Ảnh minh họa của Thái Học Sinh
Ấy là cái thuở tôi mới lên mười, quấn quít bên mẹ để chờ đón giao thừa. Tôi thao thức, rạo rực khi nghĩ đến những bộ đồ mới, đôi dép mới, chiếc mũ mới đang nằm im trong ngăn tủ đợi tôi. Những kỷ niệm đầy thần thoại và thiêng liêng của đêm giao thừa ngày xưa với mẹ vẫn tràn trề trong hồn tôi mỗi lần Tết đến. Tôi trông cho trời thật nhanh sáng để tung tăng theo mẹ đi chùa lạy Phật và đến nhà bà con để mẹ chúc mừng năm mới.
Tôi còn nhớ ngày mồng một của Tết ấy, mẹ dẫn tôi đến thăm một bà bạn của mẹ. Trên chiếc bàn trải tấm khăn bằng ny-lon có in đủ hình hoa quả đầy màu sắc là mấy hộp bánh, mứt, trà, nước. Đã có mấy dì tới trước. Họ vui vẻ chào mừng và chúc nhau một năm mới tốt đẹp với những lời chúc và nụ cười thật giản dị, chất phác nhưng ăm ắp tình người. Bà bạn mẹ tôi giở khay mứt và bảo tôi ăn. Tôi còn dè dặt vì thoáng thấy đứa con trai của bà, trạc bằng tuổi tôi, ngồi cuối giường nhìn tôi đăm đăm, dường như có ý “răn đe” tôi chớ có lấy nhiều “bỏ túi”. Chợt tiếng bà bạn mời mọi người: “Mời mấy chị lủm miếng trầu năm mới!”. Nghe có gì ngồ ngộ và thu hút trong lời mời ấy khiến tôi quên bẵng mấy lát mứt gừng, mứt khoai, mứt bí xanh, đỏ, trắng, vàng đầy khêu gợi trong khay.
Trên đường về, tôi thắc mắc hỏi mẹ tại sao ăn miếng trầu mà dì ấy nói lủm miếng trầu. Mẹ cười thành tiếng, xoa đầu tôi giải thích: “Dân quê ở làng mình đôi khi dùng tiếng “lủm” để thay tiếng “ăn” đó con!”. Ôi, lúc ấy tôi đã cảm giác được bàn tay mẹ mềm mại làm sao! Nhìn mẹ cười và nói, tôi chợt nhận ra mẹ tôi rất đẹp, dáng thon cao trong chiếc áo dài lụa màu hồng phấn với chiếc nón lá mới che mái tóc đen tuyền thơm mùi bồ kết của mẹ trên con đường làng dìu dịu nắng xuân.
Hình ảnh của mẹ vào ngày đầu xuân năm ấy là hình ảnh đẹp nhất trong đời tôi, đẹp một cách chân quê như cô Tấm, một cách thanh khiết như nàng Bạch Tuyết trong tuổi thơ đầy cổ tích của tôi.
Tà áo lụa đầu xuân - Ảnh: Thái Học Sinh
Thế rồi bao nhiêu năm qua, cuộc đời của mẹ vẫn gắn với ruộng đồng, vẫn đầu tắt, mặt tối với bao nhiêu công việc của một bà mẹ quê tảo tần hôm sớm.Tấm lưng ong ngày xưa của mẹ đã trở thành sân phơi giữa hai mùa mưa nắng, lo cho anh em chúng tôi khôn lớn, mẹ đã đánh mất mùa xuân.
Nhiều năm sau, tôi lớn lên theo chồng về xứ xa, bỏ lại làng quê xưa và người mẹ hiền với đôi bàn tay nứt nẻ chai sần, gương mặt gầy còm theo năm tháng.
Nhớ một lần, tôi về thăm mẹ mà không báo trước. Từ đầu ngõ, tôi đã thấy mẹ ngồi bên ngạch cửa, mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không phía trước. Tôi đến sát bên, nhưng mẹ vẫn không hay. Tôi khẽ gọi. Mẹ giật mình và nhận ra tôi. Mẹ đứng vội dậy, ôm lấy tôi, nước mắt chảy dài. Mẹ nói trong tiếng nghẹn: “Mẹ đang ngồi nhớ con, chẳng biết giờ này con đang làm chi, có khỏe không...”. Tôi đứng im trong vòng tay mẹ để tận hưởng những phút giây hạnh phúc hiếm hoi này. Tôi thấy tôi tan dần, tan dần và trở về với đứa trẻ lên mười của ngày Tết xa xưa...
Mẹ ơi, hôm nay mồng một Tết. Chắc các anh, các em còn ở gần mẹ đã về mừng tuổi mẹ rồi. Riêng con, một mình ngồi đây, nhìn một người phụ nữ qua đường tha thướt với chiếc áo lụa vàng mà chạnh lòng nhớ mẹ ngày xưa. Mẹ yêu ơi, mùa xuân ơi! Những tà áo xuân một thời bên mẹ nay đâu để sáng nay con bắt gặp lại dáng mẹ bốn mươi năm trước qua hình bóng một tà áo lụa đầu xuân.
Mùa xuân còn thắm dung nhan
Gương soi tuổi mẹ, thời gian... nói gì?
Mẹ ơi, con yêu và nhớ mẹ nhiều!