Sự phát triển bền vững của GHPGVN(*)

Sự phát triển bền vững của GHPGVN(*)
Cách đây 27 năm, ngày 07/11/1981 tại Chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại, đó là 09 Tổ chức, Hệ phái Phật giáo Việt Nam đã tiến hành Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

 Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là một kết quả đương nhiên của ý chí, tâm nguyện thống nhất Phật giáo cả nước của nhiều thế hệ cao Tăng tiền bối, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam từ 2000 năm qua. Hôm nay, ngày 07/11/2008, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam hân hoan đón mừng ngày kỷ niệm 27 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển và ổn định của Giáo hội trong thời kỳ hội nhập.

Trong 27 năm qua, hơn 5 nhiệm kỳ của Giáo hội, bằng tinh thần đoàn kết, hòa hợp và thực hiện có hiệu quả chương trình hoạt động 6 điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc thảo luận thông qua. Với sự toàn tâm, toàn ý, quyết tâm xây dựng vững mạnh ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam của các thành viên Giáo hội, qua đó, các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, các Ban Ngành, Viện, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo đã thực hiện được rất nhiều Phật sự với những thành quả to lớn.

Đến nay, Giáo hội đã thành lập được 10 Ban, Viện Trung ương Giáo hội, 55/64 đơn vị Tỉnh, Thành hội Phật giáo và hàng trăm đơn vị Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh, đại diện Phật giáo Phường, Xã, Thị trấn trong cả nước.

- Về Tăng sự:

Hiện có hơn 44.498 Tăng Ni; hơn 14.775 Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong cả nước. Việc tu học, sinh hoạt, hành đạo đều đạt kết quả tốt đẹp và rất đáng trân trọng, nhất là các khóa An cư Kiết hạ, Đại giới đàn, Khóa bồi dưỡng trụ trì và Hành chánh Giáo hội được tổ chức nề nếp, ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Về Giáo dục Tăng Ni:

  Hiện có 04 Học viện tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp. Cần Thơ đã đào tạo được 1938 Tăng Ni tốt nghiệp Cử nhân Phật học, đang đào tạo 2.264 Tăng Ni; 08 Lớp Cao đẳng Phật học đã đào tạo được 1.382 Tăng Ni sinh, đang đào tạo 1.746 Tăng Ni sinh; 30 trường Trung cấp Phật học đã đào tạo 5.357 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo 3.575 Tăng Ni sinh; hàng trăm lớp Sơ cấp Phật học được mở càng lúc càng nhiều tại các Thành phố, Thị xã, Quận, Huyện trong cả nước trên 2.000 Tăng Ni theo học.

Có hơn 200 Tăng Ni du học tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Srilanka, Pháp, Mỹ, Nhật bản, Lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan, Campuchia…

Hiện có hơn 40 Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ Phật học đang phục vụ tại các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước.    

- Về Hoằng pháp :

Ban Hoằng pháp Trung ương đã đào tạo được 453 Tăng Ni tốt nghiệp các lớp Trung, Cao cấp Giảng sư; đang đào tạo 115 Tăng Ni lớp Cao cấp Giảng sư và 65 Tăng Ni lớp Trung cấp Giảng sư; hàng trăm giảng đường, các lớp giáo lý được thuyết giảng thường xuyên, có từ 500 đến 1000 Phật tử thính pháp. Lớp Phật học Hàm thụ đã thu hút được hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đăng ký tham dự. Đặc biệt, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức được các khóa bồi dưỡng Hoằng pháp tại khu vực phía Bắc, khu vực các Tỉnh miền Trung và Tây nguyên, các Tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ và tại Tp. Hồ Chí Minh; hằng năm đều tổ chức đoàn thăm viếng, thuyết giảng, cúng dường tại các Trường hạ trong toàn quốc.

- Về Hướng dẫn Phật tử :

Theo số liệu thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử, cả nước có gần 45 triệu tín đồ Quy y Tam bảo, có 839 đơn vị Gia đình Phật tử, có 7568 Huynh Trưởng, 85.000 đoàn sinh. Ban Hướng dẫn Phật tử thường xuyên tổ chức  các trại huấn luyện Huynh trưởng và đoàn sinh, các trại họp bạn ngành nữ, ngành thiếu, các khóa tu như Khóa tu một ngày an lạc, Phật thất, Thiền Tịnh song tu, các Lớp Bát Quan trai, Đạo tràng Niệm Phật, Đạo tràng Pháp Hoa, Dược Sự, Hội Quy… với số lượng Tăng Ni, Phật tử tham dự rất đông. Từ đó, giúp cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội được thực hiện đồng bộ và đều khắp.

- Về Nghi lễ:

Ban Nghi lễ Trung ương đã có nhiều mặt hoạt động nổi bật trong công tác đền ân đáp nghĩa, tổ chức các ngày lễ trọng của Phật giáo, Lễ tang, Lễ tưởng niệm Chư Tôn đức Giáo phẩm trong Giáo hội, Chư Tôn đức tiền bối hữu công, Chư Tôn đức các tổ chức, Hệ phái Phật giáo qua từng thời kỳ đã viên tịch một cách trang nghiêm trọng thể, phù hợp với phong tục tập quán đặc thù của từng vùng miền, với bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Ban Nghi lễ phối hợp với các Ban ngành khác của Trung ương Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội và tại các Tỉnh, Thành hội Phật giáo.

- Về Văn hóa:

   Ban Văn hóa Trung ương đã góp một phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, đã ấn hành 126 Tập văn (58 số), Tạp chí Văn hóa Phật giáo (68 số), 150 đầu sách tương đương 1.500.000 quyển. Bên cạnh đó, để phát huy Văn hóa Phật giáo địa phương, các nội san, đặc san, bản tin Phật giáo thường xuyên được phát hành định kỳ tại một số Tỉnh, Thành hội và ấn bản Kinh Phật giáo Nam tông Khmer 23 đầu, gần 150.000 quyển. Hàng ngàn cơ sở Tự, Viện tại địa phương được trùng tu, xây dựng khang trang, mỹ lệ, trong đó chùa Bái Đính - tỉnh  Ninh Bình được xem là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo có qui mô lớn nhất trong thế kỷ 21 và nhiều công trình văn hóa khác như: Nhà Văn hóa Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Văn hóa Huế, Bãi Bụt, Bà Nà Tp. Đà Nẵng, Trung tâm Yên Tử – Quảng Ninh. Hiện có 443 cơ sở Tự, Viện được Nhà nước công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia và cấp Tỉnh, Thành. 

- Về Kinh tế Tài chánh :

Các mặt hoạt động về kinh tế tự túc nhà chùa cũng đã có nhiều khởi sắc và biến chuyển từ việc Ban kinh tế Tài chính Trung ương thành lập Công ty Cổ phần Thiện Tài đã đi vào hoạt động có kết quả. Hiện nay, Ban Kinh tế đã thành lập thêm Công ty Cổ phần Hưng Phát với mục đích tạo nguồn tài chánh nhằm ủng hộ kinh phí cho các mặt hoạt động của Trung ương Giáo hội, cùng với số tiền ủng hộ công đức phí của các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước.

- Về Từ thiện xã hội :

Hằng năm, Ban Từ thiện xã hội đã vận động được hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công tác cứu trợ nạn nhân bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế, xây dựng cầu đường nông thôn, nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà dưỡng lão, tham gia phong trào phòng chống HIV/ADIS…. Đặc biệt, là tinh thần tương thân tương ái, lòng từ bi của người con Phật đã tích cực vận động, ủng hộ nhân dân các nước Đông Nam Á và Châu Á bị sóng thần, nhân dân Myanmar và tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc bị thiên tai bão lụt và động đất. Trung ương Giáo hội đã kịp thời ra thông cáo kêu gọi Tăng Ni, Phật tử chung sức chung lòng ủng hộ tịnh tài, phẩm vật cứu trợ khẩn cấp đồng bào các nước nói trên.

- Về Phật giáo Quốc tế :

Thực hiện chủ trương thiết lập các mối quan hệ thân hữu với các nước trên thế giới của Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận như việc tham gia các tổ chức, tham dự hội nghị, hội thảo mang tầm vóc Quốc tế: Tham gia Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa bình, Hội Đệ tử Như Lai Tối thượng; tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc tại Thái Lan, tham dự Lễ Khánh thành Vương điện và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp lần thứ V tại Kobe – Nhật bản, tham dự Đại lễ cầu Quốc thái dân an tại Hàn Quốc, tham dự Hội nghị Hiệp hội các Trường Đại học Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, cử đoàn Ni giới tham dự Đại hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới Sakyadhita (Con gái Thích Ca) … Phối hợp với Trung ương Giáo hội tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak năm 2008 tại Việt Nam. Đặc biệt, đoàn Trung ương Giáo hội thực hiện chuyến Hoằng pháp đầu tiên và qui mô tại các nước Châu Âu, đồng thời công nhận Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, Cezch, Ba Lan, Uraina, Hungary, Lào v.v…

- Về Viện và Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam không ngừng tăng cường và mở rộng Phật sự nghiên cứu giáo lý, lịch sử, văn học nghệ thuật Phật giáo và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm mang tính khoa học được sự tham gia của giới trí thức, các chuyên gia, các nhà Phật học, khoa học, xã hội trong và ngoài nước…, đã tái bản 36 tập Đại tạng kinh Việt Nam, hiệu đính một số bản dịch Hán tạng; ấn hành hàng ngàn đầu sách, hàng trăm Tạp chí Nghiên cứu Phật học.

Trong những thành quả nêu trên, có những công tác nổi bậc như :

- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2007 – 2012, với nhiều thay đổi như: Tu chỉnh Hiến chương GHPGVN, tăng cường nhân sự một cách hợp lý từ Trung ương đến địa phương và các Ban, Viện Trung ương.

- Tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 – PL. 2552 lần đầu tiên tại Việt Nam, với sự chứng minh, tham dự của chư Tôn đức Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo; đại diện Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện Bộ, các Vụ Trung ương, Mặt trận các Tỉnh, Thành; các vị lãnh đạo cao cấp Phật giáo của các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo các nước; đại diện Tổng thống, Thủ tướng, Lãnh đạo một số Quốc gia; đại diện Liên Hợp Quốc, Unessco tại Hà Nội; Các đoàn Đại biểu Phật giáo của 74 Quốc gia tham dự Đại lễ Phật đản LHQ và trên 5000 Tăng Ni, Phật tử trong nước cũng như nước ngoài. Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc lần thứ V – năm 2008 được tổ chức qui mô, trọng thể, phong phú, nhiều màu sắc, thành công rực rỡ … để lại một ấn tượng sâu sắc, một tình cảm tốt đẹp đối với cộng đồng quốc tế về Phật giáo Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, con người và đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

- Tổ chức thành công Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết với các công tác quan trọng như: Thông qua Quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Quy chế hoạt động Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Quy chế hoạt động Ban Đại diện Phật giáo Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh; thông qua danh sách nhân sự và Nội quy Ban, Viện Trung ương Giáo hội nhiệm kỳ VI (2007 - 2012); thống nhất hình thành Phân ban đặc trách Ni giới trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương; tổ chức triển khai, quán triệt các chủ trương đường lối, nghị quyết, chương trình hoạt động của Giáo hội tại các địa phương và tại Văn phòng Trung ương Giáo hội. Điển hình là chương trình hoạt động nhiệm kỳ VI của Giáo hội đã được cập nhật thông qua khóa sinh hoạt Hành chánh Giáo hội tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội lần này.

Ngoài ra, Trung ương Giáo hội còn cử các đoàn đại biểu tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị tại Thái Lan, Hàn Quốc, Lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản. Nhất là vào năm 2010, lần đầu tiên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI và Chư Ni GHPGVN cùng Hội Sakydhita tổ chức Hội nghị Sakydhita lần thứ 11 tại Việt Nam.

Trên đây chỉ nêu những nét cơ bản, minh họa những thành quả hơn 5 nhiệm kỳ qua của Trung ương Giáo hội, các Ban Ngành, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Ban Đại diện Phật giáo địa phương, cơ sở Tự viện và Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Nhân ngày kỷ niệm 27 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 – 07/11/2008), tất cả chúng ta đều rất tự hào, vì đã kế thừa trọn vẹn ý nguyện thống nhất Phật giáo cả nước của các bậc cao Tăng tiền bối; tự hào về những đóng góp trong sự nghiệp phát triển bền vững ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tự hào về vị trí, vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng xã hội và trên trường quốc tế. Nhân đây, chúng ta hãy dành một phút tưởng niệm để tưởng nhớ những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xương minh Đạo pháp, xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam của chư Tôn Giáo phẩm Giáo hội đã viên tịch qua các thời kỳ. Đồng thời, chúng ta quyết tâm thực hiện và phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp, thực hiện trọn vẹn nguyên lý phát triển Tăng già mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy, cùng nhau chung sống trong đại gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chung sức chung lòng chung lo Phật sự.

Giờ đây dưới sự gia bị của Chư Phật, trong niềm tin tưởng lạc quan, của tất cả thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni và Phật tử,   ngưỡng nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho tất cả chúng ta được đầy đủ thắng duyên, đầy đủ sự gia trì để cùng nhau xây dựng cuộc sống an lạc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam và cho thế giới, để trong hạnh phúc chung của nhân loại có hạnh phúc riêng của mỗi chúng ta.

Trong niềm hoan hỷ vô biên này, thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng tôi trân trọng kính chúc Chư Tôn đức, Quý đại biểu, chư vị khách quý thân tâm thường lạc, kính chúc Lễ Kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành công viên mãn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày