Tấm gương hai màu

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tấm gương chỉ vừa đủ cho một người soi ở các tiệm may. Nhưng đã có rất nhiều người vô tình đi ngang qua rồi không để lại chút hình bóng nào của họ trong ấy. Tấm gương được dựng đứng ở một gốc cây bên lề đường phố đông người qua lại hàng ngày.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1171 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1171 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cả một bầu trời xanh tươi của bốn mùa với mây gió lãng mạn đã bay qua trên tấm gương ấy. Nó cũng từng chứng kiến bao nhiêu là vui, buồn nhân thế khi dựa gốc cây bên đường như một kẻ đứng cô đơn bên lề cuộc sống để giương mắt chứng kiến cuộc đời qua trí tưởng tượng và suy nghĩ của mình. Nó chỉ có hai màu xanh lá cây và màu hồng.

Nhưng người ta thường chú ý tới ông chủ của tấm gương hơn là để mắt chú ý nó - một tấm gương bình thường được đóng trong một cái khung gỗ có những chạm khắc cầu kỳ người ta thường gặp trong các ngôi nhà xưa. Trong khi ông chủ của nó nhìn có vẻ khá lớn tuổi. Có người nhìn ông rồi nghĩ tới những con đường đời gian khổ và vinh quang ngày nào mà ông đã trải qua trong đời mình. Có người lại nghĩ tới một vị thầy tu nào rất xưa, nay đã “xuất” ra ngoài để được dan díu với cuộc đời dâu bể này. Nhưng rồi cuối cùng, có người đã dừng lại khá lâu để nhìn tận mắt cảnh sinh hoạt đơn giản và buồn tẻ của ông cụ.

Mới sáng sớm, ông đã khệ nệ mang tấm kính hai màu ấy tới dựng vào gốc cây quen thuộc bên đường. Xong, ông bắc ghế ngồi bên cạnh với gói thuốc hút, chai nước và hộp cơm trắng ăn với muối mè. Ngoài ra, ông còn là chủ của chiếc xe đạp kêu cót két gần trăm tuổi được dùng làm phương tiện chở tấm gương kia. Có vẻ như ngày xa xưa nào, ông cụ đã có một cuộc sống nay đây mai đó bằng chiếc xe đạp này. Nay, nó còn cố gắng để ra sức tận tụy của mình để vui với ông giữa thành phố sôi động này.

Màu trời ban mai đang in trong tấm gương với cả hai màu xanh và hồng phấn rất thơ mộng. Ông cụ liếc nhìn qua gương đã bỗng ngạc nhiên khi nhìn thấy khuôn mặt tiều tụy với những râu tóc bạc phơ của mình vừa thoáng in trong ấy.

- Ta đấy ư? Ôi! Đã lâu quá rồi ta không gặp mình! Nhưng có thật đúng là ta đó không; hay lại là một lão già vô danh và nghèo mạt nào đang muốn tới rủ ta đi tiếp con đường về bể khổ? Ôi! Chính nơi đây đã là bể khổ rồi thì nhà ngươi còn đi tìm đâu nữa cho nhọc xác hỡi bạn già ta ơi?

Tuy nghĩ vậy nhưng ông cụ vẫn cố quay lại để được nhìn cho rõ hơn khuôn mặt của “lão” kia vừa mới thấy nhếch mép nhìn mình.

- Cha! Lâu lắm rồi mới gặp lại bạn già! Sao, có còn mạnh khỏe chứ? Giờ, ông bạn chưa chịu dừng bước giang hồ sao? Chưa thấm mệt hả?

Ông cụ trong tấm gương trợn mắt nhìn ra người già bằng tuổi mình như muốn hỏi:

- Ở đây có gì hấp dẫn nữa mà sao không bỏ đi cho rồi? Không tin, ông hãy nhìn vào tấm gương của mình đi...

Lúc này người chủ tấm gương mới chợt nhớ lại là mình đang dựng tấm gương hai màu bên một con phố náo nhiệt. Và có điều làm ông cụ cảm thấy vui vui khi bắt gặp màu trời đỏ hồng của một sớm mai đang in rõ mồn một trên tấm gương. Có lẽ nhờ màu hồng của gương đang phản chiếu sắc dịu êm của bầu trời nên khuôn mặt ông “trẻ” hơn vài tuổi chăng nên ông cứ thích được nhìn đi nhìn lại mình trong gương hoài. Xưa nay, có bao giờ ông “dám” soi mặt và con người mình vào tấm gương này đâu!.. Cuối cùng, ông đã vui sướng rồi cười cười - một nụ cười hình như đã rất lâu lắm mới có lại trên khuôn mặt từng trải và già nua của mình:

- Ta đó sao? Ừ! Đúng là ta chứ không phải thằng cha bụi đời và đói rách nào khác!... Bây giờ mình chào nhau cho vui nha, lão bạn già!

Vừa lúc ấy có một cặp bạn nam nữ trẻ bước tới. Họ dừng chân lại để được soi mình trong tấm gương vừa mới chuyển qua màu xanh da trời. Như bị hấp dẫn từ cặp bạn trẻ kia, ông cụ cũng ghé mắt nhìn vào tấm gương với vẻ thầm phục đôi bạn trẻ vừa đẹp vừa duyên dáng này. Hình ảnh họ in rất thật trên gương như mới vừa được chụp từ một máy ảnh chuyên nghiệp. Hình như họ đang trên đường đi ăn cưới chứ không phải để đi dạo chơi sáng Chủ nhật này, ông cụ nghĩ.

Họ cúi xuống trao cho ông lão ít tiền cà-phê. Ông nhận và không quên chúc họ hạnh phúc. Khi họ đi đã xa, ông lão còn thấy còn vương vấn chút vui vui cứ lâng lâng trong lòng mình.

Tới trưa, ông cụ đem cơm ra ăn. Bữa ăn đạm bạc mấy chục năm nay rồi mà ông vẫn còn cảm giác rất ngon mỗi lần nhai nó. Ông không so với bữa ăn của người nhà giàu nhưng với họ, chắc gì đã có được một bữa ăn như ông bên lề đường đầy ngựa xe và đầy những bụi bặm cuộc đời này!

Khi đang ăn nửa chừng, ông phải dừng đũa để chào đón một em bé được mẹ dẫn đi ngang qua tấm gương. Đứa bé bỗng trở nên vui tươi hơn khi tình cờ thấy được hình bóng mẹ con mình và cả ông lão trong tấm gương đang xanh màu da trời. Ông vội nói:

- Cháu ơi! Hãy cùng mẹ soi gương cho vui đi. Hai mẹ con đẹp lắm đó...

Người mẹ như còn trẻ trong chiếc áo bà ba màu tím có thêu nhiều hoa văn hoa lá cành nhìn thấy vui mắt. Cô ấy chịu dừng lại để chìu ý con. Cô nở một nụ cười đỏ hồng màu son khi chợt thấy mình trong gương. Trong khi đó, đứa bé tới ngồi vào lòng ông cụ như đã thân thiết nhau từ rất lâu. Ông hỏi tên rồi cho nó vài cây kẹo - những cây kẹo người ta cho ông sau khi được soi mình trong tấm gương kia thay vì trả tiền. Còn bà mẹ trẻ lại trân trọng đặt nhè nhẹ vào bàn tay ông cụ vài tờ tiền có mệnh giá khá lớn.

Ông cụ vui vẻ nhận với ý nghĩ đó chính là đứa con gái ở xa về vừa đưa cháu ngoại tới thăm người cha già là mình. Lại một nụ cười nho nhỏ hiện ra trên đôi môi khổ hạnh của ông cụ bụi đời. Lúc này ông mới thật sự soi mặt mình vào tấm gương đang in nhiều bóng chiều hôm trên các lá cành buồn buồn chung quanh. Ông vội đưa cả hai bàn tay khô khốc và nhăn nheo của mình lên lau nhanh cho mất đi hai dòng nước mắt của mình vừa mới lăn dài trên má. Rồi như chợt tỉnh sau một thoáng chiêm bao, ông cụ dõi mắt ra chung quanh nhưng không thấy có ai đang nhìn ông đang khóc - những giọt nước mắt cuộc đời mà đã lâu lắm rồi mới chảy ra từ đôi mắt của một lão già vẫn cứ cố quên đi trong đời mình...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày