Tâm Xuân thế giới Xuân

NSGN -  Tại sao tạp chí Time lại chọn “Người phản kháng” (protestors) là nhân vật của năm 2011? Chưa lúc nào con người trên thế giới này lại cảm thấy bất an, bất mãn, bất đồng và nhất là bất bình với cuộc sống quanh mình, với hệ thống pháp lý, kinh tế đang vận hành bấy lâu.

Bắt đầu năm 2011 với những cuộc biểu tình ở Tunisia vào ngày 18 tháng 12, biến thành một cuộc cách mạng tại Tunisia, sau vụ tự thiêu để phản đối tham nhũng và việc cảnh sát ngược đãi.

tamxuan.gif

Tâm xuân thế giới xuân

Mùa xuân Ả Rập và khủng hoảng thế giới

 Do những khó khăn tương tự trong khu vực và cuối cùng thành công trong cuộc biểu tình Tunisia, một chuỗi các tình trạng bất ổn đã bắt đầu mà đã được theo sau cuộc biểu tình tại Algeria, Jordan, Ai Cập và Yemen. Sau cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia, cuộc nội chiến Lybie với kết cục bi thương, rồi gần đây… ở châu Âu là hàng loạt cuộc biểu tình ở Anh, Ý, Hy Lạp.

Nhìn sang châu Mỹ, phong trào “chiếm phố Wall” đang lan rộng sang nhiều tiểu bang khác, chưa có dấu hiệu ngừng lại dù mùa xuân đang trên đường trở về. Không khí đón xuân đang nhộn nhịp trở lại nhưng lòng người vẫn ngổn ngang bao nỗi niềm trăn trở về hạnh phúc riêng và chung.

Theo nhà Phật thì xuân vốn không mùa, từ khi có vũ trụ thế giới đến nay, không năm tháng ngày giờ nào không là xuân. Trong kinh Phật dạy: “Một sắc một hương đều là xuân ý, một hạt cải hay vi trần toàn là pháp thân” vì “Nếu chúng sinh giác ngộ thì mười phương thế giới thảy đều tiêu mất”. Điều đó có nghĩa là khi nào “không còn vạn vật thì mới không còn xuân, không chúng sinh mới là không Phật hóa” (HT.Thích Mật Thể).

Thế giới chúng ta xưa kia vốn an lành, chỉ vì chúng ta không nhận ra bản thể chân tâm, sanh ra vọng tưởng chấp trước, khởi lên ngọn lửa tham sân si, biến thế giới quay cuồng theo tham vọng cá nhân, tôn giáo, chủ nghĩa, đảng phái, quốc gia của riêng mình.

Thế nên mới đưa đến tình trạng căng thẳng vì khủng hoảng tài chính, nợ công vượt khả năng chi trả, vì phải chi quá nhiều tiền để nuôi bộ máy “cai trị”, hành chính công, rồi trang bị vũ khí trong cuộc chạy đua ngày một khốc liệt, khiến nhân loại điêu linh, viễn cảnh cuộc sống đa số nhân dân trở nên mịt mờ, với nhiều bất trắc. Còn ai quan tâm đến một lối thoát, một con đường văn hóa và tâm linh cho tương lai... để tìm lại “bình an dưới thế” (peace on earth) cho loài người?

Dấu hỏi trước mùa Xuân Việt

Trở lại với mùa xuân Việt, chúng ta cũng không tránh khỏi sự khủng hoảng chung toàn cầu. Ở một vài phương diện, tình trạng chúng ta thậm chí còn tệ hơn, như lãnh vực tài chính, như về mặt an sinh xã hội, giáo dục… Liệu chúng ta có thể ca tụng “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả / Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn/… Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ/ Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn” (Chế Lan Viên) khi đọc qua một vài số liệu như tình hình trộm cướp… “như rươi” (chữ dùng của báo NLĐ), tai nạn giao thông tăng vọt, tình trạng quá tải ở bệnh viện, như Bệnh viện K ở Hà Nội là 7 người/giường? Thống kê cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh tại một số bệnh viện quá tải so với số giường bệnh thực tế.

Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), công suất sử dụng giường bệnh tại các khoa là 181%-192%, tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM là 230%-237%. Xuất phát từ tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp và quá chật chội, tần suất làm việc quá sức của bác sĩ và điều dưỡng, nên người bệnh Việt Nam không được hưởng cái quyền tối thiểu nhất, đó là quyền được khám bệnh và chăm sóc chu đáo. Liệu mùa Xuân có về trong những doanh nghiệp phá sản hay những nhà máy làm ăn thua lỗ? Kinh tế suy thoái có phải là nguyên nhân của những tệ nạn xã hội, của bao nhiêu thứ “tặc” trong đời sống chúng ta hiện nay?

Vậy thì chúng ta hy vọng gì khi mùa Xuân về với bao lo toan bộn bề như thế? Người Đông phương luôn nhìn nhận cuộc đời chuyển dịch luân lưu với hình ảnh dòng nước thời gian qua ba thì hiện tại, quá khứ, tương lai với những thăng trầm vinh nhục..., như một nhà Nho ngày xưa từng viết:

“Số khá bĩ rồi thời lại thái
Cơ thường đông hết hẳn sang xuân
”.
(Nguyễn Công Trứ)

Chúng ta hãy nhớ lời từ trong Kinh dịch về quẻ Bĩ: “Bĩ chi phỉ nhạn bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai”. (Thời bế tắc trên dưới mâu thuẫn, thiên hạ bất mãn. Tình thế bất lợi bất an, quân tử nên ở ẩn, tuy nhiên nên giữ lòng chính bền, chờ thời cơ hành động). Vì ở Hào 5: “Hưu bĩ, đại nhân cát. Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang”. (Bậc trượng phu có khả năng chuyển Bĩ thành Thái, khai thông bế tắc, ắt thiên hạ được nhờ), hay như Hào 6: “Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hỷ”. (Chuyển được thời thế từ Bĩ qua Thái, trước bế tắc, sau hanh thông).

Đấy chính là tinh thần của “Nhất chi mai” khi Thiền sư Mãn Giác viết:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
.
(Cáo tật thị chúng)

Tinh thần thiền lạc ấy thấm nhuần trong văn hóa Việt Nam, tạo nên sức nội sinh mạnh mẽ trong lòng dân tộc giúp chúng ta vươn lên, đánh đuổi giặc thù, bảo tồn không chỉ bờ cõi mà cả văn hóa dân tộc, không bị đồng hóa trở thành thuộc địa của Hán triều. Nhưng muốn phục hồi tinh thần ấy, phải trả lại cho người dân với tư cách là chủ thể trong việc xây dựng kinh tế, bảo tồn và làm giàu giá trị văn hóa. Muốn như thế chúng ta phải tin tưởng rằng cần phải có một xã hội lành mạnh với 3 tiêu chuẩn cơ bản:

- Thực hiện được tăng trưởng kinh tế bền vững.
- Đảm bảo chất lượng sống của người dân qua các mặt y tế, giáo dục, an sinh và an toàn xã hội, bình đẳng giới…
- Có nền tảng văn hóa tinh thần lành mạnh.

Một số nhà tư tưởng cho rằng, giữa thời đại tồn tại những tâm thức phá hoại, chỉ có văn hóa Phật giáo mới đủ phương tiện, phương pháp kiến thiết lại đời sống, cải tạo từ tâm đến chỗ thiện mỹ. Tâm chúng sinh càng tham sân, ích kỷ chừng nào thì nguy cơ xảy ra chiến tranh, bạo loạn, tai họa càng dễ có nguy cơ xảy ra chừng nấy.

Tìm lại tâm Xuân

Phần trên là công việc, là nhiệm vụ của những nhà lãnh đạo: Tìm và kiến tạo mùa Xuân thường hằng cho nhân dân. Về phương diện cá nhân, người ta hối hả, nô nức tìm cái xuân bên ngoài mà quên hẳn mùa Xuân bên trong. Phần đông trong chúng ta khi nghĩ đến mùa Xuân là nghĩ ngay đến những ngày ăn uống no say, chen chúc chợ búa, những chuyến xe nhồi nhét khách du lịch, hay vật vã ở những khu vui chơi, mà ít ai bình tâm ngồi lại xem mình sử dụng những ngày xuân ra sao sau một năm làm việc mệt mỏi với chất ngất lo toan, phiền muộn?

Nói theo ngôn ngữ thiền thì: Chim kêu hoa nở đều là chân lý; rặng tre xanh, đóa hồng là toàn lộ thể pháp vương.

Một Thiền sư đã viết :

Chim kêu oanh gọi xuân còn mãi
Liễu lục hoa hồng sắc là không
.

Hay chàng thi sĩ rong chơi bốn mùa như Bùi Giáng có lần ngồi lại đã tâm sự:

Ngồi đây một bận với ta thôi
Ủ lại xuân phơi giữa bốn trời
Gió có dặt dìu lời thủ thỉ
Ngàn trùng soi bóng nước chơi vơi.

Xuân đã ướt bao giờ mà “phơi” lại, vì Xuân luôn ngự trị trong lòng ta khi biết sống trong chánh niệm, với “hiện pháp lạc trú”. Con người mải chạy theo thời gian, theo “giả tướng” bốn mùa mà quên rằng Đạo là hoa nở, bướm về. Như Ryokan đã có lần viết:

Vô tâm hoa mời bướm
vô niệm bướm thăm hoa
hoa nở thì bướm đến
bướm về thì khai hoa…


Chúng ta nên biết rằng Ryokan không hề là một ẩn sĩ. Ông rời am xuống làng để chơi đùa với trẻ con, thăm bạn, uống saké với nông dân. Ông không bao giờ thuyết pháp vì ông là hiện thân của pháp, luôn hò hẹn với hiện tại.
Hay nói theo ngôn ngữ Bùi Giáng thì:


Trong linh hồn một bông hoa
Hình như có cõi người ta đàng hoàng
.


Mùa Xuân tượng trưng cho cái đẹp mà “dường như cái đẹp nào cũng cần thiết cả, vì nếu chúng ta không thấy được cái đẹp trong cõi thế hữu hạn này thì sẽ chẳng bao giờ ta thấy được giá trị của cái đẹp thiên thu vĩnh cửu cả” (Thích Phước An).


Chính vì thấy cái đẹp của mùa Xuân trong tâm mình nên các đạo sĩ yoga dù sống trên núi cao, mình trần hay áo mỏng vẫn tràn đầy niềm vui thiền lạc, vì mùa Xuân không chỉ là những ngày đầu Giêng mà có thể bất cứ ngày nào khi lòng ta hạnh phúc.


Nói theo nhà Phật “Tâm bình thế giới bình” thì chúng ta hãy nhủ “Tâm xuân thế giới xuân!”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày