Tản mạn về những điều tưởng nhỏ

Đạo của người quân tử ví như đi xa thì bắt đầu từ chỗ gần; ví như lên cao thì bắt đầu từ chỗ thấp(1).

NSGN - Con người thường có khuynh hướng vươn đến những điều cao xa, như một cách để khẳng định mình, hoặc để thực hiện những điều hoài bão. Nhưng khi không có đủ một căn cơ trí tuệ để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo thì những lý tưởng cao xa dễ biến thành hoang tưởng. 

untitled.png

Đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng, con người hễ càng tầm thường thì khi có được một phát kiến mới đều luôn cho rằng đó là những gì kinh thiên động địa, long trời lở đất, rung chuyển càn khôn. Có những triết gia vạch ra những chương trình cải tạo cả nhân loại, tưởng rằng sẽ dựng nên lịch sử, thay đổi cả thế giới, song cuối cùng những “tư tưởng trác việt” đó cũng chỉ lặng lẽ nằm yên trên một kệ sách nào đó trong thư viện. Một thanh niên ở lứa tuổi hai mươi, khi đang say sưa với bầu nhiệt huyết, có thể vạch ra những chương trình hành động mà đến hai mươi thiên niên kỷ chưa chắc con người đã thực hiện nổi. Ấy vậy mà người đời lại cho đó là những “công trình hoành tráng” của những thiên tài vĩ đại! Lịch sử đâu thiếu những kẻ ôm hoài bão vĩ đại “đội đá vá trời” muốn biến nhân loại thành anh hùng, thành vĩ nhân trước khi tìm được những “phương tiện thiện xảo” để giúp họ sống như một con người. Thực tiễn chứng minh những hoài bão đó đôi khi chỉ đem tang tóc đến cho nhân loại, hơn là ơn ích, và hậu quả là cảnh đổ vỡ tan hoang của cuộc sống thiêng liêng trước tiếng cười nhạo đầy mỉa mai của một thực tại lạnh lùng. Đó là điều rất bình thường, do không hiểu được những cái tưởng là rất nhỏ.

Nhà sử học Durant có những nhận xét rất hóm hỉnh mà thâm trầm về những con ếch mà cứ muốn làm con bò, trong lịch sử. Chẳng hạn ông vua Vikramaditya cai trị Chalyukan trong nửa thế kỷ (1076-1126) quá thành công trên chiến trường, đến mức đề nghị (như triết gia Nietzche) tạo một kỷ nguyên mới, phân chia toàn bộ lịch sử thành hai giai đoạn: giai đoạn trước Vikramaditya và giai đoạn sau Vikramaditya. Ông tưởng rằng mình sẽ thành một vĩ nhân của thế giới, thế nhưng lịch sử - vốn luôn công bình và trung thực - đã trả ông về giá trị thực sự, nên ngày nay tên ông chỉ còn nằm trong một cước chú ở cuối trang ở bộ sách sử(2).

Đời sống vẫn trôi theo một dòng chảy lạ lùng bất khả tư nghì, bên ngoài mọi dự liệu toan tính của con người, kể cả những vĩ nhân; chỉ những bậc thiên tài vô thượng như Đức Phật hay Khổng Tử mới có thể nhìn thấu đáo hết mọi ngọn ngành dâu bể, và thấy những khả năng cũng như những hạn chế tất yếu của con người. Chỉ các vị đó mới thấy hết được những khả tính vô hạn tiềm ẩn trong những điều tưởng chừng rất bình dị, rất nhỏ của đời thường. Câu nói “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” hẳn phải được thốt ra từ một cảnh giới thù thắng bất khả tư nghì của một bậc Đại giác khi quán tưởng thấu triệt căn cơ của chúng sinh, chứ không phải là câu nói bình thường, mà chúng ta thường lặp đi lặp lại một cách dễ dãi. Những lời dạy của Đức Phật trong các kinh Nikaya nghe ra rất bình dị, nhưng chỉ có những bậc Bồ-tát thượng thừa thù thắng đời sau mới thấy được giáo nghĩa huyền mật trong những trang kinh đơn giản đó, để rồi khoáng diễn thành kho tàng tư tưởng Đại thừa vĩ đại. Đó là cái lớn ẩn tàng trong cái nhỏ.

Cùng đích của Đức Khổng Tử là dạy con người về đức Nhân để hợp nhất cùng thiên địa, nhưng ngài biết căn cơ con người vốn thô lậu nên trước hết phải dạy con người chữ Hiếu để làm phương tiện đưa đến Nhân. Đó cũng là một loại “phương tiện thiện xảo” của Khổng giáo. Phải thực sự yêu kính cha mẹ thì mới có thể tôn trọng, thương yêu  được người khác.  Làm sao con người có thể sống cho nhân quần xã hội, nếu họ không thực sự yêu kính cha mẹ? Người ta cứ tưởng rằng phải yêu cả nhân loại thì mới vĩ đại hơn là yêu cha mẹ. Họ không hề hiểu rằng yêu con người trừu tượng dễ bao nhiêu thì yêu con người cụ thể càng khó bấy nhiêu. Vì con người trừu tượng đó chỉ là khái niệm. Yêu cả nhân loại ư? Quá dễ! Vì “nhân loại” chẳng là ai cả. Cả trăm “nhân loại” như vậy, ta yêu cũng rất dễ dàng. Yêu thương một con người cụ thể như quý ông hàng xóm, thương mến bạn bè, trọng bậc tôn trưởng, kính yêu cha mẹ v.v... điều đó mới khó. Yêu thương cả nhân loại có nghĩa là chẳng yêu thương một ai cả. Người phương Tây có câu ngạn ngữ “Everything means nothing” (Tất cả nghĩa là không có gì cả) là vậy. Ấy thế mà con người vẫn cứ luôn ca ngợi những điều to tát hão huyền đó mà quên đi những điều tưởng nhỏ.

 Mấy ngàn năm qua, đạo Hiếu đã tạo nên nền tảng vững chắc và ổn định cho cả thế giới Viễn Đông. Đến khi chữ Hiếu bị chà đạp bởi những cơn bão táp của lịch sử thì toàn bộ nền đạo lý cũng sụp đổ theo. Ở nước Nhật, Nữ hoàng Koken, vào thế kỷ thứ 8, hạ lệnh nhà nào cũng phải có một cuốn Hiếu kinh,(3) và yêu cầu mọi nho sinh đều phải thông thạo, lấy đó là nền tảng đạo lý để làm người. Trước khi văn minh phương Tây đem tư tưởng tự do cá nhân truyền đến thì đạo Hiếu hầu như là nền tảng tạo nên toàn bộ chuẩn mực đạo lý mọi tầng lớp dân chúng miền Viễn Đông.

Nền tảng của một quốc gia là giáo dục. Đó là nền tảng của mọi nền tảng. Người Trung Quốc quả là thâm thúy khi trong chữ giáo 教 có chữ hiếu 孝; muốn dạy được người thì trước hết mình phải là người giữ được đạo Hiếu. Không có chữ Hiếu, và không thực hiện được đạo Hiếu thì con người dễ mất phương hướng, hoặc sẽ đắm chìm trong danh lợi, hoặc sẽ trôi lạc trong cái biển lý tưởng hão huyền. Những ai ôm hoài bão muốn phục vụ cho xã hội loài người, muốn khẳng định mình bằng những lý tưởng cao xa thì đó là điều đáng trân trọng; nhưng trước hết họ hãy tự hỏi lại mình đã giữ được trọn đạo Hiếu chưa? Nếu có thì đó là thắng duyên tốt đẹp; nếu chưa thì mọi lý tưởng cao xa đề ra chỉ là trò lừa gạt của khái niệm, và sự rỗng tuếch của danh từ. Muốn vươn tới cái cao xa mà bỏ qua cái gần kề, muốn đi xa mà không bắt đầu từ chỗ gần, muốn lên cao mà không bắt đầu từ chỗ thấp, điều đó chỉ chứng tỏ sự nông cạn trong tư duy, và hời hợt về tâm lý. Như cậu học trò trường làng học chưa thông Tam tự kinh mà đã lo ôm khăn gói lên tận kinh đô để dự cuộc thi đình!

Mùa Vu lan 2013

 Chú thich

(1) Quân tử chi đạo, thí như hành viễn, tất tự nhĩ; thí như đăng cao, tất tự ty. 君 子 之 道, 辟 如 行 遠, 必 自 邇; 辟 如 登 高, 必 自 卑. (Trung Dung, XV).

(2) Vikramaditya, who ruled the Chalyukans for halfa century (1076-1126), was so successful in war that (like Nietzsche) he proposed to found a new chronological era, dividing all history into before him and after him. Today he is a footnote. (W. Durant, Our Oriental Heritage, NXB. Simon and Schuster, 1954, p.457).

(3) Hiếu kinh là một tác phẩm kinh điển của Khổng giáo, nội dung bàn về đạo hiếu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày