Bóng mát nhà xưa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1158 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1158 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi tấp xe vào lề đường. Bác bảo vệ đội nắng bước ra hướng dẫn chỗ để tôi đỗ xe. Sau khi xe tôi đỗ ngay ngắn trong bãi, tôi bước xuống mở cửa, Na Anh ra trước, ba ra sau.

Ba tôi đứng lấy tay che nắng, nheo mắt nhìn lên tấm biển hiệu treo trên cao, hỏi tôi:

- Mình đi đâu vậy con?

- Đi ăn nhà hàng, ba!

- Trời, ăn ở đây sao? Chắc đắt dữ lắm! Thôi, mình đi chỗ khác đi con.

Tôi nhìn ba cười xuề xuề mà nước mắt tự dưng chảy ròng ròng trên má:

- Con đặt chỗ cho ba và Na Anh rồi. Mình vào thôi ba. Ngoài này nắng.

Ba tôi miễn cưỡng bước vào. Nhìn cái dáng gầy khô khó nhọc bước từng bước lên bậc tam cấp dẫn vào nhà hàng, tôi thương đứt ruột.

Na Anh dìu ba một bên, tôi dìu một bên. Ba chúng tôi bước đến chỗ ngồi đã đặt trước. Chỗ tôi đặt ở ngay bên cửa sổ, trên có đèn pha lê. Bàn ăn được trải bằng khăn sọc carô, có lọ hoa hồng tỏa hương thơm ngát. Tôi kéo ghế mời ba ngồi. Na Anh và tôi tự kéo ghế ra ngồi bên cạnh ba đợi bồi bàn mang thức ăn theo đúng thực đơn tôi đã đặt.

- Hai đứa này nay màu mè quá, dẫn ba đi ăn nhà hàng nữa. Ăn ở đây có đắt lắm không con? - Ba tôi hỏi.

Tôi xoay sang nhìn Na Anh, nháy mắt, nghĩa là Na Anh phải phối hợp ăn ý với tôi từ lời lẽ đến hành động.

- Không đắt đâu ba. Ngay đợt khuyến mãi mà. Con nằm trong danh sách may mắn được miễn giảm tận 50% tất cả các món ăn ngày hôm nay.

Na Anh phụ họa:

- Anh Hai nói đúng đó ba. Ba cứ việc dùng thoải mái, rẻ lắm!

- Ừ, rẻ thì ba ăn, chứ đắt quá thì thôi con ạ! Phí phạm lắm! Một bữa ăn hôm nay bằng mấy tháng ăn của năm xưa, ba nuốt không trôi…

Tôi vừa vui vì ba tin lời tôi, rằng bữa ăn hôm nay được giảm giá. Nhưng tôi cũng vừa thấy lòng mình xót xa. Cớ gì ba tôi cứ đau đáu nhớ về chuyện cũ người xưa, nhớ về những tháng năm khổ nghèo, thiếu thốn. Mỗi lần tôi dắt ba đi đâu đó chơi, ăn món gì đó sang sang mà có một thời tôi thèm thuồng ước ao, nghĩ rằng chắc cả đời mình cũng không thể nào ăn được, ba tôi lại ngồi thẫn thờ ngẫm ngợi. Ba tôi ăn một cách miễn cưỡng, ăn lấy vị để tôi và Na Anh vui lòng. Tôi biết ba không thật sự thoải mái khi tận hưởng những gì mà anh em tôi mang đến cho ba.

Ba tôi vẫn nhớ hoài chuyện cũ, người xưa, nhớ về một thời nổi trôi, một thời phiêu bạt. Anh em tôi giờ đã thành nhân chi mỹ, tôi làm trong công ty lớn, có nhà đẹp, có xe hơi, Na Anh sau khi được tôi hỗ trợ đi du học đã trở về Việt Nam, lương bổng của Na Anh là niềm mơ ước của bao người. Chúng tôi trở thành “dân thành phố”, dần dần hình ảnh hai anh em nhà quê chân ướt chân ráo lên thành phố học đại học, ở nhà trọ, đêm đạp xe lọc cọc đi làm thêm kiếm tiền trang trải… đã phai nhòa trong tâm trí của tôi.

“Vậy sao ba vẫn nhớ hoài chuyện cũ vậy, hả ba?”. Tôi đã hỏi ba câu đó. Hỏi rất nhiều lần. Lần nào ba cũng lắc đầu rồi thở dài, ba bước ra ban-công tìm cho mình một khoảng lặng. Tôi biết lòng ba lại sống lại những ngày xưa ấy.

Nhiều lần ba bảo tôi đưa ba về quê. “Để làm gì hả ba, ở quê có còn ai nữa đâu? Chừng nào tới giỗ má hoặc Tết đến chúng con đưa ba về”. Ba gật đầu đồng ý, nhưng trong thâm tâm ba vẫn muốn trở về quê. Nhân lúc tôi và Na Anh đến công ty, ba tôi khóa cửa nhà lại, gọi xe ôm chở ba ra bến xe, mua vé về quê cũ. Tôi về nhà không thấy ba đâu, tôi hốt hoảng gọi Na Anh. Con bé cuống lên. Chúng tôi đoán chắc ba về quê thăm mộ mẹ nên ngay lập tức phóng xe trên con đường quen thuộc trở lại căn nhà nhỏ xiêu vẹo bên bờ sông, phía sau có mảnh vườn, có ngôi mộ mẹ tôi nằm dưới màu xanh cây trái.

Ba tôi đang ngồi bên mộ mẹ, dưới gốc cây nhãn xuồng đang độ ra quả lúc lỉu. Mấy con sóc chuyền cành ăn nhãn rớt lộp độp dưới gốc cây. Ba đang nói điều gì đó với mẹ mà tôi không nghe rõ, chỉ thấy ba cúi người nhổ cỏ mọc quanh mộ mẹ, thủ thỉ chuyện trò như thể mẹ tôi vẫn còn đang sống, như là mẹ đang ngồi trước mặt ba lấy nón lá quạt phe phẩy cho mát giữa bóng mát cây vườn. Na Anh định gọi ba, nhưng tôi ra hiệu cho Na Anh im lặng. Tôi muốn ngắm ba mình thêm chút nữa. Mắt tôi cay cay. Tôi biết rằng: mẹ vẫn sống mãi trong trái tim ba tôi. Thời gian dẫu trôi nhưng ba tôi vẫn không thể nào quên được mẹ.

Tôi chạy đến ôm lấy ba vào lòng. Ba xoay sang nhìn tôi và Na Anh, ba nói:

- Hai đứa đừng bắt ba lên thành phố sống nữa! Ba muốn về đây để được tận tay chăm sóc mộ người ba thương mỗi ngày.

Cái tiếng “người ba thương” của ba nghe ấm áp nhưng xót xa vô cùng. Ba thương mẹ tôi nên ba cứ nhắc mãi chuyện năm xưa: “Giá như lúc đó nhà mình khá giả, ba có tiền đưa mẹ con đi chữa bệnh đến nơi đến chốn, chắc là mẹ con không đi sớm như vậy”. Ba tôi hiểu đời không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý muốn của mình nhưng ba ôm nỗi đau năm ấy mãi trong lòng. Ba tôi cứ trách bản thân đã không lo được cho mẹ tôi đầy đủ, để mẹ phải ra đi trong bệnh tật, ốm đau.

Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi dặn ba phải lo lắng chu toàn cho anh em chúng tôi, đừng để chúng tôi phải sống khổ, sống cực như cuộc đời của ba mẹ. Ba đã nỗ lực rất nhiều để làm tròn lời dặn dò của mẹ. Ba dắt anh em tôi lên thành phố, thuê nhà cho chúng tôi ở để đi học. Ở quê nhà, ba tôi đã làm đủ tất cả mọi nghề để kiếm tiền gửi lên cho chúng tôi. Tôi học giỏi, lại có ý chí nên may mắn liên tục đến. Tôi nhận được học bổng toàn phần. Gánh nặng nơi ba vơi nhẹ phần nào. Na Anh cũng vào đại học.

Một buổi chiều nhớ ba, tôi gác mọi công việc ở thành phố bắt xe về quê thăm ba. Tôi đã khóc khi thấy ba tôi gầy đi nhiều, những nếp nhăn chi chít trên khuôn mặt sạm nắng. Tóc ba tôi bạc trắng. Tôi nắm bàn tay chai sần của ba, đặt lên trước ngực mình. Ba nói: “Cái thằng này, lớn rồi mà cứ như con nít! Ai già mà chẳng vậy. Nhìn các con khỏe mạnh và thành công mỗi ngày là ba vui rồi”. Tôi ôm ba khóc rưng rức như một đứa trẻ. Nắng chiều sắp tắt. Hai ba con tôi thập thững về nhà trên con đường ngày nhỏ tôi thường chân trần chạy nhảy đem cơm, đem nước ra cho ba mẹ mỗi buổi trưa nắng cháy…

Tôi nắm tay ba và Na Anh bước đến bên mộ mẹ. Chúng tôi ngồi xuống trước mộ, dưới bóng cây nhãn xuồng chín thơm phưng phức. Cây nhãn này ba tôi trồng từ lúc tôi còn bé xíu, còn Na Anh thì chưa chào đời. Cây nhãn xuồng chứng kiến tuổi thơ thiếu thốn nhưng ấm áp ngọt ngào của tôi, chứng kiến chúng tôi lớn lên, vui đùa chạy nhảy và rồi đợi chờ chúng tôi trở về khi chúng tôi chọn thành phố làm bến đỗ của tuổi trẻ và mai sau. Cây nhãn vẫn thủy chung che chắn cho mộ mẹ tôi khỏi nắng mưa, tỏa bóng mát vỗ về mảnh đất quê hiền lành mộc mạc.

- Ba ơi! Chúng con xin lỗi ba. Chúng con tưởng rằng những gì chúng con đang làm có thể lấp đầy những đau khổ mà ba mẹ đã trải qua. Nhưng giờ đây con đã biết, với ba có một điều khác thiêng liêng hơn rất nhiều.

- Mình kêu người sửa sang lại căn nhà cũ, dọn lại mảnh vườn, đắp lại bờ ao nha ba - Na Anh nói tiếp - Căn nhà cũ của mình sẽ không còn xập xệ nữa. Để đến khi giỗ mẹ hoặc lễ Tết, gia đình mình sẽ về đây mà ở, quây quần với bà con chứ không bỏ quê mà đi biền biệt như bao nhiêu năm qua nữa…

Ba tôi nhìn chúng tôi, mắt ba tôi ngời ngời lên những tia hạnh phúc. Tôi thấy ba cười mà khóe mắt long lanh. Tôi biết ba tôi xúc động vì những đứa con thơ dại năm nào của ba nay đã trưởng thành, hiểu chuyện. Điều quan trọng là cả tôi và Na Anh nhận ra rằng: Không có điều gì quý giá bằng gia đình và quê hương nguồn cội. Dù chúng tôi có đi đâu, có giàu sang thế nào thì quê hương vẫn là một phần máu thịt, một phần tâm hồn của chúng tôi.

Tôi sẽ sửa sang lại căn nhà trên mảnh đất quê. Từ nhà ra mộ mẹ, tôi sẽ nhờ người làm con đường xi-măng quang quẻ để ba tôi có thể ra thăm mẹ mỗi sớm mỗi chiều mà không phải đi qua những mương nước có chiếc cầu bắc tạm tròng trành. Khi nào nhớ mẹ, nhớ nhà, tôi sẽ đưa ba về căn nhà cũ, hoặc nếu ba muốn ở đây, bên cạnh mẹ, tôi cũng sẽ đồng ý để rồi cuối tuần anh em chúng tôi lại háo hức về quê.

Và những ngày Tết đến, chúng tôi sẽ sắp xếp công việc ổn thỏa để ở hẳn quê nhà, ăn cái Tết bình dị, ấm áp nhưng đong đầy nghĩa tình cùng bà con làng xóm. Tôi biết đó là cuộc sống mà ba tôi đang mong chờ. Người già đơn giản lắm, chỉ cần được sống bên cạnh những gì khơi gợi kỷ niệm một thời đã qua, sống bên những yêu thương chân thành, bình yên và dung dị cũng đủ khiến họ thấy lòng mình ấm áp…

Nhắm mắt lại giữa màu xanh cây vườn, tôi thấy mình vẫn là đứa trẻ năm nào lon ton trước vuông sân, ngồi vọc nước ở bờ ao sau nhà, chạy còng còng ra đầu ngõ đón mẹ đi chợ về mang theo bao nhiêu quà bánh.

Nhắm mắt lại, tôi thấy mình trở lại mái nhà xưa, ngồi bên hiên nắng, nghe tiếng gà gáy xao xác… Đó là khoảnh khắc bình lặng nhất của tôi sau bao bão giông, biến động của cuộc đời.

Quê hương và gia đình chính là liều thuốc chữa lành vết thương tâm hồn của mỗi người. Là thiêng liêng. Là vô giá…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày