Ta là bậc tôn quý ở đời

Ta là bậc tôn quý ở đời

GN - Mỗi mùa Đản sanh về, hàng Phật tử đều hân hoan kính lễ Đức Từ Phụ qua hình dáng một hài nhi bước trên bảy hoa sen, bước cuối cùng dừng lại, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói rằng “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Có nhiều luận giải khác nhau về Phật ngôn này theo các chiều hướng triết luận, tâm luận, bản thể luận, giải thoát luận… mà không phải ai cũng hiểu thấu đáo ngọn ngành. Có thể một lời mà vô lượng nghĩa nên mỗi người hiểu một cách khác nhau. Riêng người có tâm ý đơn giản thì hiểu một cách giản đơn rằng, Ngài nói “Ta là bậc tôn quý ở đời”.

Có lẽ cụm từ “độc tôn” đã khiến cho nhiều người phân vân, khó hiểu. Trong khi nhiều bản kinh khác chép “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn” - Ta là bậc tôn quý ở đời - thì thật dễ hiểu, dễ đồng cảm, dễ đối chiếu và nhất là thể hiện trọn vẹn phẩm tính vô ngã của bậc Giác ngộ. Bình tâm đọc những trang kinh Phật nói về mình, rất nhiều đoạn Ngài nói một cách vô tư rằng “không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, chẳng thể bắt chước, không thể sánh kịp” với Ngài.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có một người xuất hiện ở đời không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không có ai có thể sánh kịp. Thế nào là một người? Nghĩa là Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đó là một người xuất hiện ở đời, không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ đều đầy đủ cả. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy tín kính Phật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm A-tu-la, 

VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.91)

Phật nói về mình, đúng như những gì Ngài đang có, không một chút thêm bớt. Một bậc thành tựu đại giác ngộ, chứng đắc giải thoát tối hậu với đầy đủ tam minh, lục thông, thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng… thấy rõ rằng “không có ai bằng; chẳng thể bắt chước; đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa; chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp; tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không có ai có thể sánh kịp” là chân thật tri và chân thật ngữ.

Thấy như thế nào thì nói như thế ấy. Ngài thấy trong thế gian này không ai bằng Ngài, không ai có thể sánh với Ngài về phương diện giác ngộ và giải thoát nên nói “Ta là bậc tôn quý ở đời”. Đó là sự thật! Không hề có chút biểu hiện, dù là nhỏ nhất của bản ngã, tự tôn, tự cao, tự mãn ở đây. Thậm chí chữ “Ta” cũng là cách nói tạm nương theo ngôn ngữ của thế gian để diễn đạt mà chẳng hề có bóng dáng nào của tự ngã trong đó. Nếu Ngài không dùng chữ “Ta” thì xưng là Như Lai, mà Như Lai thì chỉ là bậc đã đến như vậy, không từ đâu đến và cũng chẳng sanh về đâu.

Như hoa sen, ở trong bùn rồi vươn lên khỏi nước mà tỏa ngát hương. Phật sanh ra giữa cuộc đời, ở trong cuộc đời mà chẳng nhuốm bụi trần. Thành tựu giác ngộ tối thượng, bi và trí viên mãn, tự tại vô ngại ở trần gian để làm đẹp cho đời nên Ngài là bậc tôn quý. Vì lẽ ấy mà ba cõi đều xưng tôn, trời người đều cung kính Phật. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày