Tản mạn giao thừa

Tản mạn giao thừa

Giao thừa hay còn gọi là “tống cựu nghinh tân”, nghĩa là tiễn cái cũ đi và đón cái mới đến. Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian Việt Nam , đây là thời khắc chuyển giao công tác giữa các vị thánh thần đã hoàn thành trách nhiệm với trần thế và những vị mới đến nhận nhiệm sở. Trong ý nghĩa mang tính tâm lý, điều mà mọi người muốn “tống cựu” trong giờ phút thiêng liêng và trang trọng này là khó khăn, mất mát, thất bại, khổ đau…; và điều được mọi người náo nức “nghinh tân” là vui vẻ, may mắn, hỷ lạc, cát tường. Vì vậy, vào thời điểm này, ở mọi ngõ ngách của cuộc sống, ta luôn bắt gặp những nụ cười đầy hoan hỷ và nghe được vô số lời chúc tụng cao thượng, tốt đẹp.

Rõ ràng, trong thời gian và không gian thật sự ý nghĩa của đêm giao thừa, người ta mong ước mọi gian truân, khó nhọc, khổ đau của năm cũ sẽ trôi đi như những cánh hoa tàn rơi rụng trong cái lạnh của mùa đông, và hân hoan chờ đợi cái khoảnh khắc “trăm hoa cười” của một năm mới đang đến với tràn đầy ước mong và hy vọng mới. Tuy nhiên, theo Thiền sư Mãn Giác:          

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười…”. (1) 

Nghĩa là hoa có nở thì hoa mới tàn! Xuân có đi thì xuân mới đến! Vậy thì chính do hoa tàn mà ta có được cơ hội để cảm nhận được cái thời khắc diệu kỳ của tâm thư thái, khinh an khi ngắm nụ hoa cười. Xuân có đi thì ta mới thấy quý trọng thời khắc xuân đến. Nói khác đi, chính khổ đau sẽ giúp ta trân quý những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi như “cái cảm xúc nhẹ nhàng, thanh thoát và ngập tràn niềm vui” mà mọi người cảm nhận được trong giờ phút trời đất giao hòa của lễ giao thừa. Từ kinh nghiệm này, ta cần phải trân trọng mọi cảm thọ an lạc mà ta có được trong từng thời điểm của cuộc sống, bởi vì những cảm giác quý báu ấy không dễ gì có được, không phải sẽ mãi mãi tồn tại với ta, mà sẽ biến hoại theo quy luật vô thường. Ta cần trân trọng cái khoảnh khắc an bình nội tại ấy, bởi vì trong cuộc sống thường nhật ta thường cảm nghiệm quá nhiều vị đắng, thất bại, sầu bi; cuộc sống của ta luôn bị chao đảo, ngả nghiêng bởi ngọn gió “tài, danh, sắc, thực, thùy” do ái dục chi phối và điều động. Có thể nói rằng ai sống như thế là đã đạt được huyền nghĩa “hiện tại lạc trú” mà kinh Phật thường dạy.

Vả lại, điều mà mọi người thầm khấn nguyện, mong ước trong lễ giao thừa là một cuộc sống an bình, thịnh vượng, mưa thuận, gió hòa trong ngày mai. Trong đôi mắt của cõi thiền, những ước mơ cao đẹp ấy sẽ không bao giờ có được, nếu như chúng ta chưa lắng nghe được “điều nàng xuân muốn nói”, chưa liễu hội được cái “ý xuân” mà Thiền sư Mãn Giác đã nhắn gởi:           

… Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai”. (1)

vientri-1.gif

Ảnh Giác Thông

Khi cái thấy biết này (còn gọi là chánh kiến) có mặt, người ta sẽ ngộ ra rằng hoa không chỉ nở rộ khi xuân đến, hoa không hoàn toàn héo úa khi xuân đi, mà hương vị hạnh phúc luôn hiện hữu trong mọi bước đi của hành giả. Chính cái thấy biết này sẽ giúp người ta không quá ưu phiền trước thất bại, không quá hân hoan trước thành công, vì sự thất bại chính là kinh nghiệm xương máu, và bài học thực tế để ta biết trân trọng những thành tựu mà ta có được ngay bây giờ và tại đây. Khi nào nhận chân được sự thật có vẻ đơn giản nhưng vô cùng quan trọng này, ta sẽ bước vào đời với một thái độ lạc quan, tự tin, yêu mình và yêu đời. Đây cũng chính là kinh nghiệm làm xoay chuyển cái nhìn về cuộc đời và thế giới của vua Trần Nhân Tông:

Thuở nhỏ chưa từng liễu sắc không

Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng

Diện mục xuân nay từng khám phá

Thiền tọa an nhiên ngắm  rụng hồng” (1)

Khi chưa hiểu được lý “sắc sắc, không không, vô thường” của vạn pháp, chàng thanh niên trẻ Trần Khâm (2), với cõi lòng tràn sức sống, đã quay cuồng và bị nhận chìm trong cái thế giới màu sắc và âm thanh khi mùa xuân đến. Nhưng khi liễu ngộ được sự nhiệm mầu “thật thật hư hư”, tức khám phá được “chân diện của Nàng Xuân”, Hương Vân Đầu Đà (3) thanh thoát, khoan thai ngồi ngắm sự vận hành của đất trời. Vì ngài như thật biết rằng giữa thế giới sinh sinh diệt diệt không ngừng luôn hiện hữu một bông hoa tươi thắm; trong tấm thân ngũ uẩn bị chi phối bởi quy luật sanh già bịnh chết vẫn luôn hiện hành một chủng tử vô sanh. Chính nhờ tỏ ngộ cái “xuân ý” này mà Trần Nhân Tông đã trở thành một đấng minh quân giữa cảnh đời xa hoa tráng lệ, một bậc thánh nhân giữa cuộc đời trần thế, và một thiền sư bất tử của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Vậy, để có thể đón chào một năm mới với một tâm thức an bình tự tại, mỗi một chúng ta hãy quay trở về nội tâm, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ có sẵn trong mình để ngộ ra cái “ý xuân” vi diệu này trong giờ phút thiêng liêng của lễ giao thừa. Có như vậy, ta mới có thể thanh thản bước vào đời với một cái nhìn tự tại, vô úy giữa sự có không, được mất, vinh nhục của cõi thế vô thường này.

Thiền thất Từ Mãn Cuối Đông-2008

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tinh thần nhập thế, phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật - Ảnh: Minh Lộc/BGN

Giúp nhau đi qua những ngày nắng hạn

GNO - Trong những ngày tháng Tư này, tình hình hạn hán gay gắt, hạn mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và vùng ngọt hóa Gò Công nói riêng đã gây nên tình trạng nhiều nơi thiếu nước để sinh hoạt trầm trọng, đời sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

Thông tin hàng ngày