GN - Thầy tôi rất thích dâng hoa cúng Phật, đặc biệt là hoa lài. Vào 14, 30 mỗi tháng, nhân kỳ sám hối - bố-tát - thù ân, thầy thường phân công nhóm Phật tử ngồi lại xâu hoa.
Sợi chỉ mảnh kết hoa thành chuỗi dài thanh khiết, ngát hương. Chuỗi hoa được mắc vào bảo cái, treo cao lên cúng dường hai bên tôn tượng Đức Bổn Sư. Mùi hoa lài trở thành mùi hương đặc trưng cho mỗi kỳ lễ, gợi niềm tôn kính Phật - Pháp - Tăng, gợi lên cả mùi hương Giới - Định - Tuệ mà thầy vẫn hằng trì…
Sợi chỉ xâu hoa mà Đức Phật nói chính là “sự thâu nhiếp bằng kinh pháp”
Nhìn chuỗi hoa, tôi nhớ Ấn Độ. Người Ấn thích xâu hoa dâng cúng các vị tôn thần, bằng cách choàng vào cổ tượng hoặc choàng lên bức ảnh. Người Việt lại khác, thích cắm hoa vào bình, hoặc trang trí thành vòm, thành mảng với nhiều kiểu cách nghệ thuật, đôi khi rất cầu kỳ. Dẫu theo phương thức nào, tấm lòng thành của người cúng dường vẫn quan trọng hơn cả.
Trong kinh Phật, so với chuỗi anh lạc, chuỗi hoa ít xuất hiện hơn. Nhưng có lần, đọc Tứ phần, tôi vô cùng xúc động khi bắt gặp hình ảnh chuỗi hoa, được chính Đức Phật ví von rất đẹp: “Này Xá Lợi Phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn, gió thổi thì bay. Tại sao vậy? Vì không dùng sợi chỉ xâu lại”.
Sợi chỉ xâu hoa Phật nói chính là “sự thâu nhiếp bằng kinh pháp”. Bởi khi Đức Phật và chúng Thanh văn còn ở đời thì Phật pháp được lưu bố. Nhưng nếu Đức Phật nào không vì đệ tử mà rộng nói kinh pháp, không kết giới, không nói Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới luật), sau khi Phật và chúng Thanh văn diệt độ, hàng đệ tử xuất gia sau này gồm nhiều thành phần, chủng tộc, không giữ phạm hạnh khiến cho Chánh pháp mau tàn diệt.
Giữ phạm hạnh, căn bản chính là giữ giới - phòng hộ các căn, nuôi lớn pháp lành, xây dựng một đời sống “tịch tĩnh, thanh tịnh, ly dục”, giống như sợi chỉ xâu hoa, tránh để bay mất hết những thiện căn công đức.
Bằng trí tuệ và lòng bi mẫn, Đức Phật tùy thuận đem Ba-la-đề-mộc-xoa trao cho đệ tử. Ngài chỉ cho chúng đệ tử những điều nhỏ nhất, hướng dẫn cách từ bỏ cử chỉ bất xứng cho đến tránh xa những hành vi phạm tội, để đời sống Tăng trở nên thanh tịnh, hòa hợp và cao đẹp.
Công ơn của Phật, nếu muốn đền trả, có lẽ phải học theo hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền. Ngài đem những cái bậc nhất của thế gian dâng lên cúng dường Phật: “Tôi đem vòng hoa / tốt đẹp hơn hết / âm nhạc, hương hoa / tàn lọng, bảo cái / những đồ trang hoàng / hơn hết như vậy / tôi đem hiến cúng / chư vị Như Lai”… Thế nhưng, các pháp thế gian ấy vẫn chưa đủ, Ngài nói: “Thiện nam tử, trong mọi sự hiến cúng, hiến cúng Chánh pháp là hơn hết”. Đó chính là: “Hiến cúng bằng cách làm đúng lời Phật, hiến cúng bằng cách lợi ích chúng sanh, hiến cúng bằng cách giáo hóa chúng sanh, hiến cúng bằng cách chịu khổ thay cho chúng sanh, hiến cúng bằng cách siêng tu thiện căn, hiến cúng bằng cách không bỏ Bồ-tát hạnh, hiến cúng bằng cách không rời Bồ-đề tâm” (Kinh Hoa nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện).
Làm đúng lời Phật thì xuất sinh chư Phật. Người con Phật biết hiến cúng Chánh pháp thì thành tựu sự hiến cúng Như Lai, đó là hiến cúng chân thật.
Trong một xã hội đề cao lối sống hưởng thụ, vật chất lấn át các giá trị đạo đức, muốn giữ gìn mạng mạch Phật pháp, người xuất gia phải khéo dùng sợi chỉ kinh pháp để xâu kết những bông hoa phạm hạnh, xứng là điểm tựa nương cho hàng đệ tử tại gia tu hành.
Đăng Tâm/Báo Giác Ngộ