"Sóng thần” ở VN: tai nạn giao thông!

Ngày 9-11, hàng ngàn người đến dự đại lễ cầu siêu tưởng niệm những người chết bởi tai nạn giao thông được tổ chức tại TP.HCM. 

>> Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông
>> GHPGVN ký kết với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia
>> Tu tập để giảm thiểu tai nạn giao thông

Anh BT (2).jpg

Cung nghinh chư tôn giáo phẩm quang lâm lễ đài khai mạc lễ cầu siêu ngày 9-11 tại Vĩnh Nghiêm

Với tinh thần “Tưởng nhớ người đi - vì người ở lại”, đây là đại lễ bày tỏ niềm thương xót những người không may thiệt mạng, đồng thời chia sẻ đau thương, mất mát với những gia đình nạn nhân.

Nhưng ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhất của đại lễ chính là tiếng chuông cảnh báo về một thảm họa mà nhiều người chưa ý thức hết hậu quả khôn lường.

Hãy thử nhớ lại, nhiều năm liền, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 11.000 sinh mạng bị cướp đi do tai nạn giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng nói con số này gần bằng thảm họa sóng thần ở Nhật Bản.

Nhưng đừng quên, ở Nhật thì hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có sóng thần, còn ở VN “sóng thần” lại diễn ra hết năm này sang năm khác, đến nay vẫn chưa biết “sóng thần” bao giờ mới dừng lại.

Có một vị tướng cũng từng so sánh, chưa kể những người bị thương, mỗi năm số người chết vì tai nạn giao thông tương đương một sư đoàn đầy đủ quân số, mười mấy năm qua là mười mấy sư đoàn, tổn thất này được coi là sánh ngang với chiến tranh.

Có lẽ từ ngày hòa bình tới nay, không nỗi đau nào lớn như nỗi đau tai nạn giao thông. Hầu như ngày nào cũng có nước mắt rơi.

Nếu cứ lấy con số khiêm tốn là mỗi năm có 10.000 người thiệt mạng thì điều đó đồng nghĩa với việc một ngày có 25-27 gia đình mất người thân.

Rõ ràng là nỗi đau tai nạn giao thông đang trải dài, trải rộng, nhưng hình như nhiều người vẫn còn vô cảm với những con số nặng trĩu xót xa này.

Tai nạn giao thông vốn không phải là “trên trời rơi xuống”. Có thể nguyên nhân đến từ hạ tầng còn yếu kém, tổ chức giao thông đôi chỗ còn vấn đề. Nhưng khắc phục nguyên nhân này không thể một sớm một chiều, có cái ngoài tầm tay như vốn.

Còn trước mắt, căn nguyên cơ bản dẫn tới họa giao thông vẫn là lối hành xử trên đường của mỗi người. Làm sao bình yên được khi cả một đoàn “yêng hùng” kéo nhau đua xe ào ạt giữa phố đông người?

Làm sao an toàn được khi những ông say rượu, thậm chí là phê ma túy lái xe chạy bạt mạng? Làm sao thoát khỏi lưỡi hái của thần chết khi hằng hà sa số những xe chở quá tải cứ ngày đêm “diễu võ dương oai” trên đường?...

Rất nhiều, rất nhiều những câu “làm sao”!

Đại lễ cầu siêu là một việc hay, nhưng nếu như người đi trên đường không ý thức hết trách nhiệm của mình để chấm dứt ngay những câu hỏi “làm sao” thì đại lễ vẫn chỉ là một gợn nước lăn tăn, quá nhỏ bé trước cả một cơn “sóng thần” tai nạn giao thông đang mỗi năm lại càng có vẻ trở nên hung dữ hơn.

Nguyên Thanh
(Tuổi Trẻ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày