GN - Nhìn lại những thành tựu của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM nói riêng và các Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế cũng như Cần Thơ, chúng ta không thể quên sự kiện thành lập Giáo hội, trong Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam từ ngày 4 đến 7-11-1981 diễn ra tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội.
HT.Thích Giác Toàn phát biểu khai mạc Hội thảo tại Học viện nhân kỷ niệm 35 năm thành lập
Là người có nhân duyên tham dự sự kiện lịch sử này với tư cách đại biểu chính thức, tôi còn nhớ lại những giờ phút thiêng liêng khi Đại lão HT.Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng chư tôn đức thành tâm cung thỉnh Đức Đại lão HT.Thích Đức Nhuận lên ngôi Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, ngài đã ba lần từ chối, nhưng với sự tha thiết của hội chúng, ngài đã đưa ra ba điều kiến nghị, nếu những kiến nghị đó được chấp thuận thì ngài mới nhận sự suy tôn của hội nghị vào ngôi vị Pháp chủ.Một trong những kiến nghị đó là Giáo hội được thành lập các trường đại học Phật giáo tại Hà Nội, Huế và TP.HCM. Trong buổi gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tại Văn phòng Chính phủ, những kiến nghị đó đã được chấp thuận. Và ngay sau đó, Trường Cao cấp Phật học VN được thành lập, cơ sở 1 tại Hà Nội; tiếp theo, năm 1984 thành lập cơ sở 2 tại TP.HCM mà vị Hiệu trưởng đầu tiên là cố Đại lão HT.Thích Minh Châu, nhà giáo dục Phật giáo VN, đại dịch giả kinh điển Nguyên thủy, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh (1964-1975).Như vậy có thể nói, xét về con người, giáo dục Phật giáo có sự kế thừa và kết nối liên tục, cả kinh nghiệm lẫn tư tưởng trong phương châm Duy tuệ thị nghiệp - lấy trí tuệ làm sự nghiệp, qua tiến trình Văn - Tư - Tu, học tập, trầm tư và thực hành, làm nên tính đặc thù cho nền giáo dục Phật giáo, yếu tố khác biệt với đào tạo giáo dục thông thường.Tiến trình ấy được Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng thừa kế và phát huy sau khi nhận sự chuyển giao trách nhiệm Viện trưởng từ Đại lão HT.Thích Minh Châu vào năm 2008 cho đến nay.Việc đào tạo Tăng Ni nói riêng và giáo dục Phật giáo nói chung, không đơn thuần chỉ là sự cung cấp tri thức, phương pháp tư duy và kỹ năng mềm, mà quan trọng hơn, dấn thân thực hành Phật pháp trong tinh thần lục hòa cộng trú, giữ gìn giới luật, oai nghi tế hạnh, thực hành thiền định và các pháp môn tu tập, khai phóng nhận thức trên nền tảng giáo lý Tứ Thánh đế, Duyên sinh và Vô ngã.Dấu ấn quan trọng của Học viện, hay nói cách khác, bước ngoặt của sự phát triển trong 35 năm qua của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM chính là việc xây dựng cơ sở 2 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, với mô hình nội trú cho Tăng Ni sinh theo học 4 năm cử nhân Phật học, sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 vào giữa năm 2016.Gần đây, sau khi Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM được giao lại việc quản lý cơ sở chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn), Trưởng lão Hòa thượng Viện trưởng đương nhiệm, với vai trò vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo thành phố, đã cho quy hoạch và xây dựng lại toàn diện, làm cơ sở giáo dục phụ cận, đặc biệt là nội trú riêng biệt cho Ni sinh viên các cấp học của Học viện, phù hợp với việc học và tu nghiêm túc như tâm nguyện mà Hòa thượng đã ưu tư bấy lâu.35 năm Học viện Phật giáo, thành tựu thực tế phải nhìn vào hàng ngàn Tăng Ni đã tốt nghiệp từ môi trường này hiện đang đảm đương nhiều vai trò lãnh đạo Giáo hội các cấp, ở Trung ương cũng như các tỉnh, thành phố, và đang hành đạo, du học ở nước ngoài. Thành tựu ấy là không khí tu học hiện tại, những đạo tình, sự quan tâm trọng thị của Giáo hội và lãnh đạo, những niềm tin mà Phật tử khắp nơi hướng về qua việc ngoại hộ cho công việc xây dựng, đời sống Tăng Ni sinh viên nội trú, sự phát triển không ngừng của các chương trình đào tạo, không chỉ cử nhân mà còn có thạc sĩ, tiến sĩ Phật học, liên kết với các đại học quốc tế trong hướng đào tạo sau đại học… Đó là kết quả sinh động, cụ thể nhất mà chúng tôi nghĩ ai cũng có thể nhìn thấy.35 năm Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM là sự kế thừa của dòng chảy giáo dục của Phật giáo VN, cũng là một trong những nhân duyên chính để chúng ta nhận thức về tính lịch sử của việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của những bậc thầy các thế hệ kế thừa tương tục trong truyền thống hộ quốc an dân, dấn thân hành đạo trong mục tiêu đem đến lợi lạc cho số đông một cách lâu dài.