Sự kiện Phật giáo thế giới trên mặt báo năm 2016

GN - Năm 2016 dần qua đi, đây là lúc những người con Phật trên khắp hành tinh dành chút thời gian nhìn lại những tin tức Phật giáo nổi bật xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu của năm.
anh bthien.png
Những nhân vật làm nên thông tin Phật giáo nổi bật toàn cầu năm 2016

Đức Dalai Lama là vị giáo phẩm Phật giáo có ảnh hưởng nhất trong năm qua khi thực hiện nhiều hoạt động được ghi nhận bởi giới truyền thông. Ngài đã gây sự chú ý sâu sắc khi đưa ra lời kêu gọi trên The Washington Post và The New York Times về tình yêu thương và sự ghi nhận mang tính nhân bản đối với những gì xảy ra cho con người.

Chính các hoạt động này đã làm cho Ban Biên tập nhật báo nổi tiếng của Anh, The Guardian, phát động phong trào đứng về phía Ngài trước tình trạng nhà cầm quyền Trung Quốc liên tiếp tăng cường các bước đi làm giảm uy tín của Ngài. Vào tháng 5 vừa qua, Đức Dalai Lama đã cùng với nhà tâm lý học Paul Ekman phát hành tác phẩm nổi tiếng “Những chỉ dẫn về cảm xúc”.

Các tin tức còn xuất hiện dày đặc khi tại Úc, giới Phật giáo đã khánh thành nghĩa trang đầu tiên dành cho những người con Phật; giáo sư Larry Yang, một Phật tử, đã được vinh danh bởi giải thưởng San Francisco vì những cống hiến cho xã hội; lễ tốt nghiệp khóa đầu tiên với học vị Geshema (cấp đào tạo cao nhất tại trường Gelugpa của Phật giáo Tây Tạng) dành cho nữ tu sĩ Phật giáo; những Phật tử - nghệ sĩ nhạc jazz danh tiếng Herbie Hancock và Wayne Shorter viết thư gởi giới nghệ sĩ trẻ, khuyên họ học cách chế ngự cái tôi.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc Christiana Figueres khẳng định những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh “giữ vai trò quan trọng giúp tăng trưởng thêm sức mạnh, trí tuệ và tình thương cần thiết trong các đàm phán” để cho ra đời Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, các tin tức về Phật giáo không hoàn toàn tốt lành. Người con Phật toàn cầu đau buồn khi hay tin một vụ cháy rừng đã thiêu rụi trung tâm Phật giáo của Thầy Anam Thubten tại Sweetwater Sanctuary (Mỹ), một tu viện Thái Lan cũng bị phá hủy hoàn toàn do cháy.

Vào tháng 6, chính quyền Trung Quốc đã quyết liệt yêu cầu dỡ bỏ phần lớn các cơ sở thuộc trung tâm nghiên cứu Phật giáo lớn nhất thế giới của Tây Tạng, khiến cho 5.000 tu sĩ phải rời khỏi nơi tu tập. Larung Gar, tên của viện nghiên cứu và cũng là nơi hội tụ tinh hoa Phật giáo Tây Tạng, khởi nguồn cho các sáng kiến Phật giáo mang tính đa chiều. Vào cuối mùa thu vừa qua, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa, buộc các tu sĩ rời đi phải ký bản cam kết không được quay trở lại nơi này.

Giữa những thời khắc bi kịch của năm mà nhân loại phải đối mặt, giới Phật giáo đã đưa ra các ý niệm về trí tuệ và sự vững chãi. Trong một bài viết của mình liên quan đến vụ xả súng ở Orlando (Mỹ), nhà nghiên cứu Phật học Peter Coyote đã đặt ra câu hỏi “Chúng ta ứng xử ra sao với tư cách là một Phật tử về những tội ác dưới con mắt của yêu thương?”. Nhiều nhân vật Phật giáo uy tín cũng đồng loạt lên tiếng với những lời lẽ trí tuệ, nhận được nhiều phản hồi đáng trân trọng.

Một tháng sau, khi Alton Sterling và Philando Castile bị bắn chết bởi cảnh sát Mỹ do tinh thần kỳ thị chủng tộc và sự xúc phạm nhân cách, người học Phật một lần nữa phản đối mạnh mẽ hành động bạo lực và kêu gọi các ứng xử mang tính nhân bản.

Khi Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 8-11, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra nhiều bình luận về kết quả và nhanh chóng trở thành những bài viết được chú ý nhất.

Năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình, người đứng đầu nước Mỹ hiện tại, ông Obama đã có nhiều động thái đề cao giá trị của Phật giáo trong một số thời điểm thực thi công vụ. Đầu tiên, trả lời truyền thông quốc tế trong một cuộc phỏng vấn, ông chủ nhà Nhà Trắng cho biết thường xuyên mang theo bên mình một tượng Phật khá nhỏ như một tín vật tâm linh. Hành động này không phải mê tín nhưng ông Obama xét thấy cần thiết phải làm.

Năm nay cũng là lần đầu tiên, ông Obama với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm gởi thông điệp chúc mừng ngày Vesak đến Phật tử toàn cầu. Ngoài ra, trong một phát biểu nhân chuyến công du Việt Nam, ông Obama đã trích dẫn lời nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh; tại Lào, ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng và vị trí, sức mạnh niềm tin đạo Phật.

Bảo Thiên
(theo Lion’s Roar)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày