Suy nghĩ về yếu tố Phật giáo trong "Thông cáo chung Việt Nam – Sri Lanka"

Suy nghĩ về yếu tố Phật giáo trong "Thông cáo chung Việt Nam – Sri Lanka"
Giác Ngộ - Tối 15-10, Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang kết thúc cuộc viếng thăm chính thức Sri Lanka, trong chương trình Thời sự (phát lúc 19 giờ), Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1, đã phát toàn văn Thông cáo chung Việt Nam – Sri Lanka.

Cũng như những thông cáo chung sau các cuộc viếng thăm của các vị nguyên thủ quốc gia, bản Thông cáo chung Việt Nam - Sri Lanka cũng đầy ắp những từ ngữ ngoại giao quan phương quen thuộc.

Tuy nhiên, nếu chú ý, khán giả truyền hình sẽ nghe được một từ rất đặc biệt, và có lẽ rất hiếm, nếu không muốn nói là dường như là lần đầu tiên chỉ xuất hiện trong những văn bản như thế trong những năm gần đây.

Đó là từ “Phật giáo”.

Tìm hiểu toàn văn Thông cáo chung Việt Nam - Sri Lanka tại Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, người đọc sẽ thấy từ “Phật giáo” xuất hiện ở điểm 14, trong tổng số 20 điểm của Thông cáo chung.

Câu văn Thông cáo chung Việt Nam - Sri Lanka có từ “Phật giáo” như sau:

14. Hai bên nhất trí khuyến khích và tạo thuận lợi cho các cá nhân và tập thể đến du lịch tại các địa điểm Phật giáo ở cả hai nước”.

Dưới đây, xin có một số suy nghĩ, bàn luận:

- Quan điểm của Thông cáo chung Việt Nam – Sri Lanka có liên hệ đến Phật giáo khiến người đọc nhớ đến những đề xuất của Hòa thượng Thích Thiện Tâm về những phương thức đẩy mạnh sự phát triển ngoại giao nhân dân có liên hệ, trong bài viết “Phật giáo TPHCM trong quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Phật giáo các nước”. Trong bài viết này, những đề xuất của Hòa thượng cũng hướng đến nội dung như trên, nhưng không chỉ một nước Sri Lanka, mà hướng tới nhiều nước Phật giáo Nam tông, gồm cả Sri Lanka, Lào, Campuchia, Thái Lan... Bài viết này được đăng tải trên trang Phatgiaohoc.com không lâu trước đó và hình như là một kiến nghị của Hòa thượng Thích Thiện Tâm tại một hội nghị liên hệ đến ngoại giao nhân dân.

Liệu có thể coi thể hiện như trong văn bản Thông cáo chung như trên là sự xem xét, tiếp thu từ các vị lãnh đạo nhà nước đối với những kiến nghị thấu tình đạt lý của một vị hòa thượng về quan hệ giữa Phật giáo và các quốc gia có đông người dân theo đạo Phật?

- Chúng ta lưu ý là, Sri Lanka là quốc gia mà Chính phủ có sự ủng hộ, quan tâm đặc biệt đối với Phật giáo. Việc trình bày vấn đề liên hệ đến Phật giáo trong tương quan qua lại, đẳng lập như câu văn trong Thông cáo chung Việt Nam - Sri Lanka khiến người đọc có ấn tượng là cả 2 nước Việt Nam và Sri Lanka cùng có một sự quan tâm đối với Phật giáo.

Điều này thực sự là một duyên lành cho Phật giáo Việt Nam!

- Sự kiện có được ghi nhận trong Thông cáo chung Việt Nam – Sri Lanka như trên cho thấy Phật giáo có khả năng giữ vai trò xúc tác tích cực nhằm phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia có tôn giáo chính là Phật giáo (trước hết gồm khoảng 50% các nước Đông Nam Á). Vai trò đó nếu được triệt để khai thác sẽ tạo nhiều lợi thế cho Việt Nam trong hoạt động ngoại giao nhà nước lẫn ngoại giao nhân dân.

Trong niềm hoan hỷ, xin được phép chia sẻ với bạn đọc ghi nhận như trên, và mong rằng, sự việc tốt đẹp như thế sẽ được tiếp tục ở những hoạt động ngoại giao về sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày