Sợi dây chuyền

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1177 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1177 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là sợi dây chuyền vàng 14k có mặt hình trái tim, được đính đá lấp lánh. Vào hôm kỷ niệm hai năm ngày cưới, Thuần dẫn vợ đi đổi sợi dây cũ đã bị đứt, các thêm triệu rưỡi để có được sợi dây mới này.

Sau mấy tháng để cổ trống không giờ đeo lên sợi dây chuyền lấp lánh Trầm tự nhiên thấy vui. Lâu không có thói quen soi gương mà từ lúc đeo sợi dây chuyền thỉnh thoảng đi qua nhà vệ sinh Trầm cũng tự nhìn mình trong gương tủm tỉm cười.

Lúc bế con ngoài hè dỗ cho nó đừng trớ cháo. Trầm ngó mình vào thùng chứa nước mưa bám đầy cặn rêu, khuôn mặt nhòe đi chỉ có sợi dây chuyền là vẫn luôn lấp lánh. Lấp lánh trong bữa cơm đạm bạc của đôi vợ chồng trẻ vừa mới dồn hết tiền bạc mua một mảnh đất cắm dùi. Lấp lánh trong lúc nằm bên nhau, tay kê đầu kể những chuyện mai sau thường bắt đầu bằng câu “năm sau có nhà rồi, tụi mình sẽ…”.

Để tránh tình trạng cứ đeo vài hôm dây chuyền lại đứt như sợi cũ, Trầm chọn dây chuyền mới hình xoắn ốc được bện bởi nhiều sợi nhỏ theo gợi ý của nhân viên bán hàng vì nó thuộc loại bền. Khổ nỗi dây hình xoắn lại rất dễ làm rối những sợi tóc, sợi len vướng víu lòa xòa trên cổ. Trầm phải tháo dây ra tìm đủ mọi cách gỡ từng chút một nhưng không hết. Đành nhỏ nhẹ nhờ chồng “anh gỡ giúp em”.

Thuần vừa bế con đi chơi về, tự nhiên vằn mắt quát “suốt ngày tháo ra làm gì. Không đeo thì vứt mẹ đi”. Trầm lặng người vài giây, cầm sợi dây chuyền thả vào chiếc lọ thủy tinh đặt trên giá sách. Trong chiếc lọ có cả đôi nhẫn cưới đã tháo ra từ lâu. Trên người Trầm không đeo bất cứ món đồ trang sức nào nữa cả.

*

Trầm không bao giờ nhắc gì về sợi dây chuyền nữa. Nhưng hình ảnh sợi dây chuyền lúc nào cũng lấp lánh trong tâm trí của Trầm. Như trong bữa cơm lúc chồng gắp miếng ngon cho mình, Trầm toan cảm động bỗng câu nói “không đeo thì vứt mẹ đi” cứ vang lên. Lúc đi tắm kỳ cọ xung quanh cổ bỗng nhớ ra sợi dây chuyền không còn ở đó. Lúc đứng giữa đám đông thấy người đàn bà nào cũng đeo một vài món trang sức trên người. Trầm bất chợt sờ tay lên cổ. Trống trơn. Món trang sức cuối cùng cũng không còn nữa. Tự nhiên Trầm thấy mình như người đàn bà khỏa thân giữa chợ đời. Trên người không có mảnh vải nào đủ đẹp để che đi những ngấn mỡ thừa.

Di từng nói đàn bà ít nhất phải có thứ gì đó phù phiếm cho mình. Mà thứ đàn bà thích nhất vẫn là trang sức. Di năm nào cũng phải thưởng cho mình vài món trang sức vào những dịp quan trọng trong năm. Cũng có khi chẳng phải dịp gì Di thích thì bỏ tiền mua thôi. Di của Trầm là người đàn bà đáng được nâng niu. Nên thỉnh thoảng lại nhận được một món quà ý nghĩa. Dĩ nhiên quà luôn là trang sức.

Di chụp ảnh gửi qua zalo khoe Trầm “đẹp không cưng? Chị mà nói giá là em hết hồn ngay”. Trầm mừng cho chị, len lén giấu đi một tiếng thở dài. Đời Trầm ngay cả thứ phù phiếm rất đỗi đàn bà ấy cũng không có được. Mua một chiếc áo mới cũng nâng lên đặt xuống. Đồ lót mặc đã rách. Lông mày lâu chưa tỉa. Cả năm không đến quán gội đầu, làm móng.

Hôm chồng đòi ăn nem Trầm đi chợ mua đồ về cuốn. Lúc trộn nhân nem Trầm thấy thiếu vị cay nên đi lấy gói hạt tiêu để trong lọ thủy tinh trên giá sách. Vô tình chạm vào sợi dây chuyền và đôi nhẫn cưới. Nó nằm đó im lìm như bụi. Những sợi len rối mù vẫn bám chắc vào từng mắt dây chuyền. Thuần đã không sờ đến. Không một lần áy náy vì những lời đã nói, những chuyện đã xảy ra. Trầm vừa cuốn nem vừa miên man nghĩ.

Ngày trước thỉnh thoảng Trầm hay mở hộp trang sức ngắm nghía mấy chiếc kiềng, lắc tay, vòng cổ bằng vàng. Đó là món quà cưới mà mẹ và anh em ruột tặng Trầm làm của hồi môn. Có cả một đôi bông tai hình hoa mai của Di, chị đã tặng cho Trầm vào ngày hạnh phúc. Trầm không đeo những món đồ trang sức đó trên người mà mang cất kỹ, như một thứ tài sản đáng được nâng niu.

Nhưng vài tháng trước Trầm đã mang bán hết tất cả số vàng cưới để gom tiền mua đất. Đàn bà ai cũng tha thiết một ngôi nhà nên vắt kiệt cả tuổi xuân của mình vì mơ ước kết thúc cuộc đời ở trọ. Trầm đã bán cả đôi bông tai Di tặng dù tiếc nuối ngẩn ngơ. Sợi dây chuyền Thuần mua thật ra đâu có thấm tháp với những gì Trầm đã vì hạnh phúc chung mà hy sinh vun vén. Nên những lúc bất chợt sờ tay lên cổ, Trầm vẫn thường cảm thấy nhói lòng.

Đêm nào con gái cũng nằm sờ mụn thịt thừa trên cổ mẹ thì thầm:

- Con thấy mụn thịt này ngày một to hơn. Nó cũng giống như viên ngọc trai đang được nuôi lớn. Con nhắm mắt là tưởng tượng ra trên cổ mẹ có một viên ngọc trai lấp lánh.

- Thế thì mẹ chẳng cần đeo thêm món đồ trang sức nào con gái nhỉ?

- Mẹ chẳng cần đeo gì cũng đẹp. Nhưng sau này lớn lên đi làm có tiền, con sẽ mua tặng mẹ những chiếc vòng thật đẹp.

Trầm ôm con vào lòng thiếp đi sau một ngày làm việc cực nhọc. Trầm yêu những phút giây được ngả lưng xuống chăn chiếu cũ nhàu. Thảnh thơi xem một video hài, nghe một bài hát hay hoặc lướt face xem bạn bè phương xa sống thế nào. Cũng có khi nằm bên cạnh đắm đuối nhìn con, hôn lên trán con, thủ thỉ kể với con về những chuyến đi mơ ước. Ngắm tuyết trên núi Phú Sĩ. Đi thăm những đám mây ở Tây Tạng. Ghé qua cánh đồng hoa lavender ở một làng quê nước Pháp.

Trầm kể một cách say sưa tựa như đã được sống một phần đời ở đó. Khán giả của Trầm đã ngủ ngon lành, thỉnh thoảng khẽ nhoẻn miệng cười vì cơn chiêm bao đẹp. Trầm thấy mình thong dong như một đám mây nhỏ vừa bay qua đỉnh núi cúi đầu ngó trần gian từ biệt. Trầm chìm vào giấc mộng quên cả đôi chân buốt lạnh của mình còn chưa kịp đeo tất. Nó dầm nước cả ngày trong nhà vệ sinh vì lau dọn, vì thay rửa cho con, vì giặt giũ, nấu nướng, vì chẳng có thời gian nhận ra chân mình đã lạnh.

- Đêm qua con tỉnh giấc vì tiếng mẹ khóc thút thít. Mẹ gặp ác mộng có đúng không?

- Không con à. Là mẹ mơ thấy mình gặp bạn.

- Bạn của mẹ là ai?

- Là những người đã lâu chưa gặp và cả người chưa một lần gặp mặt.

- Trong giấc mơ mọi người nói với nhau những gì?

- Tụi mẹ cùng bàn luận với nhau về những chuyến đi. Cùng mặc một kiểu váy giống nhau, tô màu son giống nhau, đi đôi giày giống nhau để cùng nhau đến một vùng đất mà tụi mẹ đã từng hò hẹn từ nhiều năm trước.

- Vui thế thì sao mẹ lại khóc?

- Vì lúc vừa bước chân lên tàu thì mẹ thấy trên tàu không có ai. Bạn của mẹ cũng tự nhiên biến mất. Chắc là mẹ đã hốt hoảng đi tìm.

- Giống như con lúc đi tìm chú mèo con bé bỏng bị lạc giữa đêm khuya?

Trầm ôm con vào lòng thương cho những xót xa nuối tiếc. Có lẽ phù phiếm nhất vẫn là những lời hò hẹn ở tương lai. Mà biết đâu nó sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Ánh sáng của giấc mơ cũng lấp lánh như vẻ đẹp của sợi dây chuyền đang nằm trong chiếc lọ thủy tinh. Những thứ không thuộc về mình bao giờ cũng trở nên đẹp đẽ. Trầm không nhớ thanh xuân của mình đã vuột qua khi nào. Khi lấy chồng? Sinh con? Bỏ việc ở nhà làm nội trợ? Hay là khi bắt đầu có những giấc mơ đêm?

Người ta thường hỏi nhau đã dành cả thanh xuân để làm gì? Họ dành cả thanh xuân để thực hiện những ước mơ hoài bão. Để yêu. Để đi. Để làm thiện nguyện. Để trèo lên một đỉnh cao nào đó. Còn Trầm thì dành cả thanh xuân của mình cho những điều vụn vặt được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Như lau dọn cửa nhà, giặt giũ hoặc để trả lời câu hỏi hôm nay ăn gì? Có lúc ngồi nhẩm tính Trầm giật mình nhận ra riêng thời gian nấu nướng có khi đã chiếm một phần ba đời người phụ nữ. Nhưng đàn ông thì rất hiếm khi biết giật mình.

Thuần thường trở về nhà sau giờ làm. Ít khi tụ tập rượu chè bỏ bê nhà cửa như chồng Di. Thuần tự nguyện chia sẻ việc nhà với tâm thế của kẻ ban ơn. Thích thì làm, một khi đã không thích thì sống chết mặc bay. Thuần có thể đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, lau nhà một cách chỉn chu. Nhưng vợ thì phải ngoan, chịu khó nghe chồng càu nhàu không cự cãi. Mà Thuần thì tính tủn mủn, để ý cả những thứ vặt vãnh trong nhà.

Sống với nhau bốn năm Trầm thừa hiểu tính chồng. Ưa nịnh nọt ở phòng khách và thích được chiều lòng trong phòng ngủ. Cứ thỏa mãn được hai thứ ấy thì cửa nhà êm ấm. Dễ mà khó. Chỉ những người đàn bà như Trầm mới hiểu. Khi kết thúc một ngày vất vả thì chỉ thèm nằm bẹp gí trong chăn chiếu và chỉ mong chẳng ai động đến mình. Lạnh nhạt thì có lỗi, say mê thì không nổi. Biết phải làm sao ngoài… diễn.

Thuần đi làm ca chiều về, lạch cạch mở cửa. Trầm tỉnh giấc nhìn chiếc đồng hồ vạn niên ở góc nhà đúng một giờ đêm. Gió ngoài trời như chỉ đợi cánh cửa mở ra là ùa vội vào phòng, Trầm rùng mình vì lạnh. Thuần xuống bếp lục ăn vì đói, cơm ở công ty thường ăn không đủ no. Trầm nằm im nghe từng tiếng động nhỏ cũng biết chồng mình đang bật bếp, rang cơm, đập trứng, rắc thêm chút hạt tiêu. Hôm nào chồng về giờ này cũng làm Trầm mất giấc và rất khó dỗ mình ngủ lại.

Con gái Trầm trở giấc, theo thói quen tay lần tìm bụng mẹ. Con bé thường rất thích nằm gối đầu lên bụng mẹ để mân mê vết sẹo mổ đẻ đã chai cứng lại. Vết mổ dài trên bụng. Tựa như sợi dây chuyền đeo ở vòng eo đầy mỡ và vết rạn. Mà người phụ nữ nào cũng giấu kín dưới vạt áo, cạp quần. Nhưng bỗng nhiên Trầm thấy đó là sợi dây chuyền đẹp nhất. Lấp lánh ngay khi chẳng cần phải phô trương. Lấp lánh soi phận đời đàn bà trải qua những mùa sinh đau đớn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày