GN - Mùa lễ hội chỉ mới bắt đầu, nhưng qua các kênh truyền thông báo chí, chúng ta lại phải đọc - nghe nhiều hiện tượng xấu như ẩu đả để tranh giành các phẩm vật hiến cúng được cho là “lộc” - điều mang lại may mắn, hoặc tái hiện những hình thức hiến tế bạo lực được cho là duy trì văn hóa truyền thống…
Cướp lộc gây hỗn chiến ở lễ hội đền Gióng - Ảnh: Zing
Cũng trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, theo một thống kê chưa đầy đủ, có hàng ngàn người bị thương phải nhập viện vì ẩu đả nhau. Đó là chưa kể tới con số tai nạn giao thông thương tâm do nhiều nguyên nhân mà hậu quả khiến nhiều người tử vong và mang thương tật suốt đời.
Một số ý kiến cho rằng hiện tượng bạo lực đang ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đặc biệt là làm xấu đi văn hóa truyền thống dân tộc trong những sự kiện đề cao tinh thần hài hòa, giá trị thiêng liêng của đời sống như Tết nhất, trẩy hội mùa xuân…
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng người Việt ngày càng trở nên hung hãn, không kiểm soát được cảm xúc, dễ nổi nóng và gây hấn bất chấp hậu quả.
Rất nhiều ý kiến đã được báo chí đăng tải. Đó cũng chính là vấn đề được quan tâm trong câu chuyện của nhiều người, nhiều giới khi gặp gỡ đầu năm. Nhiều người đã tỏ ra lo lắng rằng với tình trạng đạo đức lối sống bị xuống cấp, lệch lạc như hiện nay, qua các hiện tượng bạo lực xảy ra đầu năm mới thì không biết xã hội chúng ta trong tương lai sẽ như thế nào.
Mà không lo lắng sao được khi muốn làm điều gì, muốn cổ xúy việc gì, người ta liền gán lên cho nó một nhãn hiệu đó là văn hóa truyền thống, bất chấp tính lịch sử, không suy tính cả đến hiệu ứng và ảnh hưởng tích cực như thế nào vào đời sống xã hội hiện tại.
Về mặt lý luận, từ năm 1990, nhận thức về tôn giáo đã có những đổi mới mang tính bước ngoặt qua Nghị quyết 24/NQ của Bộ Chính trị (tháng 10/1990). Theo đó, lần đầu tiên tôn giáo được thừa nhận là “nhu cầu của một bộ phận nhân dân”, “trong tôn giáo có nhiều giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chủ nghĩa xã hội”.
Gần đây, qua Mặt trận Tổ quốc VN, nhà nước cũng đã khuyến khích các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Nhìn lại Giáo hội Phật giáo VN, là một tổ chức thống nhất các hệ phái - tổ chức toàn quốc, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở quận/ huyện/ thị xã, kế thừa truyền thống gắn bó mật thiết với dân tộc hai ngàn năm, là biểu tượng cho đạo đức, một thành tố quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, chắc chắn không thể bàng quan với các hiện tượng như đã đề cập trên.
Chúng ta tự hào rằng đạo Phật là tôn giáo của đa số người dân, là tôn giáo truyền thống của dân tộc, vậy trước các hiện tượng xã hội đó, truyền thống “hộ quốc an dân” sẽ được Giáo hội thể hiện như thế nào trong việc hướng dẫn đời sống tâm linh của tín đồ theo tinh thần chánh tín, để góp phần vào việc cải thiện, phục hưng văn hóa dân tộc một cách đúng đắn. Đó cũng là tâm nguyện, ưu tư của nhiều trí thức Phật tử trong câu chuyện đầu xuân này.