Tấm lòng người thầy thuốc thiện nguyện

Y sĩ Phan Văn Ba đang chăm sóc bệnh nhân
Y sĩ Phan Văn Ba đang chăm sóc bệnh nhân
Giác Ngộ - Xuất phát từ sự đồng cảm với bệnh nhân nghèo qua những chuyến đi khám bệnh vùng sâu vùng xa, một nhóm bạn cùng chung tấm lòng thiện nguyện, đã gắn kết lại với nhau. Và từ đó, một phòng khám bệnh miễn phí được thành lập đã thật sự trở thành nơi chia sẻ với gánh nặng bệnh tật của bệnh nhân nghèo…

Góp những bàn tay

Khó và khổ không thể làm chùn bước chân thiện nguyện của những y bác sĩ trong những chuyến về vùng sâu vùng xa giúp bà con nghèo khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Sau những chuyến đi ấy bao giờ cũng đọng lại niềm vui thì ít mà những nỗi buồn thì nặng trĩu bởi lẽ bà con nghèo không có điều kiện chăm sóc y tế bao giờ cũng là người chịu nhiều thiệt thòi. Và, có những bệnh đáng ra phải được chữa trị mà do thiếu điều kiện đành phải bỏ qua. Những trường hợp đó trở thành nỗi ray rứt trong lòng người thầy thuốc.

Hiểu, cảm thông và cùng tâm nguyện của nhóm y bác sĩ nên chị Lê Hải Liễu, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến Gỗ Đức Thành đã cho mượn một địa điểm thuận lợi tại 119 Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q.Bình Thạnh hình thành nên phòng khám Tuệ Tâm. Mục đích cùng nhau thực hiện tâm nguyện, khám và điều trị miễn phí các loại bệnh tật cho bệnh nhân nghèo. Phòng khám miễn phí mở cửa hoạt động từ thứ Hai đến thứ Bảy trong tuần với sự tham gia thường trực của 2 bác sĩ, 3 y sĩ chuyên về Đông y và Tây y, ngoài ra còn có sự cộng tác của các bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện TP.HCM và y sinh đang học tại các trường đại học. Tất cả các y bác sĩ phục vụ ở phòng khám Tuệ Tâm đều không nhận lương.

Chị Thanh Loan, điều hành phòng khám cho biết: Dù hoạt động như là một phòng khám từ thiện miễn phí nhưng do kinh phí còn hạn chế nên những trường hợp cần thuốc hoặc dụng cụ phục vụ điều trị như kim châm cứu thì bệnh nhân phải tự mua. Tuy nhiên, tất cả bệnh nhân đến với phòng khám đều được giúp đỡ, chăm sóc với thái độ ân cần như nhau. Tùy vào từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được tư vấn, khám chữa bệnh, vật lý trị liệu, kê toa… với một tấm lòng "Lương y như từ mẫu". Chính vì thế, nhiều bệnh nhân tin cậy đến điều trị như là người nhà của bác sĩ.

Y sĩ Phan Văn Ba, thường trực phòng khám cho biết: "Đa số các bệnh nhân đến phòng khám Tuệ Tâm thường bị bệnh về thần kinh, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, xương khớp, cao huyết áp, các di chứng của tai biến mạch máu não… Bệnh nhân đến đây đều có tiểu sử bệnh khá lâu nên phải có phác đồ điều trị hợp lý bằng Tây y, Đông y kết hợp vật lý trị liệu. Quá trình điều trị này đòi hỏi sự kiên trì nên bắt buộc bệnh nhân phải hợp tác với bác sĩ thì kết quả mới đạt như mong muốn".

Và những chia sẻ

Chị Cúc điều trị tại phòng khám Tuệ Tâm cho biết: "Tôi bị gai cột sống, dây thần kinh bị chèn nên đi lại khó khăn, đến đây đều bằng phương pháp bấm huyệt, châm cứu được một thời gian tôi thấy khá hơn rất nhiều. Hiện tại, tuy lưng còn đau nhưng so với trước thì bệnh của tôi đã bớt rất nhiều và đã đi lại bình thường đó là nhờ vào "sự mát tay" của y sĩ Hùng. Bác Hùng rất nhiệt tình, điều trị với thái độ nhẹ nhàng khiến tôi rất yên tâm về người thầy thuốc có tâm có đức này".

Không chỉ chị Cúc, nhiều cô bác lớn tuổi đến với phòng khám đều được chăm sóc tận tâm, nhiệt tình như là người thân, chỉ cần bệnh nhân kiên trì cùng với y bác sĩ thì bệnh sẽ thuyên giảm. Như chị Thông bị vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm đến phòng khám Tuệ Tâm và được điều trị bằng phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu. Bác sĩ cùng bệnh nhân kiên trì từng chút một trong suốt thời gian từ tháng 9-2010 đến nay. Hiện, bệnh đã giảm hẳn, chị Thông được đi lại bình thường. Hay như trường hợp của chị Như bị bệnh vảy nến, bệnh nổi lên từng dề, từng mảng đỏ khắp người rất khó chịu. Bệnh nhân được bác sĩ Đặng và y sĩ Ba tận tình điều trị bằng phương pháp uống thuốc, bấm huyệt và chiếu đèn hồng ngoại, qua bốn tháng điều trị, chị Như cũng đã giảm được 80% so với ban đầu và hiện tại đang tiếp tục được điều trị.

Một bệnh nhân cho biết, mỗi ngày tôi đến với phòng khám điều trị bệnh có cảm giác như ở nhà của mình, được y bác sĩ tận tình chia sẻ, tư vấn và chăm sóc chu đáo. Y sĩ Phan Văn Ba cho biết: "Tình cảm của y bác sĩ và bệnh nhân được như vậy là nhờ vào sự đồng cảm thật sự. Bản thân tôi trước đây cũng có hoàn cảnh khá khó khăn, gia đình ở quê có người từng bị bệnh. Người nghèo và bệnh tật là cái vòng lẩn quẩn khó thoát ra được nên khi đã là người thầy thuốc chúng tôi thật sự có những đồng cảm, chia sẻ và nhiệt huyết muốn chung tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo để họ có điều kiện được chăm sóc y tế".

Và đó cũng chính là phương châm của phòng khám để đến tận cùng với những chia sẻ từ trái tim đến trái tim. Không ngại khó khăn, thỉnh thoảng phòng khám Tuệ Tâm vẫn tiếp tục tổ chức những chuyến đi khám bệnh vùng sâu, vùng xa cùng chung tay góp sức chăm lo cho bệnh nhân nghèo và trải lòng mình để hiểu thêm về đời sống của những mảnh đời khốn khó.

Để nâng cao tay nghề và trao đổi học tập lẫn nhau, mỗi tuần phòng khám mời các bác sĩ, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm nói chuyện chuyên đề về các vấn đề điều trị, an toàn thực phẩm và sức khỏe: thực phẩm thông dụng có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sức khỏe bà mẹ trẻ em, ăn uống đúng cách cho người tiểu đường... Hoặc các đề tài ứng dụng trong chữa bệnh như: nghiên cứu Dịch y lý ứng dụng lâm sàng, tính quy luật trong Kinh Dịch ứng dụng vào đời sống, những nguyên lý cơ bản về âm dương ngũ hành ứng dụng trong Đông y…

Chị Thanh Loan cho biết: Chúng tôi làm việc này với mong muốn chia sẻ và gánh vác bớt sự mặc cảm cũng như gánh nặng chi phí điều trị bệnh với người khó khăn. Hiện nay, phòng khám Tuệ Tâm còn hạn chế về nguồn tài chánh nên chỉ kê toa cho bệnh nhân mà chưa hỗ trợ được thuốc điều trị. Nhưng, ước mong của phòng khám là sẽ sản xuất một số thuốc Đông y bổ trợ và thuốc điều trị thông dụng dưới dạng túi lọc để bệnh nhân nghèo giảm chi phí, gánh nặng giá thuốc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày