Tái hiện văn hóa Tết tại Hoàng thành Thăng Long & Huế

GNO - Sáng nay, 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi (17-1), tại Hoàng thành Thăng Long, UBND TP.Hà Nội phối hợp với BTS Phật giáo Hà Nội tổ chức nghi thức tế cáo trời đất, lễ ông Công ông Táo và dựng cây nêu ngày Tết.

Đại diện Phật giáo Hà Nội tham dự có TT.Thích Thanh Trung; lãnh đạo TP có bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng đông đảo quan khách và các nhà sử học, nghiên cứu văn hóa.

IMG_1958.jpg


Nghi thức cung nghinh

Lễ hội đặc sắc

Nghi thức Tết cáo trời đất được thực hiện trên nền điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long. Theo truyền thống đón Tết trong các triều đình thời xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, vua và quần thần tổ chức lễ tế cáo trời đất tại điện Kính Thiên, sau đó làm lễ rửa ấn và niêm phong ấn, tạm nghỉ các buổi thiết triều và công việc triều chính để ăn Tết.

Sau khi thực hiện nghi lễ tiễn Táo quân về trời và thả cá chép, nghi lễ dựng cây nêu ngày Tết cũng đã được thực hiện tại phía trước cổng Đoan Môn của Hoàng thành. Các nghi thức này là những hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện Tết Việt Hoàng thành Thăng Long, diễn ra từ ngày 17-1 (23 tháng Chạp Kỷ Hợi) đến 2-2-2020 (mồng 9 tháng Giêng Canh Tý) do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, làng nghề tổ chức. 

IMG_1979.jpg
Nghi thức thả cá chép

Với người Việt Nam Tết Nguyên đán là địp lễ đầu năm quan trọng, chứa đựng nhiều mong ước cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Chương trình Tết Việt năm nay với chủ để “Nét bút ngày Xuân” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long nhằm tái hiện lại những nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa của ông cha.

Hình ảnh trưng bày chủ đạo tạo đây là  không gian của nhà Nho với văn phòng tứ bảo: giấy, mực, bút, nghiên cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, những lời hay ý đẹp được thể hiện qua nghệ thuật thư pháp tài hoa và độc đáo. Qua đó giới thiệu một số phong tục đẹp còn lưu giữ đến ngày nay như: phong tục viết câu đối, khai bút, xin chữ và cho chữ đầu xuân, thể hiện truyền thống hiểu học, sự trọng chữ, trọng hiển tài và gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, đỗ đạt, thịnh vượng của mọi người trong năm mới.

Không gian trang trí ngoài trời được sắp đặt một số cụm trang trí nội bật với nón, đèn lồng, chong chóng, câu đối và chữ viết, được thể hiện một cách biến hóa, bay bổng bằng nhiều chất liệu khác nhau như mây, tre, giấy, vừa quen thuộc, dân dã vừa thân thiện với môi trường. Không gian trang trí này cũng là điểm nhân check-in độc đáo cho du khách.

Chương trình Tết Việt cũng dành nhiều nội dung và không gian riêng cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống như: kể chuyện Tết ở Hoàng cung gắn với phong tục khai bút, xin chữ, các câu chuyện như vua Lê ban câu đối Tết cho dân nghèo ở kinh thành Thăng Long, vua khai bút, ban chữ ngày thiết triều đầu năm mới, các bậc đại thần có biệt tài ứng đối, viết chữ đẹp...; trải nghiệm viết thư pháp, câu đối, gói bánh chưng, làm bưu thiếp, hoa gìấy,... và các trò chơi dân gian.

IMG_2069.jpg


Tế cáo đất trời

IMG_2173.jpg


Không gian triển lãm

Ngoài ra, tại khu vực điện Kinh Thiên con tổ chức 2 trưng bày chuyên đề: “Vương triều Lý, Trấn, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng vương triều, uy quyền” nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, diễn giải khái quát về các vị vua anh minh gắn với những vương triều huy hoàng trong lịch sử, những triều đại nối tiếp nhau tạo nên một Kinh thành Thăng Long, một kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử. 

Đặc biệt, trong dịp Xuân mới năm nay, không gian khu di sản được sắp đặt nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Khu vực Đoan Môn nổi bật với cụm trang trí lấy ý tưởng từ dòng chảy, tượng trưng cho sự phát triển không ngừng của vạn vật với nhiều loài hoa. Khu điện Kính Thiên được trang trí bằng các loại cây ăn quả và nhiều loà hoa mang biểu trưng quyền quý như lan, trà, mẫu đơn, hoa hồng cổ, tạo sự tôn nghiêm, cao quý.

Khu vực Hậu Lâu được cải tạo thành vườn hoa nhiều màu sắc với hoa đào, loài hoa của mùa xuân cùng hàng trăm gốc hồng tỏa hương thơm ngát. Trong dịp Tết, hơn 500 cây hoa hồng được đem về trồng tại Hoàng thành Thăng Long trong đó có nhiều giống hồng quý như hồng Đông Côi, hồng cổ Sapa, hồng bạch.

IMG_2153.jpg
IMG_2210.jpg


Dựng cây nêu ngày Tết

Du khách cũng được trải nghiệm không khí lễ hội ngày xuân linh thiêng, rạng rỡ của mảnh đất nghìn năm văn hiến, lắng đọng cùng thời khắc tiễn năm cũ đón năm mới, với nhiều nghi thức truyền thống được tái hiện như: lễ ông Công, ông Táo; lễ phất thức; lễ dựng cây nêu; lễ dâng hương khai xuân... Các hoạt động nghiên cứu, tái hiện các nghi thức truyền thống trong cung đình và dân gian dịp Tết Nguyên đán tại Hoàng thành Thăng Long đã góp phần phát huy giá trị di sản, giúp du khách tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Huế dựng nêu đón tết Canh Tý 2020

Sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TT Huế) cũng tổ chức tái hiện nghi lễ Thướng Tiêu (Dựng Nêu) tại sân trước Hiển Lâm Các - Thế Miếu, Đại Nội Huế và tại điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế). Lễ dựng nêu là một nghi lễ cổ có ý nghĩa trong đời sống tâm linh của người Việt Nam từ lâu đời.

Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán. Nêu là một cây tre già dài 15m, do các lính vệ vác cùng đội nghi thức và ban lễ nhạc cung đình đảm trách.

Cây nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn) trong âm thanh của các bài nhạc lễ cung đình xưa. Các nghi thức dựng Nêu gồm lễ bái, nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh trang nghiêm của nhã nhạc cung đình. Khi cây nêu được dựng lên báo hiệu ngày Tết đã đến trong hoàng cung.

DungNeu (1).jpg
Cây nêu được rước từ cửa Hiển Nhơn đi qua điện Thái Hòa, tiến về Thế Miếu

Nét đặc biệt của lễ dựng Nêu tại hoàng cung Huế là luôn gắn liền với đại nhạc, tiểu nhạc (âm nhạc cung đình Việt Nam) và với các nghi thức rất trang trọng. Trong không gian tràn ngập sắc xuân với các loại trang phục truyền thống, những đôi câu đối thắm, những sắc hoa xuân, không khí rộn ràng, du khách có cơ hội trải nghiệm được nét nghi thức cổ xưa.

Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23 tháng Chạp như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội.

Lễ dựng nêu trang nghiêm và phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Cây tre dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khoẻ. Trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm... nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ.

Ngày dựng nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết, chơi Xuân.

DungNeu (4).jpg
Cây nêu đã được dựng lên ở cố đô

Lễ dựng nêu là một truyền thống rất lâu đời của người Việt Nam, những ngày đầu xuân mới, lễ này thật sự đã tạo nên không khí vui tươi vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ phổ biến ở Cố đô Huế, khắp mọi miền đất nước ngày nay vẫn còn duy trì tục lệ này, đó thật sự là một nét đẹp trong truyền thống người Việt.

Lễ dựng nêu sau đó cũng được tổ chức tại nhiều địa điểm di tích khác trong quần thể Di tích Cố đô Huế diễn ra từ ngày 23 đến 30 tháng Chạp. Người dân tin rằng cây Nêu có tác dụng xua đuổi, trừ yểm ma quỷ, những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới an lành. Lễ hạ nêu được thực hiện vào mùng 7 Tết.


Lịch hoạt động chi tiết Tết Việt tại Hoàng Thành Thăng Long:

- Lễ hội ông Công ông Táo, dựng cây nêu (ngày 17-1-2020 - 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi).
- Biểu diễn múa rối nước (ngày 26, 27, 28, 29-1-2020 - mùng 2, 3, 4, 5 Tết Canh Tý, lúc 10g và 15g).
- Các hoạt động dành cho thiếu nhỉ (từ 9-1-2020 – 17-1-2020 và 27-1-2020 - 29-1-2020).
- Lễ dâng hương khai xuân (2-2-2020 - mùng 9 tháng Giêng năm Canh Tý).


Chu Minh Khôi - Xuân Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày