GN - Thế Tôn và chư Thánh đệ tử sống đời du hành, đa phần dừng chân trú tại vườn rừng nên thường thấy trái cây chín. Hình ảnh hết sức bình thường ấy lại được Thế Tôn vận dụng một cách tài tình vào hội chúng của Ngài. Đó là mối quan hệ giữa hình thức với nội dung, giữa tướng trạng và nội tâm, thấy vậy mà đôi khi không phải vậy.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có bốn loại trái này. Thế nào là bốn? Hoặc có trái sống mà tợ như chín, hoặc có trái chín mà tợ như sống, hoặc có trái chín mà tợ như chín, hoặc có trái sống mà tợ như sống. Đó là, này Tỳ-kheo, thế gian có bốn loại trái này. Thế gian có bốn hạng người cũng lại như thế. Thế nào là bốn? Hoặc có người chín mà tợ như sống, hoặc có người sống mà tợ như chín, hoặc có người sống mà tợ như sống, hoặc có người chín mà tợ như chín.
Thế nào gọi là người sống mà tợ như chín? Có người qua, lại, bước đi không thô bạo, mắt nhìn ngó đúng pháp dạy, đắp y ôm bát cũng theo pháp bước đi, nhìn xuống đất không liếc nhìn hai bên, nhưng lại phạm giới không theo hạnh chánh. Đó thực chẳng phải Sa-môn mà tợ như Sa-môn, chẳng phải phạm hạnh mà tợ nói hành phạm hạnh, làm bại hoại hết gốc rễ Chánh pháp, hư hoại hạt giống. Đó là người sống mà tợ như chín.
Thế nào gọi là người chín mà tợ như sống? Hoặc có Tỳ-kheo tánh hạnh dường như thô sơ, ngó nhìn không ngay ngắn, cũng chẳng theo pháp mà đi, thích liếc nhìn hai bên, nhưng lại tinh tấn đa văn, tu hành pháp lành, hằng giữ giới luật không mất oai nghi, thấy phi pháp một chút liền ôm lòng sợ hãi. Đó là người chín mà tợ như sống.
Thế nào gọi là người sống mà tợ như sống? Hoặc có Tỳ-kheo chẳng trì cấm giới, chẳng biết lễ tiết, đi, bước; cũng lại chẳng biết ra, vào, đi, đến; cũng lại chẳng biết đắp y ôm bát, các căn rối loạn, tâm dính sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm cấm giới, không hành Chánh pháp, chẳng phải Sa-môn mà tợ như Sa-môn, chẳng hành phạm hạnh mà tợ như phạm hạnh. Người các căn hư hỏng, không thể sửa chữa. Đó là người này sống mà tợ như sống.
Thế nào là người chín mà tợ như chín? Hoặc có Tỳ-kheo giữ gìn cấm giới, ra, vào, bước đi không mất thời tiết, nhìn ngó chẳng mất oai nghi, hết sức tinh tấn tu hành pháp lành, oai nghi lễ tiết đều thành tựu cả, thấy chút phi pháp liền ôm lòng lo sợ huống là to lớn. Đó là người này chín mà tợ như chín.
Đó là, này Tỳ-kheo, thế gian có bốn hạng người như trái cây này. Nên học làm trái chín. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 25.Tứ đế,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.560)
Theo Thế Tôn, người tu cũng như bốn loại trái cây. Dễ nhận ra là hạng trái cây nhìn còn sống, da còn xanh mà sống thật. Bên ngoài thiếu oai nghi, giới luật khiếm khuyết, nội tâm không thanh tịnh. Hạng người này chỉ còn hình thức Sa-môn mà thôi.
Hạng thứ hai cũng dễ nhận ra là hạng trái cây nhìn thấy chín, da vàng ươm mà chín thật. Bên ngoài oai nghi đầy đủ, giới luật nghiêm minh, nội tâm thanh tịnh. Hạng người này chính là Sa-môn lý tưởng, bậc thầy của trời người.
Khó nhận hơn là hạng thứ ba, hạng trái cây nhìn bên ngoài như còn sống, da còn xanh mà bên trong lại chín. Hạng người này về oai nghi có một số điều như chưa chuẩn, phóng khoáng nhưng lại có tâm hạnh tu hành và phụng sự. Ở lâu bên người này, chúng ta mới cảm nhận được đức tu của họ.
Hạng thứ tư nguy hại hơn, hạng trái cây nhìn thấy chín, da vàng ươm mà thật sự sống nhăn. Hạng này đạt chuẩn về hình thức, “dung mạo khả quan” nhưng thực chất đang che đậy sự thối đọa, mục ruỗng bên trong. Thế Tôn xác định, hạng người này mới thật “làm bại hoại hết gốc rễ Chánh pháp”.
Thiết nghĩ, muốn thực sự tiến bộ trên bước đường tu học thì danh phải xứng với thực, hạnh giải phải tương ưng. Như lời Thế Tôn căn dặn “Nên học làm trái chín”, chín cả trong ngoài.