủ cỡ, từ mẫu giáo tới tiểu học, trung học. Nháo nhào như cái chợ. Đứng vòng ngoài là 5, 7 em trai, em gái trên dưới 20 tuổi, đang lúi húi đổ nước đá, nước ngọt vô ly, hoặc cột từng phần bánh kẹo, tập vở cho ngay ngắn, để lộ cánh tay có chút hình xăm là lạ. Những gương mặt cũng hằn sâu nét gì đó khó nói, nhưng khi các em mỉm cười thì lại hồn nhiên rất ngộ.

Đặc biệt một gương mặt hơn 40, mặc áo sơ mi mà lại đi với… cái quần cụt, đứng nép vào cửa chánh điện, không giấu được vẻ giang hồ sương gió. Nhưng lúc tôi hỏi đến thì anh ta bối rối nở nụ cười, chao ôi, để lộ hai cái răng sún thật hiền lành. Tôi bàng hoàng vì nét tương phản ấy. Và ấn tượng từ gương mặt ấy cứ khắc khoải theo tôi. Mấy tuần sau nữa, anh ta vẫn là người tài trợ quà đều đặn cho tụi nhỏ. Nào sữa, bánh, tập vở… Nhưng vẫn ngại ngùng đứng nép dưới chân tượng Phật…

Lũ trẻ bắt đầu những buổi học Phật pháp, vừa háo hức, vừa lơ đãng. Háo hức vì luôn muốn ngồi trong lớp, luôn náo động, luôn vui cười. Lơ đãng vì nghe giảng một hồi là “hết vô”, mặt nghệt ra, lễnh loãng. Tôi bèn áp dụng cách dạy khác với những lớp đã từng dạy. Giảng ít, cho vận động trí não bằng kịch, tiểu phẩm, ca nhạc, ứng xử. Quả nhiên, thành công hơn hẳn. Thôi thì, học kiểu nào cũng là học, tùy căn cơ mà học, miễn sao lồng được những bài Phật pháp, đạo đức vào trong nội dung sinh hoạt là được. Kiên nhẫn và vất vả hơn một chút. Nhưng niềm vui cứ len lén nẩy mầm. Cảm giác của một người đang gieo cái hạt nhỏ xíu, mỗi ngày tưới chăm, ngồi nhìn mầm xanh ấy cựa quậy đội đất đứng lên.

Niềm vui của thầy trụ trì còn lớn hơn. 8 năm về xóm nhỏ, hơn 5 năm đã nghe… chửi. Cái am 100 mét vuông tuềnh toàng chỉ đủ cho thầy che mưa che nắng. Ngày mấy lượt ra vô con hẻm, “chúng sanh” ngồi hai bên chửi “thầy chùa” tắt bếp. Bóng áo nâu cứ lầm lũi đi, về. Thế rồi, tự nhiên hết chửi. Tự nhiên cười với thầy. Tự nhiên bênh vực thầy. Và tự nhiên gởi con vô chùa cho thầy trông nom.

Con bé chạy đi kiếm bà nội trong sòng bài: “Nội cho con đi chơi!”. “Ở đâu?”. “Trong chùa”. “Được. Mầy vô chùa là tao yên tâm”. Và bà nội tiếp tục đánh bài thoải mái. Ba má nhiều đứa cũng vậy, nghe con xin vô chùa là OK liền. Ngôi chùa như nhà trẻ, thầy trụ trì là cô bảo mẫu, giờ suốt ngày hết nghe chửi mà nghe lũ trẻ cười, nói, cãi lộn, tụng kinh, ca hát…

Chùa đã xây lại kiên cố, Phật đã thỉnh lại rất to, nằm giữa hàng chục, hàng trăm “vệ tinh” như thế. Xe Honda của khách vô chùa cứ quăng trước cửa, không ai dám lấy cắp. Đám tiệc lễ sám thầy có người tiếp tay làm hết, chu đáo, đàng hoàng. Vẫn uống rượu, vẫn đánh bài, nhưng biết thắp một cây nhang hướng Phật. Và những đứa trẻ hy vọng lớn lên sẽ khác.

Ngôi chùa như đóa hoa sen mọc lên giữa xóm, kiên quyết không đổi dời. Như những mầm non ấy, đổi đời ngay trong chốn sinh ra, chứ biết đi đâu nữa. Cõi Ta-bà này nơi nào không phiền não? Thôi thì, bùn chỗ nào sen mọc lên chỗ ấy… Trong mỗi trái tim hoàn lương kia đều có một ông Phật đẹp lạ lùng! 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày