Tái hiện tòa Tu Di Thích Ca sơ sinh thời nhà Lý

Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích - Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp
Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích - Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp
0:00 / 0:00
0:00
GN - Nếu ở chùa Diên Hựu, lễ tắm Phật có thể được thực hiện ngay trong ao Linh Chiêu bên dưới tháp Liên Hoa một cột, thì ở Phật Tích lễ này có thể được thực hiện ở cấp nền 4 trong ao Long Trì. Cả hai trụ đá này được điêu khắc chạm trổ chi tiết.

SEN Heritage vừa hoàn thành nghiên cứu về hình ảnh tượng Đức Thích Ca sơ sinh tọa trên cột đá chạm búp sen rồng cuốn thời nhà Lý, với giả thuyết tác phẩm này từng đặt tại ao rồng chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cách đây hơn 9 thế kỷ. Các phiên bản hiện vật Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh sẽ được trưng bày và đặt trong không gian lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ và chùa Phật Tích vào ngày 8 tháng Tư năm Tân Sửu - Tuần lễ Phật đản PL.2565.

Công trình phỏng dựng “Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý” vừa được nhóm SEN Heritage công bố với các sản phẩm: bản chế tác trên đá, bản vẽ 2D concept, bản vẽ 3D trụ đá, bản AR Tu Di đài Thích Ca sơ sinh, bản mockup của Tu Di đài, bản phỏng dựng thực tế ảo 3D- VR3D-VR Thích Ca sơ sinh dựa theo phong cách mỹ thuật thời Lý.

Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp

Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp

Phật đản sinh: từ truyền thuyết đến hình ảnh tạo tượng

Truyền thuyết Đức Phật đản sinh được ghi chép trong rất nhiều bộ kinh khác nhau. PGS.TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, sách Phật tổ thống kỷ được phiên dịch đời Tống, ghi: “Ngày mùng 8 tháng 4, phu nhân thấy cây Vô ưu hoa lá tốt tươi. Liền giơ tay phải vin hái. Bồ-tát mới dần từ sườn trái sinh ra. Khi ấy, dưới gốc cây nở ra bảy đóa sen báu, lớn như bánh xe. Thân Ngài lọt xuống hoa, tự bước bảy bước, giơ tay phải, cất tiếng như sư tư hống rằng: ‘Trong cõi thiên nhân này, Ta là bậc cao hơn cả.’ Khi ấy, Tứ Thiên Vương liền đem lụa báu phủ lên ghế. Đế Thích cầm lọng báu, Phạm Vương nắm phất trần trắng, đứng hầu tả hữu. Hai anh em Nan Đà Long Vương từ không trung phun nước thanh tịnh, một dòng ấm, một dòng mát để tắm cho kim thân sắc vàng của Thái tử. Ba hai vị tướng phóng ánh quang minh chiếu khắp ba ngàn thế giới. Thiên long bát bộ tấu nhạc giữa trời…”.

Một phiên bản Phật đản sinh khác được biết đến nhiều hơn, chép lại trong Phổ diệu kinh: “Khi ấy, Bồ-tát sinh ra từ sườn phải, chợt mình đậu trên hoa sen báu, xuống đất đi bảy bước, nói tiếng Phạn, huấn giáo vô thường: ‘Ta gánh việc cứu độ việc trên trời dưới đất, là bậc tôn quý cõi trời người, dứt đứt khổ sinh- tử, là bậc vô thượng trong tam giới, khiến tất thảy chúng sinh được vô vi an lạc mãi’. Thiên đế trên trời bỗng giáng xuống, dùng nước thơm tắm cho Bồ-tát, cửu long từ trên phun hương thủy, tắm cho Thánh Tôn. Tắm táp đã xong, thân tâm thanh tịnh”.

Hoạt cảnh Thích Ca sơ sinh đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm điêu khắc trong văn hóa Ấn Độ, Thái Lan, Champa, Khmer, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Các bức tượng này ngoài việc chiếm một vị trí trong hệ thống thờ tự Phật giáo, còn xuất hiện thực thi trong nghi lễ tắm Phật để thể hiện diễn năng của hệ thống tín đồ bình dân lẫn vương giả.

Hiện vật đá chạm búp sen rồng cuốn hiện lưu tại bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp

Hiện vật đá chạm búp sen rồng cuốn hiện lưu tại bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh tư liệu do SEN Heritage cung cấp

Tại Việt Nam, hình ảnh tòa Cửu long hiện còn hầu hết có niên đại từ thời nhà Mạc trở về sau. Theo nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân, số lượng tượng Thích Ca sơ sinh thời Mạc có thể từ 20 đến 49 pho. Ở thời kỳ này, các bức tượng Thích Ca sơ sinh đã chiếm hẳn một vị trí vững chắc trên ban Tam bảo cùng với tượng Quan Thế Âm. Tuy nhiên, các tượng này đôi khi được giảm thiểu đến mức tối đa, chỉ gồm một tòa sen và hình Thái tử một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất. Dù rằng tư liệu văn bia không còn, nhưng hai tòa “Cửu long” hiện tồn cho thấy hình chế “chín rồng phun nước” hẳn đã ảnh hưởng đến phương diện tạo hình.

Theo cố Giáo sư Hà Văn Tấn, “Từ Lê trung hưng cho đến Nguyễn, tức từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX, các dấu tích văn vật của tòa Cửu long đã trở nên phong phú hơn bao giờ hết, đã trở thành một phần không thể thiếu trong thượng điện của bất kỳ ngôi chùa nào. Có thể kê ra hàng loạt hiện vật tòa Cửu long tại chùa Hội Xá (Hà Nội), chùa Bảo Đài Cổ Sái (thuộc quần thể chùa Hương Tích), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Đại Bi (Nam Giang-Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), chùa Phúc Khánh (Hà Nội), chùa Linh Ngai (Hà Nam), chùa Dư Hàng (Hải Phòng), chùa Ngọc Trục (Hà Nội), chùa La Khê (Hoài Đức, Hà Nội), chùa Cả (Đồng Trúc-Thạch Thất, Hà Nội), chùa Kiến Sơ (Hà Nội), chùa Thầy (Hà Nội), chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Giác Lâm (TP.Hồ Chí Minh)…”.

PGS.TS Trần Trọng Dương nhận định: Về mặt lý thuyết, motif Thích Ca sơ sinh và nghi lễ tắm Phật (mộc dục) có thể đã truyền vào Việt Nam cùng với dự truyền nhập của Phật giáo từ rất sớm, khoảng thế kỷ II-III đầu thiên niên kỷ thứ nhất trong thời Sĩ Nhiếp/ Tiếp 士爕 (137-226). Thế nhưng, với hình ảnh Cửu long, thì có lẽ mới từ đời Đường trở về sau. Sử liệu Việt Nam sớm nhất hiện còn là được đề cập đến trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh năm 1121 đời vua Lý Nhân Tông, bia này có đoạn: “nhiễu quanh vẻ báu Cửu long, điềm lành sánh hơn châu ngọc”. Nghi lễ tắm Phật tại chùa Diên Hựu (Nhất Trụ - Một Cột) cũng đã được ghi lại trong văn bia này: “Để sáng mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày nghi thức cầu an; ang nước đặt lễ nghi tắm Phật. Ngũ chúng vẽ hình dung cẩn thận, đều hở vai tiến thoái trang nghiêm; Tứ phương đặt mấy đội thiên vương, giơ pháp khí bồi hồi dâng múa”.

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Hàng tháng cứ ngày rằm mồng một và mùa hạ ngày mùng 8 tháng 4, vua xa giá ngự đến, đặt lễ cầu sống lâu, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm thành lệ thường”. Những cứ liệu trên cho thấy nghi lễ tắm Phật đã trở thành một nghi lễ tôn giáo ở tầm quốc gia, khi nhà Lý coi Phật giáo là quốc giáo. “Cũng từ những cứ liệu trên, tôi từng viết rằng: Trong mỗi dịp Phật khánh, sẽ có hoạt động múa dâng bốn thần qua bốn đội múa Thiên vương ở bốn sân. Những đội ấy ngoài vũ đạo Phật giáo sẽ có thể luân phiên chuyển vòng qua các cửa tạo thành một vòng nhiễu lớn qua bốn sân phía ngoài của mandala một cột, kết hợp với đó là chư Tăng chạy đàn ở hoàn lang phía trong. Còn ở trung tâm đạo tràng, nhà vua sẽ thực hành các nghi lễ quan trọng như tắm Phật, phóng sinh (thả chim)”, PGS.TS Trần Trọng Dương chia sẻ.

Mô hình phỏng dựng tòa Tu Di Thích Ca sơ sinh thời nhà Lý - Ảnh: Chu Minh Khôi

Mô hình phỏng dựng tòa Tu Di Thích Ca sơ sinh thời nhà Lý - Ảnh: Chu Minh Khôi

Đi tìm Thích Ca sơ sinh thời Lý

Trong ngôi chùa Việt thường nhìn thấy hai hình ảnh phổ biến về Thích Ca sơ sinh. Một là tượng Thích Ca sơ sinh đứng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Hai là, tòa Cửu long, khắc hoạt cảnh chín con rồng phun nước khi Đức Phật chào đời. “Từ thời Mạc cho đến nay, bộ tượng Cửu long chiếm một vị trí thường hằng và quan trọng trên ban Tam bảo. Tuy nhiên, hiện chưa tìm thấy hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý nào. Song theo suy đoán của chúng tôi, chiếc ao rồng ở cấp nền thứ tư trên chùa Phật Tích (Bắc Ninh) là một loại di chỉ như vậy. Qua nhiều lần khảo sát trực tiếp tại di tích, chúng tôi thấy, chiếc ao này khả năng cao là một loại công trình gắn liền Thích Ca sơ sinh lộ thiên vào thời Lý, giống như “Cửu long mộc Thái tử” ở Bảo Đỉnh (Đại Túc, Tứ Xuyên) được dựng vào quãng năm 1174- 1252 đời Nam Tống”, PGS.TS Trần Trọng Dương nói.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, trụ trì chùa Phật Tích hiện nay, trong một bức ảnh chụp thời Pháp, phía trên phần trụ đá Phật Tích có đặt tượng Thích Ca sơ sinh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng, trong một công trình nghiên cứu khoa học, từng mô tả ở tòa Thiêu hương của chùa Phật Tích có đặt tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên trụ đá chạm rồng. “Trụ đá điêu khắc từ thời Lý, tượng Thích Ca sơ sinh có Tứ Thiên vương ngồi chầu hai bên, mỗi bên hai pho. Một bên là tượng Ngọc Hoàng, một bên là Đế Thích, đằng sau là Di Lặc, Phổ Hiền cưỡi bạch tượng, và Văn Thù cưỡi thanh sư”.

Mô tả này chép lại từ một nhà nghiên cứu Pháp, Bezacier, với một bài báo khoa học xuất bản vào năm 1954, có ghi: “Chính giữa Tam bảo chùa Phật Tích, trên một chiếc bệ, đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni, thể hiện Đức Phật sau khi Đản sinh, đã bước đi bảy bước về bốn phương trời. Thông thường, xung quanh có chín con rồng chầu nên được gọi là Thích Ca Cửu Long Động. Ở hai bên có Tứ Thiên vương đứng đối diện nhau. Cũng trên những bệ ấy, có hai pho tượng khác nữa là Ngọc Hoàng và Đế Thích, mỗi bên một pho”.

Khảo tả phế tích tại chùa Phật Tích hiện nay cho thấy, ao rồng này có hình bán nguyệt giống như ở Bảo Đỉnh, phần bán nguyệt hướng ra ngoài, mép đường kính song song với vách núi, sâu khoảng 1,6 - 1,7m; bệ đá nằm dưới đáy ao rồng đã bị đánh bạt gần như nhẵn, song phía chân bệ đá, chúng tôi còn tìm thấy các mảng cửu sơn bát hải (hình sóng và núi) đặc trưng cho phong cách nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Đó là, gần mép phía trên mặt bệ là dấu vết các bàn chân có móng rồng. Phía trên bàn đá là bậc tam cấp đá dẫn lên tầng núi phía trên.

Từ khảo sát như vậy, nhóm nghiên cứu SEN Heritage và PGS.TS Trần Trọng Dương đã đi đến một giả thuyết phục dựng ao rồng xưa kia có khả năng là một loại hình kiến trúc Phật giáo lộ thiên, với trung tâm là một hình tượng Thích Ca sơ sinh (có thể là tách rời so với bàn đá ăn liền với sườn núi) cùng với hệ thống các điêu khắc cửu long chầu quanh. Vào dịp Phật đản, người chủ lễ (có khi là hoàng đế), sẽ đi từ trên bậc thang xuống và tiến hành nghi lễ tắm Phật. Nếu giả thuyết này có thể chấp nhận được thì đây có thể coi như là dấu vết vật chất sớm nhất cho tòa Cửu long trong văn hóa Việt Nam.

Trên bình diện cả nước, hình ảnh hiện vật khảo cổ hiện còn thời Lý còn ba mảnh vỡ của Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh. Thứ nhất là trụ đá Bách Thảo (Ngọc Hà, Thăng Long- Hà Nội), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Thứ hai là hiện vật trụ đá tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), trụ đá này ngày nay đã mất, nhưng hiện còn ảnh chụp từ thời Pháp. Tuy nhiên, cả hai hiện vật này đều đã bị mất phần tượng, và gãy mất phần chân và phần ngọn. Trước nay, nhiều học giả đã đi tìm các cách lý giải hiện vật, và phục dựng nhưng chưa có kết quả. “Theo chúng tôi, đây là hai tòa bệ dùng để đặt tượng Thích Ca sơ sinh vào thời Lý. Trụ đá Bách Thảo phía dưới tạc cửu sơn bát hải biểu tượng của một tiểu vũ trụ. Phần thân trụ được tạc hình hai con rồng thời Lý cuốn quanh, nhưng phần phía trên đã mất phần đầu và phần tay trước của đôi rồng. Trong khi đó, ảnh chụp trụ đá Phật Tích bị mất phần chân và thân, nhưng lại còn phần đầu rồng và tòa sen phía trên. Kết hợp hai tư liệu này, SEN Heritage đã tiến hành phục dựng lại toàn bộ cấu trúc của tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý với cấu trúc gồm 3 phần: Phần 1: phần chân trụ, gồm một phiến đá 6 cạnh, giật 3 cấp. Phần 2 là thân trụ, gồm: đồ án cửu sơn bát hải, song long hiến châu, và tòa sen. Phần 3, ở trên cùng là tượng Thích Ca sơ sinh.

Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích

Hình ảnh tượng Tu Di Thích Ca sơ sinh thời Lý trong không gian chùa Phật Tích

“Chúng tôi muốn đặt hiện vật này vào trong không gian nghi lễ tắm Phật thời Lý và chiếc ao rồng ở cấp nền 4 của Phật Tích. Theo ảnh thời Pháp, pho Phật Tích thời Lý được đặt trong Tam bảo. Nhưng chùa Phật Tích thời Lý lấy tháp làm trung tâm (không có Tam bảo). Mà phần tháp đã có tượng Phật (A Di Đà, hoặc Thích Ca). Vậy thì, tòa Thích Ca sơ sinh này có thể đã được đặt ở ao Long Trì ở tầng nền 4. Dưới ao này có tạc 2 đôi rồng chầu, khoảng trống ở giữa để đặt tượng và bệ tượng. Phía trên của ao có lối tam cấp đi xuống để vua, hoặc người chủ lễ đi xuống và thực hiện lễ tắm Phật. Như thế, trụ đá Bách Thảo có khả năng là một bệ Thích Ca sơ sinh ở chùa Diên Hựu, và trụ đá Phật Tích là bệ Thích Ca sơ sinh ở chùa Phật Tích”, PGS.TS Trần Trọng Dương chia sẻ.

Theo nhóm nghiên cứu SEN Heritage, các hiện vật như trụ đá Bách Thảo, trụ đá Phật Tích cho phép phục dựng lại tổng thể hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý. Nếu ở chùa Diên Hựu, lễ tắm Phật có thể được thực hiện ngay trong ao Linh Chiêu (ao trong) bên dưới tháp Liên Hoa một cột, thì ở Phật Tích lễ này có thể được thực hiện ở cấp nền 4 trong ao Long Trì. Cả hai trụ đá này được điêu khắc chạm trổ chi tiết đến từng mi li mét, cho thấy đây là phần bệ dùng để đặt tượng Phật. Nhưng cách tạo tác nhỏ (theo dạng hình trụ) không cho phép đặt một tượng pháp nào khác ngoài tượng Thích Ca sơ sinh. Việc phục dựng lại hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý sẽ gắn liền với việc phục dựng lại lễ tắm Phật ở tầm mức quốc gia, trong không gian cụ thể là chùa Diên Hựu và chùa Một Cột, sẽ góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa Đại Việt thời Lý, cũng như văn hóa Phật giáo đến với xã hội ngày nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày