Khi Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài nhận ra rằng trên thế gian này không có khổ, nhưng vì chúng sinh do vọng kiến, nghĩa là thấy và hiểu sai lầm nên hành động sai lầm, mới tạo thành khổ đau của muôn loài ở thế gian. Ba điều sai lầm là thấy sai, hiểu sai và hành động sai chủ yếu phát xuất từ tâm. Vì vậy, Phật nói Ngài đã nhận ra được ngôi nhà ngũ ấm và từ đây về sau, người chủ ngôi nhà không còn tạo ngôi nhà mới nữa, tức là Ngài không còn tái sanh trong cõi sinh tử luân hồi.
Lòng tham có tham danh, tham lợi và căn bản sâu kín là tham ái
Cái gì tái sanh và cái gì tạo nên sự tái sanh? Đức Phật khẳng định rằng tâm tạo ra tất cả. Trong kinh Hoa nghiêm có dạy rõ điều này qua bài kệ:
Nhược nhơn dục liễu tri Tam thế nhứt thiết Phật Ưng quán pháp giới tánh Nhứt thiết duy tâm tạo.Nghĩa là tất cả mọi việc do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Vì vậy, nhận ra tâm mình và làm chủ tâm mình, chúng ta không còn tạo ác nghiệp, thì không còn khổ và không còn sanh tử luân hồi.
Các vọng kiến ngăn che sanh ra ham muốn khác nhau là chỉ cho nghiệp, phiền não và trần lao. Phiền não tạo nghiệp và nghiệp tạo khổ. Gốc của phiền não không có, nghĩa là nếu chúng ta không tạo nghiệp thì cũng không có khổ. Ví dụ lòng tham của con người là phiền não, do lòng tham mới tạo nên nghiệp. Nếu không có lòng tham, thì không tạo nghiệp ác như giết người, cướp của, hay buôn bán bất hợp pháp, v.v... Vì lòng tham muốn có lợi nhuận lớn và người khác cũng vậy, cho nên mới sinh ra lừa dối nhau, đưa tới phá sản, tội lỗi.
Lòng tham có tham danh, tham lợi và căn bản sâu kín là tham ái, tham dục mà đoạn được là sanh tử luân hồi chấm dứt. Lợi và danh phục vụ cho ái dục, ba cái tham này gắn liền với nhau và tạo tội liên tục. Người có địa vị và danh vọng cao, nhưng gia đạo không an, con hư, vợ hỏng, thì họ rất khổ.
Người có địa vị và danh vọng cao, nhưng gia đạo không an, con hư, vợ hỏng, thì họ rất khổ
Đức Phật đã ý thức được sự tác hại của tâm tham, nên Ngài đã sớm từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm đạo. Đối với mọi người, ai cũng ham thích cung vàng điện ngọc và kẻ hầu người hạ, nhưng với trí tuệ của thái tử Sĩ-đạt-ta, Ngài thấy đó là khổ, sung sướng chẳng bao nhiêu, nhưng khổ đau gây ra cho thiên hạ thì không lường được. Thái tử có ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa và có trăm ngàn cung nữ ca hát, thị vệ hầu hạ. Người tham dục thấy như vậy là sướng và có khi còn muốn hơn nữa, nhưng dưới mắt của Sĩ-đạt-ta, thì đây là tội lỗi, vì một mình Ngài hưởng mà phải bỏ công sức xây dựng đến 3 tòa lâu đài, tốn kém của dân, là món nợ rất lớn, thì hưởng xong, phước hết, không sống được trong lâu đài nữa. Phước tạo rất khó, nhưng hưởng thì nhanh và dễ hết thì khổ, họa tới không lường được. Cho nên Sĩ-đạt-ta thấy vui trong tham dục để khổ, khổ thân, cho đến khổ tâm. Tất cả những điều này do đâu mà có? Đương nhiên nó phát xuất từ tâm ham muốn của con người tạo nên. Thật vậy, tất cả những tòa lâu đài trên thế gian này đều tàn phá thiên nhiên và phát xuất từ tâm tham hưởng thụ của con người, từ đó tạo nên khổ đau cho mình, cho xã hội và cho muôn loài. Ngày nay, lòng tham của con người khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và thiên nhiên đã đáp trả lại cho chúng ta bằng những tai họa khủng khiếp.
Phật thấy tâm tạo ác, nhưng cũng tạo thiện, vì tâm làm chủ, cho nên Phật dạy tu hành là chuyển đổi tâm ác thành thiện. Ngài Thế Thân chia tâm chúng ta ra hai phần là ác và thiện để chúng ta phát huy phần thiện và chuyển hóa phần ác thành thiện. Theo Bồ-tát Thế Thân, chúng ta có 8 phần tâm vương mà gốc của nó là vô thưởng vô phạt. Tâm ví như ông vua là chủ vô thưởng vô phạt, vì mọi quyết định do quan và tướng, tức là tâm sở liên hệ với tâm vương. Tâm vương là chủ, nhưng không có tâm sở thì không làm được gì, cũng như làm vua phải có quan và tướng mới làm được. Trong quan và tướng có trung thần và nịnh thần, gian thần, nhưng gian thần và nịnh thần thì đông, còn trung thần chỉ có 11. Ngài ví gian thần như phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là 6 tên quan nguy hiểm luôn đứng cạnh tâm vương. Vì vậy, khi vua bị lòng tham tác động nhiều thì nguy hiểm vô cùng, hoặc lòng sân hận, kiêu mạn, nghi ngờ tác động vô tâm vương mới khởi lên ác xấu. Nói chung là tánh ác xấu tác động khiến tâm vương khởi. Ta ngồi yên không có gì, nhưng nghe một người nói tốt, thì ta khởi ý tốt, nghe người nói xấu, ta khởi ý xấu. Trong 6 căn bản phiền não vừa nói thì 5 cái trước không quan trọng bằng cái thứ 6 là ác kiến và ác kiến cũng sanh ra thêm 5 cái xấu nữa là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, tạo thành 10 triền, 10 sử. Tâm vương bị 10 triền 10 sử ràng buộc và sai khiến, nên khổ, ví như ông vua ngồi trên ngai vàng mà như là ngồi trên đống lửa. Lửa này là 10 triền và 10 sử, nếu vua không sáng suốt sẽ bị cận thần chi phối, sai khiến, họ làm sẵn báo cáo sai rồi buộc vua ký tên vào. Như ông Khang Hy làm vua lúc mới 3 tuổi, nên mọi việc do cận thần sắp xếp, đứng đầu là Ngao Bái nhiếp chánh đại thần quyết định; vì trung thần yếu, còn gian thần, nịnh thần, lộng thần thì mạnh và đông quá, nên vua phải chịu, phải đợi đến khi Khang Hy 12 tuổi mới khôn và trưởng thành. Ông nói rằng ông trưởng thành sớm là nhờ đời trước đã tu làm Sa-môn, nên đời này thiện tâm sở bên trong mạnh; cho nên 12 tuổi mà đã đủ bản lĩnh nắm quyền. Vua Khang Hy mới thấy ai là trung thần, ai là nịnh thần, là gian thần và nhờ trí tuệ sáng suốt mà ông sắp xếp lại việc điều hành triều chính. Phật dạy rằng làm sao trí tuệ sanh ra thì đủ sáng suốt để ta sắp xếp được tất cả những điều xấu ác trong tâm và tạo điều kiện để nó trở thành tốt. Vì vậy, có thể nói tất cả mọi người đều tốt và xấu, nếu biết thì mọi việc sẽ thành tốt, không biết thì thành xấu. Khang Hy nhờ có trí tuệ nên thấy người tốt, người xấu và ông sắp xếp lại đúng chỗ, biến xấu thành tốt, vì hoàn cảnh xấu không có thì không làm xấu được. Hoàn cảnh xấu là vua 3 tuổi chưa biết gì, nên họ làm loạn; nhưng vua 12 tuổi biết rõ mọi việc, mới bắt xử những người xấu thì hết loạn. Chưa biết thì người nịnh nói theo ta, ta thương họ và cất nhắc họ là ta sử dụng người nịnh, nên chết. Có trí tuệ thì dù họ nói gì, ta cũng biết rõ sự thật.
Hoàn cảnh và thời thế thay đổi, nhưng cố chấp là chết
Đời Đường có vua Đường Thái Tông lên ngôi và sử dụng học giả Ngụy Trưng dám nói thẳng, nói thật, nhờ vậy vua mới biết được việc nên làm, mới có ngài Huyền Trang phát triển Phật giáo. Vua Đường có trí tuệ, nhận thấy người nịnh nói hay, nhưng không thật và vua thấy lộng thần tự bịa chuyện nói là ý chỉ vua để ban chức cho người này người nọ làm xã hội đảo điên. Đường Thái Tông thấy rõ như vậy mới ban lệnh phải sống theo pháp luật, không theo lịnh của vua nữa. Ông vua này rất bình tĩnh và sáng suốt.
Tâm vương cũng thế, khi tâm chúng ta bình tĩnh, sáng suốt, sẽ nhận thấy những thứ xung quanh tác động chúng ta là 10 triền cái, tức tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. 10 triền cái này chi phối con người và xã hội. Giới cấm thủ là cố chấp việc nào đó, nên không dám thay đổi. Hoàn cảnh và thời thế thay đổi, nhưng cố chấp là chết. Ví dụ Phật cho 1 y 1 bát, nhưng mùa đông lạnh, Phật cho 3 y để một cái nằm, một cái đắp cho đủ ấm để sống, nếu cố chấp giữ 1 y là chết. Vì vậy, ở cuộc đời này không có gì cố định, phải có trí tuệ thấy sự thật chuyển hóa, thì chúng ta chuyển hóa theo đó. Phật dạy giới định tuệ mà chính tu là dùng định, tức tập trung để phiền não đừng chi phối chúng ta.
Dùng 11 thiện tâm sở để phá bứt mắt xích của 10 triền cái để tâm chúng ta yên. 11 thiện tâm sở là tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, hành xả, bất phóng dật và bất hại. Người tu phải sử dụng 11 thiện tâm này làm phương tiện tu hành. Tôi vượt khó khăn nhờ sử dụng thiện tâm sở thứ 11 là bất hại, nghĩa là làm gì cũng được, nhưng không hại người. Nếu không làm tốt thì thôi, đừng làm hại, vì làm tổn hại phải bị quả báo. Xưa kia Phật cứu 500 người thương buôn, mà Ngài phải giết tên cướp, nên Ngài cũng phải chấp nhận quả báo này. Vì vậy, khi thành Phật rồi, Ngài cũng bị một nạn cuối cùng là nạn bị thương ở chân, nhưng là trả quả báo nhẹ.
Trên bước đường tu của chúng ta, quan trọng phải làm sao tránh làm hại người, hại vật; vì làm hại thì sớm muộn gì, quả báo cũng tới. Làm ác nhiều thì quả báo nặng, làm ác ít, quả báo nhẹ. Phải tránh điều hại và hại này, chúng ta phân ra là miệng, thân, hay tâm làm hại. Phật do thân làm hại tên cướp biển, nhưng tâm Ngài không ghét thù hắn. Vì cứu người mà Ngài phải giết hắn, là thân tạo ác nhưng tâm không tạo ác, tức tâm thương người lương thiện bị cướp giết, nên Phật chấp nhận quả báo này. Tên cướp bị giết hận Phật suốt bao nhiêu kiếp cứ theo Phật để báo thù và tâm Phật cũng nghĩ đến tên cướp, nghĩa là vô tình làm hại sẽ gây hối hận suốt đời cho đến nhiều đời. Oan gia này đi theo Phật và chờ cơ hội tốt để trả thù, nhưng không được, vì Phật làm thiện quá nhiều, nên chung quanh Phật, người thiện nhiều, là thường có Thiên long bát bộ bảo vệ. Tâm Phật cũng thiện nhiều, nên quả báo này không xảy ra được. Đến khi Ngài thành Phật phải trả quả báo này, mới khiến có người em họ của Phật là Đề-bà-đạt-đa hại Phật bằng cách xô đá rớt xuống làm chảy máu chân Phật. Lòng Phật thanh thản trả được món nợ xưa. Còn chúng ta vay, nhưng không muốn trả; trong khi Phật luôn tìm cách để trả và Ngài đã trả 8 cái nợ cuối cùng mà Ngài đã vô tình làm khi hành Bồ-tát đạo.
Tu Thanh văn làm an lạc thì dễ, nhưng tu Bồ-tát muốn chuyển ác thành thiện thì làm sao vừa lòng tất cả mọi người. Nếu chúng ta vừa lòng kẻ cướp thì xã hội này sẽ ra sao. Bắt tập trung cải tạo những người phạm pháp, xã hội mới yên. Hành Bồ-tát đạo là vì muốn người ăn ngon ngủ yên, nên phải bắt trộm cướp, xì-ke; còn con kiến cũng không dám giết thì xã hội sẽ đi về đâu. Chúng ta cần cân nhắc trên bước đường hành Bồ-tát đạo, quả báo càng nhẹ càng tốt, công đức càng nhiều càng tốt. Luôn có tâm bất hại đối với người và vật, nhưng bất đắc dĩ ta mới phải làm tổn hại.
Tâm thứ hai mà chúng ta phải sử dụng là tâm hành xả, nghĩa là những gì đã qua, chúng ta bỏ qua, tâm chúng ta thanh thản thì huệ mới sanh được. Để tâm thanh thản, trí tuệ sanh, cái gì cũng đưa về quá khứ, để nhìn hiện tại chính xác. Phải hành xả là bỏ, còn làm mà nghĩ đến thành tích, không đi xa được. Cố gắng làm tốt, nhưng xong việc phải bỏ để ta tiếp tục đi tới. Mang bệnh thành tích, làm ít, nhưng kể không hết, thì ai quý trọng được. Vì vậy, suốt đời giúp người, nhưng không để trong lòng và không nói, thì người thọ ơn quý trọng ta.
Phật nói vô lượng kiếp Ngài đã hành Bồ tát đạo, tạo vô số công đức, nên thấy Phật là chúng ta thương liền. Phật không cần chúng ta biết ơn và trả ơn. Kinh Pháp hoa nói 60 kiếp trước Phật đã độ Xá-lợi-phất phát tâm bồ-đề, nên kiếp này thấy Phật là Xá-lợi-phất đắc quả liền. Riêng tôi, ai thấy tôi mà sanh quý trọng, thì tôi biết đó là bồ-đề quyến thuộc trong những kiếp trước. Ai thấy tôi mà bực bội thì đó là oan gia gặp lại. Oan gia nên giải, còn công đức quá khứ thì nên tiếp tục dìu dắt nhau.
Tâm hành xả và bất hại quan trọng; ngoài ra, thiện tâm sở đầu tiên là tín, tức niềm tin cũng cần thiết. Vì vậy, chúng ta phải sống thành thật để giữ niềm tin với nhau. Điều gì làm không được thì nói không được, đừng nói mà không làm sẽ làm mất chữ tín thì không ai dùng mình. Niềm tin là mẹ sanh ra tất cả thành công, người làm mất niềm tin không tồn tại được. Trước nhất là niềm tin đối với thầy, bạn thân cận gần gũi với ta, làm việc chung với ta. Những người này không tin cậy nhau thì sớm muộn gì đoàn thể cũng tan rã.
Niềm tin giữa thầy và bạn mà thầy là Phật, bạn là Bồ-tát. Chọn Phật làm thầy và bạn là Bồ-tát, chắc chắn cuộc đời ta sẽ thăng hoa. Riêng tôi có được trí tuệ sáng suốt là nhờ Phật lực gia bị và việc thành tựu là nhờ Bồ-tát hợp lực. Làm sao gầy dựng niềm tin giữa huynh đệ và nâng lên là Phật và Bồ-tát. Chúng ta sống trong thế giới có niềm tin thì những nịnh thần, loạn thần, kẻ xấu không tác động được và bất cứ ở đâu cũng có bạn tốt, Phật sự thành công.
Tóm lại, 11 thiện tâm sở luôn áp dụng, thì sẽ có kết quả tốt đẹp. Sử dụng ác tâm sở nhiều thành ma, sử dụng thiện tâm sở nhiều thành Bồ-tát và hoàn toàn thể hiện thiện tâm sở trong cuộc sống thì thành Như Lai. Mong rằng tất cả đệ tử Phật phát huy được thiện tâm sở trọn vẹn để thành tựu quả vị Phật.