Tác giả ca khúc Bông hồng cài áo không còn nữa !

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Đăng Lan trong một chương trình ca nhạc của Viện đại học Vạn Hạnh năm 1969. Ảnh: TƯ LIỆU
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Đăng Lan trong một chương trình ca nhạc của Viện đại học Vạn Hạnh năm 1969. Ảnh: TƯ LIỆU
3 giờ sáng ngày 16.1.2009, trái tim của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã ngừng đập sau chuỗi ngày dài nằm trên giường bệnh. Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa này đã gây xúc động cho nhiều người, nhất là những ai đã từng yêu mến ca khúc Bông hồng cài áo...

Tuy Bông hồng cài áo ra đời cách đây hơn 40 năm, nhưng ca khúc này vẫn hết sức thân thiết với công chúng, nhất là mỗi dịp Vu lan hằng năm. Và dù không có cuộc bầu chọn nào, Bông hồng cài áo vẫn xứng đáng được liệt vào một trong những bài hát ca ngợi tình mẫu tử tuyệt vời nhất của tân nhạc Việt Nam.

Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng tâm sự với người viết: “Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo tôi bị chính quyền cũ bắt giam 1 năm tù. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ tôi. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập văn xuôi Bông hồng cài áo (của Thích Nhất Hạnh), những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên và tôi đã hoàn thành ca khúc Bông hồng cài áo vào năm 1967”.

Tuy lấy ý từ một tập văn xuôi nhưng ca từ của ca khúc này lại rất đậm chất thơ, chất ca dao: “...Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền.  Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên. Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối... Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau. Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...”. Ai đã từng hát ca khúc này, nghĩ về mẹ, mà chẳng rưng rưng ngấn lệ.

Tôi có vài lần đến thăm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở cư xá Vĩnh Hội (Q.4, TP.HCM), lần nào sự xúc động mạnh mẽ cũng nguyên vẹn khi chứng kiến những gì đựng trong chiếc hộp nhỏ bằng tre đan hình quả trám: đó là bài thơ Khóc mẹ do nhạc sĩ sáng tác nhân ngày thân mẫu ông từ trần, một mảnh băng tang ghim áo màu đen và... một ống cối bằng đồng ngày xưa cụ bà đã dùng để ngoáy trầu. Chừng đó thôi cũng đủ nói lên tấm lòng thảo hiếu của một người con... Nhạc sĩ kể: “Tôi có may mắn là làm được bài hát ca tụng tình mẹ trong thời gian mẹ tôi còn sống.

Có nhiều lần mẹ tôi dắt cháu nội đi dạo chơi và về nhà rất muộn. Cả nhà lo lắng, hỏi han thì mẹ trả lời: “Đang tính về thì máy thu thanh nhà ai đó phát bài Bông hồng cài áo của con, mẹ bỏ về không đành!”.

Không chỉ có Bông hồng cài áo, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn có nhiều ca khúc để đời khác. Đó là những ca khúc được viết trong thời kỳ đất nước chiến tranh nghiệt ngã nhưng ông vẫn thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, của đất nước bằng cách phổ vào nhạc của mình những làn điệu luyến láy, mượt mà phảng phất âm hưởng dân ca và đầy dân tộc tính (ông thích dùng cung Trưởng tươi vui, rộn ràng): Đường về hai thôn, Vườn dâu lá mới, Thắm đượm duyên quê, Thương quá Việt Nam, Rạng đông trên quê hương Việt Nam, Hoa vẫn nở trên đường quê hương...

Trong phong trào đấu tranh của SV-HS miền Nam, rất nhiều người đã từng hát: “Người đã đi trên non cao, nay đã về trên đồng ruộng sâu, nay đã về trên thành phố mới. Cả tuổi xuân dâng cho quê hương, đem máu mình nuôi lại tình thương, đem máu mình nuôi lại hòa bình...” -  những ca từ trong Người về thành phố của Phạm Thế Mỹ như những lời tiên tri khi kết thúc cuộc chiến.

Năm 1968, chỉ duy nhất Phạm Thế Mỹ là nhạc sĩ ở miền Nam dám viết ca khúc tố cáo tội ác của trung đội lính Mỹ do trung úy William Calley chỉ huy đã thảm sát hơn 500 người già, phụ nữ và trẻ em ở làng Mỹ Lai (Quảng Ngãi): “Cả khắp mọi nơi xót xa vô cùng. Cả nước Việt Nam đớn đau vô cùng. Chuyện Calley bắn mẹ giữa ngọn đồi. Mẹ van xin, cúi lạy người từng người. Tội tình gì đâu, mẹ già lạy xin mà chúng vẫn giết. Nhưng đâu phải chỉ một người.

Đâu phải một làng. Đâu phải mình anh là kẻ sát nhân. Đâu phải một làng bị anh giết sạch, mà là rất nhiều. Nhiều kẻ sát nhân đã giết rất nhiều, nhiều người Việt Nam, trẻ nhỏ Việt Nam, mẹ già Việt Nam. Tội tình gì đâu trẻ nhỏ Việt Nam. Tội tình gì đâu mẹ già Việt Nam. Hỡi Calley? Hỡi Johnson? Hỡi Nixon? (Đâu chỉ một người, đâu chỉ một làng – Phạm Thế Mỹ).

Xin thành kính đốt một nén nhang tưởng nhớ một trái tim nhân hậu, hiếu đễ với cha mẹ, thuận thảo với anh em bạn bè..., một trái tim dịu dàng để yêu thương quê hương, đất nước nhưng khi cần thiết cũng sục sôi dũng khí... Vĩnh biệt ông, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày