Sứ giả tình thương

Sứ giả tình thương
Giác Ngộ - Sáng hôm nay cả khu phố này đang xôn xao bàn tán về việc một học sinh thi rớt đại học đã nhảy xuống cầu tự tử. Tôi thấy bàng hoàng tiếc cho một đứa trẻ vừa mới đây thôi, cầm cái bằng tốt nghiệp trung học phổ thông loại khá đem đến khoe với tôi, mà bây giờ đã ra đi…, thật tội nghiệp!

Cụ Trần Tế Xương ngày xưa cũng thi rớt năm lần bảy lượt. Cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến cũng phải hỏng thi mấy lần chứ đâu phải thi một lần là đỗ ngay. Có thể có em học khá nhưng khi đi thi không may mắn, thứ nhất là áp lực phòng thi, thứ hai cái ngành em ấy thi có nhiều bạn giỏi quá, em đã cố gắng hết sức mình rồi nhưng lại thiếu mất nửa điểm. Đương nhiên, tâm trạng học trò thi hỏng rất buồn, nhưng nếu em ấy gặp được sự cảm thông an ủi, chia sẻ của gia đình, bạn bè thì không sao, “thua keo này ta bày keo khác”, “thất bại là mẹ thành công”, nghe ra cũng thấy mát ruột mát gan, lấy lại tinh thần để làm lại từ đầu.

Nhưng có phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu và thương cho đứa con bị hỏng thi như vậy đâu. Thật đáng tiếc cho những em ở vào hoàn cảnh ấy lại bị cha mẹ la mắng. La mắng qua loa thôi thì còn đỡ khổ, nhưng gặp cha mẹ không tỉnh táo, thấy con người ta đỗ vào trường này trường nọ, còn con mình thì hỏng, đâm ra tức giận; giận thì mất khôn nên cha mẹ buông hết lời nặng nề với đứa con đang trong tâm trạng buồn khiến càng buồn thêm. Có một vài em đã không chịu nỗi những lời nhiếc mắng, nhục mạ nặng nề như: “Đồ ngu…”, đồ thế này, đồ thế nọ nên đã quyên sinh.

May sao số đó rất ít, còn đa số các em khác cũng chịu đựng được những lời la mắng, đóng kín phòng lại nằm năm ba ngày rồi từ từ cơn giận của cha mẹ cũng qua đi. Đứa con hiểu được nỗi lòng của cha mẹ và biết được một phần lỗi của mình, giá như mình chăm học thêm tí nữa thì đâu có thiếu nửa điểm như bây giờ phải mang tiếng thi hỏng để cha mẹ phải xấu mặt với bà con láng giềng.

Cho nên các bậc phụ huynh cần phải rộng lượng an ủi, chia sẻ và dìu dắt các em mạnh dạn đứng lên, tỉnh táo nhìn thẳng vào hiện tại để bước tiếp trên trường đời.

Thầy giáo T. là giáo viên dạy Văn trung học phổ thông có tiếng ở thành phố này, và là người bạn láng giềng của tôi, cho nên mỗi sáng chủ nhật thường hay mời nhau sang nhà uống trà chuyện trò thế sự. Thầy cho biết, năm học vừa rồi lớp thầy có một nam sinh thi hỏng, chỉ thiếu đúng 1 điểm. Cha em buồn lắm, nhưng chỉ giữ thái độ im lặng chứ chưa la mắng gì, nhưng em thấy tủi thân bỏ đi đến nhà bạn hai ngày không về, điện thoại cầm tay em cũng khoá luôn nên gia đình không liên lạc được, ông hoảng hốt đi tìm con khắp nơi nhưng vô vọng.

Em ấy đang ở nhà bạn, gọi điện cho thầy T là giáo viên chủ nhiệm cũ của em. Em mời thầy đến quán cà phê. Thầy đã biết chuyện em thi rớt, bỏ đi mấy ngày rồi, vì ông bố đã báo tin và nhờ thầy nếu có thông tin gì về em thì liên lạc ngay cho ông. Thầy mừng quá, trả lời qua điện thoại với giọng khẩn khoản: “Em ở đó, đừng đi đâu cả, thầy tới ngay và tặng em một món quà đặc biệt”. Gặp em học sinh không may mắn ấy, trong lòng thầy rất thương, thầy cũng đã kỳ vọng về em rất nhiều. Thầy kéo ghế ngồi gần bên em và gọi hai ly cà phê. Thầy tặng cho em một bài thơ do thầy chép tay trên tờ giấy hoa hồng thơm, em đọc và đôi mắt em dần dần rạng rỡ:

“HÃY NUÔI DƯỠNG ƯỚC MƠ

Sự sống nảy sinh từ cõi chết/Thất bại, người mẹ thành công/Quy luật cuộc sống sinh tồn/Dẫu chưa có những điều mơ ước/Em ơi, đừng tuyệt vọng/Phải nuôi dưỡng ước mơ/Cho dù ước mơ kia chỉ là mơ ước/Nhưng nó là ngọn nến cuối đường hầm/Thôi thúc người ta vượt qua bóng tối/Ước mơ như ngọn lửa soi đường/Đốt lên niềm tin, hy vọng tương lai/Em ơi, đừng tuyệt vọng/Cuộc sống có muôn ngàn cái đích/Vươn tới/Hãy chọn cho mình một lối đi riêng/Em sẽ thấy, cuộc sống này đáng yêu biết mấy/Trời trên đầu vẫn xanh/Đất dưới chân vẫn bình yên, nồng ấm/Và mỗi sớm mai, chim vẫn hót đầu cành/Hoa vẫn nở bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Em ơi, đừng tuyệt vọng/Em ơi, đừng tuyệt vọng/Hãy nuôi dưỡng ước mơ”(Nguyễn Văn Trình).

Sau một hồi tâm sự, thầy đã đưa em về nhà, trong sự vui mừng của gia đình. Thế đấy, trong cuộc sống, nhất là cuộc sống những người trẻ, ngoài cha mẹ, còn có những thầy cô giáo là những sứ giả của tình thương, sẵn sàng cho họ bờ vai để dựa mỗi khi vấp ngã.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày