Trả lời câu hỏi của một đài nước ngoài về sự kiện đổ bể tín dụng đen hàng loạt đang được báo chí đưa như những tin nóng không có hồi kết, một nhà kinh tế trong nước đã nói, đại ý đây là chuyện muôn thuở, có từ khi có loài người và chỉ không còn khi không còn loài người!
Nghe qua, thính giả nghĩ rằng nhà kinh tế này nói một câu chung chung, để né tránh trả lời sự việc một cách tế nhị. Nhưng suy nghĩ kỹ, ông đang nói đến nguyên nhân cơ bản nguyên nhân muôn thuở của một sự việc muôn thuở.
Các nhà kinh tế đang nói những lời như Kinh Phật về bản chất con người: Tham.
Cái độc được Đức Phật nói đến đầu tiên trong tam độc: Tham - Sân - Si (1).
Nhưng con người lúc nào cũng tham, còn việc bể tín dụng đen chỉ mới rộ lên gần đây. Giải thích sự việc tập trung trong một thời điểm bằng nguyên nhân muôn thuở, thường hằng, với tham là nguồn cội của mọi vấn đề, như đạo Phật vẫn nói, liệu có ổn?
Nhiều tôn giáo không coi cái tham là nguy hiểm như Đạo Phật. Ngược lại, có tôn giáo kích thích những khát vọng của con người, được coi là kẻ đồng hành của chủ nghĩa tư bản, là động lực “tâm linh” để tín đồ làm giàu! Thế thì, phải chăng tín dụng đen đổ bể, suy thoái, hay vỡ nợ gì đó chỉ là những ổ gà trên con đường tiến lên để làm giàu?
Nhưng bây giờ, trên phương tiện truyền thông, các nhà kinh tế lại nói như Đức Phật: Lòng tham!
Chính lòng tham chứ không phải một cái gì khác tạo nên bức tranh kinh tế xám xịt của toàn thế giới, mà chuyện bể tín dụng đen ở Việt Nam chỉ là một mảng tối nhỏ.
Thực ra, tín dụng đen là chuyện thường xuyên, và không chỉ ở Việt Nam. Người ta không nói đến nó vì nó chưa đến lúc bể, nợ còn dùng để trả nợ, vay còn dùng để trả vay, thỏa mãn được trong tạm thời lòng tham của con người.
Giải thích tín dụng đen bằng nguyên nhân tham, như cái nhìn của đạo Phật, thì nó hết sức toàn diện, biện chứng. Tất cả đều là những kẻ tham, không có những người đi lừa và người bị lừa. Kẻ giựt tiền người khác bỏ trốn thì rõ rồi, còn người cho vay kiểu “gửi trứng cho ác” thực ra cũng phải gánh phần trách nhiệm. Nếu không tham, họ đã mang tiền nhàn rỗi đi gửi ngân hàng. Nhưng vì tham, nên họ không bằng lòng với mức lãi suất chung của các ngân hàng. Họ tìm những nơi gửi gắm cho những đồng lời cao hơn. Càng cao càng gửi nhiều. Hai bên có sự đồng lõa với nhau, dù người cho vay cho mượn với lãi suất cao cũng biết khó có cách làm ăn nào sinh lãi đến như vậy.
Nạn nhân của tín dụng đen không chỉ là những kẻ ngờ nghệch trong làm ăn, mà còn là những nhà kinh doanh có học vấn và kinh nghiệm. Không phải họ không biết đó là tín dụng đen, nhưng lòng tham đã làm phai mờ đi những kiến thức và kinh nghiệm, những bài học ở trường học và trường đời. Lòng tham của tất cả mọi người trong cuộc đều cùng chung nhau nuôi dưỡng tín dụng đen, uống thuốc độc giải khát. Để rồi, cũng nói như cách nói của nhà Phật, một khi nhân duyên đến thì quả sẽ trổ. Cái trái ngọt tín dụng đen nổ tung trước bao nhiêu người đã say với vị ngọt thuốc độc của nó. Nhân này trổ quả kia, quả kia lại là nhân hay là duyên để trổ quả tiếp theo. Cứ thế, nó tạo nên những sự kiện đổ bể, vỡ nợ dây chuyền hết chỗ này đến chỗ nọ trên mặt báo.
Những vụ tín dụng đen soi với con mắt nhà Phật, thì nó hiện hình tham với si quấn chặt lấy nhau. Có tham, nên si. Vì si, nên tham hơn. Cái tham, cái si của người này lây lan sang người kia, kẻ cho vay, người đi mượn, mượn để cho vay, để kiếm nhiều lời hơn. Vì thế số tiền họ lừa lẫn nhau (lẫn nhau, chứ không phải chỉ một bên đi lừa) lên đến cả trăm tỷ đồng/vụ, cả ngàn cây vàng/vụ. Những đống tiền với lợi nhuận ảo nhờ tham, nhờ si tạo nên con trốt cuốn hàng ngàn, hàng chục ngàn người vào đó, để họ cứ an tâm trên tòa nhà không nền móng mà họ cũng biết, nhưng không muốn biết, không kể gì tới, mặc kệ tất cả.
Những nhà kinh tế không thống kê được tín dụng đen, bởi vì nó đen, chỉ là thì làm sao đo, đếm.
Chỉ khi nào người mất tiền báo công an thì mới có con số. Nhưng con số bề nổi. Còn vô số vụ mà những người trong cuộc ngậm đắng nuốt cay để chịu đựng trong bóng đen của một kiểu làm ăn, dựa trên lòng tham, thì chắc là không ít người không muốn nói ra.
Đạo Phật không phải là một đạo thoát ly kinh tế, càng không phải đối kháng với kinh doanh, làm người ta nghèo đi, như có sự ngộ nhận, vô tình hay cố ý.
Trái lại, đức Phật luôn lưu ý đến đời sống, đến việc mưu sinh của con người. Vì vậy, một trong những nội dung giáo lý nền tảng của Đạo Phật là Bát Chánh Đạo. Trong đó, có chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh tư duy. Đó có nghĩa là làm kinh tế, mưu cầu cuộc sống ngày càng tốt hơn, nhưng không tham lam, không si mê. Tức là không kinh doanh đen, không tín dụng đen.
Đối với những người nạn nhân của tín dụng đen, từ người thanh niên cả tin, u mê, đến người thanh niên mạo hiểm, làm liều, nên mất khả năng chi trả, hay người gom được một số tiền lừa cộng với lệnh truy nã, cuộc sống vật chất dục lạc mong manh như treo đầu sợi tóc, hãy xem đó là bài học thực tế sinh động minh họa cho sự đúng đắn của giáo lý Đạo Phật.
Còn những người, nhờ không tham, mà không rơi vào vũng lầy của tín dụng đen, thì cũng từ đó nghiệm thấy lời Phật dạy: chánh mạng, chánh nghiệp... luôn luôn là chân lý.