Sống với cái lề đường

Sống với cái lề đường

1. Lúc nhỏ ở quê, lề đường quen   thuộc mỗi ngày hai bận đến trường và về nhà. Lề đường thuở đó là cả một thế giới kỳ thú, gắn bó với những bước chân trẻ thơ qua từng buổi rong ruổi, la cà… Lề đường ở nông thôn, quanh năm chẳng ai chăm sóc, mùa khô, những vệ cỏ úa vàng, dấu chân trâu bò giẫm qua làm cái lề đường rộng ra. Bọn học trò ngỗ nghịch chúng tôi nhớ rõ cái gốc táo dại ở vườn nhà bác Ba xóm trên, có một cành to sù chìa ra lề đường với vô số những trái táo chín vàng. Mỗi buổi đi học về, bọn chúng tôi bao giờ cũng dừng lại ở đoạn lề đường này, ném đủ thứ gạch đá lượm được lên cành táo để “khua” cho trái chín rụng xuống. Có đứa ném cả dép lên, và trong nhiều lần, chiếc dép bị mắc kẹt trên cành táo, khiến cho cả bọn sau đó phải huy động tất cả mọi thứ có được để ném lên nhằm “cứu” dép.

Cũng cái lề đường thôn dã ấy, dẫn ngang một ngôi chùa cổ kính. Thuở ấy chẳng đứa nào trong bọn chúng tôi hiểu bốn chữ “Tòng lâm Vạn Đức” trên bảng tên chùa nghĩa là gì, nhưng đứa nào cũng khoan khoái hàng keo lá tràm trước chùa, thường ghé lại mỗi buổi trưa, quẳng cặp sách xuống và ngồi bệt ra, nghe gió từ cánh đồng, từ bên kia sông phía trước chùa thổi về lồng lộng.

Cách phía trên ngôi Tòng lâm Vạn Đức ấy một đoạn, lề đường có một chiếc miếu nhỏ, có lẽ được dựng để thờ vong linh ai đó trong một lần tai nạn giao thông. Lũ trẻ chúng tôi không để ý nó lắm. Nhưng nhớ có lần chú Ba Nghèo, làm nghề đánh xe ngựa hàng ngày chạy qua đoạn đường này đọc câu ca "Ngựa nào có xoáy tam tinh/ Đi ngang qua miễu thần linh cũng chào”. Thế là mỗi lần “nhảy xe ngựa” (đi quá giang) đến trường, đến chỗ có cái miếu, thấy nó chạy vụt qua chiếc xe ngựa mình đang ngồi, thể nào tôi cũng ngoái đầu nhìn lại. Xe ngựa chú Ba Nghèo chạy nhanh thế, không biết vị thần linh ở miếu có chào kịp không. Mà không biết con ngựa đạm hồng của chú Ba có xoáy tam tinh không nữa. Mấy lần tôi muốn hỏi, mà thấy chú Ba nghiêm nghị quá, mặt mày râu ria xồm xoàm rất dữ tướng, nên lại thôi. Đến chừng lớn lên, nhớ lại mới thấy chú Ba Nghèo tuy là cảnh nhà nghèo thiệt, nhưng tấm lòng chú lại giàu tình thương đối với bọn học trò trẻ nít chúng tôi biết bao nhiêu.

Cái lề đường giản dị như vậy, đồng hành với bọn trẻ chúng tôi suốt cả thời thơ ấu, chứng kiến bàn chân của chúng tôi giẫm qua theo ngày tháng, chứng kiến những đôi dép nhựa lẹp kẹp, mòn vẹt, rồi thay đổi bằng những đôi dép khác, cỡ lớn hơn, rồi có những đứa rời cái lề đường ấy, đi xa.

2. Bây giờ, cái lề đường nơi phố  thị là một không gian hoàn toàn khác. Lề đường ở đây là cả một thế giới thiên hình vạn trạng. Lề đường chứng kiến biết cao cảnh đời xô dạt, là nơi sinh nhai cho rất nhiều người không cửa không nhà. Đây cũng là nơi chứng kiến từng đồng tiền lẻ được kiếm bằng mồ hôi nước mắt trong nắng bụi mưa bùn, lại cũng chứng kiến hàng loạt tiền ngân sách được tiêu xài trong những màn lát gạch, lắp cống, đào đường. Lề đường thành phố còn chứng kiến bao cái xấu, cái ác vẫn rình rập dân lành, và diễn ra như những bài học muộn màng cho người thân cô thế cô…

Điều đáng kể nhất, là dường như lề đường thành phố vắng hẳn những bước chân non. Không biết từ bao giờ, những bước chân học sinh không còn gắn bó với đoạn đường từ nhà đến trường. Lẽ ra, trong thuở ấu thơ cắp sách đến trường, ngoài những giờ phút căng thẳng trong lớp học, thì thế giới của lề đường phải là một liệu pháp thư giãn thú vị cho các em học sinh. Lẽ ra, các em phải thuộc lòng ngã tư này có cây trứng cá trái chín đầy cành, góc đường kia có chú sửa xe mỗi trưa thường đọc quyển Kiến thức ngày nay cũ kỹ, hay ngôi nhà bên đường ở gần trường không biết của ai nhưng có chú công an đứng gác rất nghiêm nghị, cô bán hàng rong thường ngồi đối diện cổng trường mấy hôm nay đâu rồi chẳng thấy… Những cung bậc ấy của cuộc sống như gia vị thêm vào thế giới tuổi thơ, sẽ làm tâm hồn các em bớt xơ cứng với chương trình học dập dồn liên miên bất tận. Thế mà các em không có được, tại sao?

Một điều tra bỏ túi cho thấy tất cả phụ huynh ở thành phố khi được hỏi đều bày tỏ nỗi bất an, không dám để con cái tự đi đến trường, dù nhà gần trong khoảng 1-2 km. Với học sinh ở độ tuổi tiểu học, thì phụ huynh xem việc đưa đón con đi đến trường là đối tượng ưu tiên cao nhất, trên 80% ưu tiên hơn cả công việc ở cơ quan.

Tại sao cái lề đường lại trở thành nỗi bất an như thế? Lý do nằm ở môi trường sống chung đang bất ổn. Số lượng các vụ tai nạn giao thông gia tăng, thông tin về những thủ đoạn trộm cướp, lừa đảo liên tục xuất hiện, cả những chuyện quá tải và tắc trách ở bệnh viện… đã khiến vấn đề sức khỏe và an nguy cho các em học sinh trở thành mối lo canh cánh của các bậc phụ huynh. Thế nên cái lề đường không còn là khoảng không gian quen thuộc của các em nữa. Và một khoảng trời tuổi thơ, thuở cắp sách đến trường của những học sinh thành phố không có bóng dáng cái lề đường lẽ ra phải đọng lại trong ký ức như những kỷ niệm thân thương chứ không phải là một thứ cần dè chừng như các phụ huynh đã tập cho các em từ thơ bé. Những thế hệ trẻ được người lớn đào tạo thành nhân trong sự khiếm khuyết như vậy, sẽ khó có thể nhìn môi trường sống xung quanh bằng ánh mắt thân thiện. Chuyện bất bình thường trong phát triển cuộc sống đô thị như vậy lẽ ra phải được cải thiện, bởi trên hết, môi trường sống có giá trị nuôi dưỡng tâm hồn con người ngay từ buổi đầu hình thành nhân cách. Có như vậy, chính các em mai kia lớn lên sẽ là người giữ gìn sự trong sáng thú vị của mỗi bước chân học sinh trên những đoạn lề đường ngày ngày đi học, chứ không phải nhìn nó như biểu tượng về sự bất an của những người lớn hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày