Tại sao lại bạo lực?

Giác Ngộ - Hiện tượng bạo lực trong giới trẻ đang là một vấn nạn nhức nhối của xã hội. Chúng ta đôi khi không khỏi rùng mình khi chứng kiến cảnh các em “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với bạn bè của mình một cách tàn độc không chút xót thương... 
>>> Thao thức với bạo lực
>>> Giáo lý nhà Phật - cứu cánh cho bạo lực tràn lan!
>>> Vì sự nghiệp trồng người chẳng của riêng ai…
>>> Đề xuất một vài giải pháp cho nạn bạo lực học đường

Thật đau lòng khi biết được nguyên nhân của các vụ ẩu đả xuất phát từ những lý do có thể gọi là “không đâu”, rất nhỏ nhoi và thậm chí là vô lý. Một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu”, một cú va quẹt, nỗi ghen tuông để bảo vệ “tình yêu” (mà ngay tuổi đời rất trẻ của các em còn chưa nhận thức đúng đắn được cái nào là tình yêu thật sự, cái nào chỉ là cảm xúc nhất thời), nỗi bực tức khi bạn học giỏi và nổi trội hơn mình... Tất cả có thể dẫn đến một vụ ẩu đả ác liệt trong phút chốc hoặc có thời gian lên kế hoạch đàng hoàng.

wbaoluc06.jpg

Học trò đánh nhau quá dã man thế này là điều đáng báo động

Không chánh niệm

Không có chánh niệm để nhận diện sự hiện hữu của cơn giận là nguyên nhân của những vụ ẩu đả chớp nhoáng vì va chạm. Gặp chuyện không vừa ý mình (quẹt xe, bị chửi mắng…) là trong lòng đã cảm thấy bực mình và nóng mặt. Những gợn sóng của lòng sân bắt đầu lăn tăn. Ngay nơi đây mà không nhận ra thì sóng nhỏ bắt đầu dâng lên thành sóng lớn. Tiếp tục không kiểm soát được thì từ ý nghiệp (niệm sân hận trong tâm) sẽ phun trào ra thành khẩu nghiệp (to tiếng).

Em nào thuộc dạng cộc cằn quá thì khỏi qua giai đoạn khẩu nghiệp này, tiến đến “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” ngay, tức là đã tạo thân nghiệp. Nói đơn giản, đây chính là mất khả năng kiểm soát cơn giận.

Lòng ái ngã

Ái ngã là yêu “cái tôi” của mình. Chỉ cần nhìn cái mặt “thấy ghét”, hoặc “nó dám giỡn với bồ tao”, hoặc “ai cho mày học giỏi hơn tao” và vô vàn lý do kỳ quặc khác là đương sự có thể muốn động tay động chân với đối tượng “khó ưa” ngay.

“Mọi người cần giáo dục nhận thức cho con em mình ngay từ trong gia đình chứ không thể đơn giản đổ thừa cho xã hội là xong. Dẫu biết rằng việc không dễ dàng gì khi trong nhà (hoặc trường) dạy một đàng, ra đường thấy một nẻo. Nhưng có làm vẫn hơn không" - Từ An

Cái ngã quá lớn, lòng tự tôn bản thân quá cao làm các em không chấp nhận chuyện có ai đó dám “đụng” đến mình. “Nó nghĩ nó là ai mà dám không nể mặt tao?” Và nếu có ai dám (hoặc lỡ) như vậy, các em sẽ phản ứng dữ dội bằng những trận đánh nhau tơi bời hoa lá. Không cần suy nghĩ (nếu có chắc chỉ là suy nghĩ đánh sao cho hiệu quả), không cần nhiều lời, nói là làm, thích là đánh. Các em có thể rủ thêm bạn bè cùng phe tham gia trận đánh để dằn mặt đối phương, để “cho nó chừa”.

Thật đau xót khi các em không đoái hoài gì đến nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của nạn nhân khi bị hành hung. Vì các hung thủ nhí ấy chỉ nhìn thấy có mình, thấy lòng tự tôn của mình được thỏa mãn khi làm như vậy.

Chạy theo những tác động bên ngoài

Trong nhà Phật hay nói “tâm phan duyên” để chỉ những cái tâm lăng xăng chạy theo bóng dáng hồng trần. Ở một thời đại mà sách báo và phim ảnh nhan nhản những hình ảnh bạo lực, các em đang trong giai đoạn trưởng thành đã bị tác động không ít. Hiếm có em nào ở lứa tuổi này mà biết quay lại quán chiếu nội tâm của mình, trừ những em may mắn có căn lành tiếp xúc và cảm thụ được Phật pháp.

Giới trẻ đồng hóa mình với những gì các em nhìn thấy và buông trôi theo thế giới bên ngoài. Bạo lực đã trở nên bình thường, giống như cái ác lâu ngày trở thành quen thuộc. Ngày càng có nhiều thiếu nữ tham gia vào dòng chảy bạo lực học đường. Thực trạng nhức nhối này cũng chịu ảnh hưởng bởi ngày càng nhiều phim ảnh các cô gái hành động, các “đả nữ” oai phong lẫm liệt. Nhận thức của các em dần trở nên méo mó khi nghĩ rằng như vậy mới mạnh mẽ, mới là anh hùng.

Thật ra, sự mạnh mẽ nằm bên trong một tâm hồn biết kềm chế những cảm xúc tiêu cực, chứ không phải hơi một chút là thể hiện ra bên ngoài thành những cuộc đấm đá sát phạt lẫn nhau.

wbaoluc03.jpg
Trường học phải là nơi nuôi dưỡng tình thương,
lòng nhân ái - Ảnh minh họa

Thay lời kết

Để kết lại, bài viết này chỉ xin nêu ra một ý kiến rằng nếu vấn đề đã được nhận thức bằng Phật pháp thì cũng có thể dùng Phật pháp để giải quyết vấn đề. Trong công cuộc hoằng dương Phật pháp đến người trẻ, thiết nghĩ những vị có trách nhiệm cần phải khéo léo giáo dục nhận thức cho thanh thiếu niên về hiện trạng này và cách hóa giải. Đó là nói ở phạm vi nhỏ hẹp, các vị giảng sư hoằng pháp tùy duyên mà giáo hóa.

Ở một phạm vi rộng lớn hơn, giải quyết hiện trạng bạo lực trong giới trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ thì không thể nào thành tựu được. Chúng ta không thể phủi tay nghĩ rằng đó không phải chuyện của mình mà là trách nhiệm của những nhà làm phim, nhà xuất bản khi cứ cho ra đời đầy rẫy các sản phẩm mang tính bạo lực như vậy.

Mọi người cần giáo dục nhận thức cho con em mình ngay từ trong gia đình chứ không thể đơn giản đổ thừa cho xã hội là xong. Dẫu biết rằng việc không dễ dàng gì khi trong nhà dạy một đàng, ra đường thấy một nẻo. Nhưng có làm vẫn hơn không.

Bài vở tham gia diễn đàn "Thao thức với bạo lực" vui lòng gửi về địa chỉ email: bandocgiacngo@gmail.com. Những bài được chọn đăng sẽ được tặng một món quà ý nghĩa từ Giác Ngộ. Xin trân trọng chào đón những chia sẻ của quý bạn đọc!

Giác Ngộ Online 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày