Tản mạn về rắn từ Đông sang Tây

GN - Rắn là loài bò sát thân dài, không chân, có thể phân biệt với các loài thằn lằn không chân khác do không có mi mắt và tai ngoài. Giống như tất cả các loài có vảy khác, rắn thuộc loài máu lạnh, động vật xương sống có màng ối, toàn thân bao phủ bởi vảy chồng lên nhau.

Nhiều loài rắn có xương sọ với nhiều khớp nối hơn tổ tiên thằn lằn, cho phép chúng nuốt chửng con mồi lớn hơn đầu chúng nhiều nhờ hàm di động hết sức cao. Để hợp với thân hình hẹp, những cơ quan nội tạng kép (như thận) lại đứng trước nhau thay vì hai bên và hầu hết rắn chỉ có một lá phổi.

snake.jpg

Loài rắn sinh sống khắp các châu lục - Ảnh minh họa

Rắn sinh sống tại khắp các châu lục - trừ Nam Cực - trong Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và trên hầu hết hòn đảo nhỏ - trừ một số đảo lớn như Ireland và New Zealand, và nhiều đảo nhỏ ở Đại Tây Dương và trung tâm Thái Bình Dương.

Hiện đã nhận biết hơn 20 gia đình họ rắn, gồm khoảng 500 chi và khoảng 3.400 chủng loại. Chúng bao gồm từ những con rắn nhỏ nhất dài 10cm đến loài trăn mắt lưới và trăn Anaconda dài tới gần 10m. Trung bình rắn dài từ 1m đến 1,2m.

Hầu hết rắn không độc và những con có nọc độc chủ yếu dùng nọc độc để giết hoặc làm tê liệt con mồi hơn là tự vệ. Một số có nọc độc đủ gây vết thương nặng hay chết người. Rắn không có nọc độc nuốt chửng con mồi đang sống hoặc giết chết bằng cách quấn thân mình siết chặt.

Tất cả các loài rắn đều ăn thịt. Chúng có thể ăn cả những con rắn khác và những động vật có vú, động vật nhỏ như thằn lằn, chim, trứng các loài khác hay sâu bọ.

Trong lịch sử Ai Cập, rắn chiếm một vai trò chính như rắn mang bành sông Nile trang trí trên vương miện của Pharaoh thời xưa. Nó được tôn thờ như một vị thần và cũng được dùng cho những mục tiêu xấu: ám sát đối thủ và là nghi thức tự vẫn.

Trong huyền thoại Hy Lạp, rắn thường được gắn với những đối kháng chết chóc và nguy hiểm, nhưng không hẳn mang nghĩa là biểu tượng của xấu xa; thực tế, rắn là một biểu tượng của cõi âm, dịch ra gần tương đương với “có đất bao quanh”. Rắn 9 đầu Lernaean Hydra và ba chị em nhà Gorgon mà Hercules đánh bại đều là con của Gaia - Đất. Medusa, với cái đầu toàn rắn thay vì tóc và có khả năng biến người khác thành đá khi nhìn mình, là một trong ba chị em Gorgon bị Perseus giết chết. Những vị thần Titan khổng lồ được miêu tả chân là rắn với cùng lý do: họ là con của Gaia và Uranos nên gắn với đất.

Truyền thuyết về sự hình thành của Thebes có nhắc đến một quái xà canh gác con suối, nơi những người mới tới đến lấy nước. Trong cuộc chiến giết chết quái xà, tất cả những người sáng lập Cadmus đều hy sinh - từ đó có từ “chiến thắng Cadmean” nghĩa là một chiến thắng mà những người thắng cuộc cũng đều chết sạch.

Trong y khoa, Bowl of Hygieia (chén của Hygieia) là một trong những biểu tượng của khoa Dược, Hygieia là nữ thần Hy Lạp về vệ sinh, con gái của Aesculapius - thần chữa bệnh và y khoa. Biểu tượng của Aesculapius là chiếc gậy, với con rắn quấn quanh; còn biểu tượng của Hygieia là chiếc ly với con rắn quấn quanh chân ly và nhả nọc độc vô ly.

Các biểu tượng trên được chính thức sử dụng ít nhất là từ 1796, và tiếp tục đến ngày nay, gắn với thuốc men và y học, thường bị gắn lẫn lộn với thần Hermes.

Ấn Độ thường được gọi là vùng đất của rắn và có truyền thống sâu xa gắn với rắn. Rắn nay còn được nhiều người tôn thờ như thần linh, với nhiều phụ nữ đổ sữa vào hang rắn (mặc dù rắn ghét sữa). Rắn mang bành được nhìn thấy trên cổ thần Shiva và thần Vishnu thường được miêu tả ngủ trên mình con rắn 7 đầu. Cũng có một số đền thờ ở Ấn Độ chỉ thờ rắn mang bành, và rắn được coi là biểu tượng của khả năng sinh sản. Có một lễ hội Hindu mang tên Nag Panchami được tổ chức hàng năm để tôn vinh rắn và cầu nguyện.

Rắn là một trong 12 con giáp của Trung Hoa, theo âm lịch. Ai sinh vào năm con rắn mang tuổi Tỵ.

Với đạo Thiên Chúa, rắn thường được coi tượng trưng cho âm mưu xấu xa và quỷ quyệt. Trong kinh thánh Cựu ước, một con rắn trong vườn Địa Đàng đã xúi bẫy Eve và Adam ăn trái cấm khiến họ bị đuổi khỏi vườn. Kinh Khải huyền còn viết rắn là biểu tượng cho quỷ Satan.

Hình tượng rắn Naga, tức rắn hổ mang, hiện diện trong văn hóa Khmer có lẽ từ trước khi văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất này vì người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn.

Truyền thuyết lập quốc gia của người Khmer kể rằng, Kaudinya - một người Bà-la-môn, đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khmer, chiến thắng một công chúa tên Soma (hoặc Nagini), con của vua rắn Naga, rồi lấy người này làm vợ và sinh ra dòng dõi các vị vua Khmer. Người Khmer, người Chăm và hầu hết các tộc người chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đều có truyền thuyết lập quốc gần tương tự.

Vào thế kỷ XIV, tại Thái Lan vị vua đầu tiên của triều đại Sukhothai đã hợp thức hóa việc lên ngôi của mình cũng bằng cách tự cho mình thuộc dòng dõi của một thủ lĩnh Thái và Nagini - nàng tiên rắn.

Buddha_Park_Nagas.JPG

Rắn thần Naga và Đức Phật

Trong các ngôi đền cổ, các kiến trúc sư Khmer luôn xây dựng nhiều chiếc cầu vồng có hình rắn Naga vì nó tượng trưng cho chiếc cầu nối liền giữa cõi trần gian và thiên giới. Rắn Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu nằm trải dài dưới chân những ngôi đền núi (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh).

Phật thoại đã mô tả cuộc đời của Đức Phật từ khi Ngài mới đản sinh đến khi nhập Niết-bàn đều có liên quan ít nhiều đến rắn Naga.

Câu chuyện khởi đầu khi hoàng hậu Maya hạ sinh Ngài tại vườn Lâm Tỳ Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được một vua rắn Naga (rồng) chín đầu phun nước tắm.

Phật thoại ghi lại rằng khi Ngài đang tọa thiền dưới cội bồ-đề thì một cơn mưa trái mùa dội xuống thân thể Ngài, đúng lúc đó một vua rắn Naga bò ra khỏi nơi trú ẩn, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc tán che chở cho Ngài.

Hình tượng rắn Naga bảo vệ cho Đức Phật tọa thiền là đề tài quen thuộc trong Phật giáo Nam tông của người Khmer nói riêng và văn hóa Phật giáo nói chung. Tương tự motip đó, trong chuyện thần thoại của đạo Hindu có câu chuyện “Giấc ngủ sáng tạo của thần Vishnu”, dưới một cái tên khác là thần Narayana (một trong những hóa thân của thần Vishnu).

Vishnu là vị thần Bảo tồn, nhưng ngài không chỉ bảo vệ thế giới mà còn hủy diệt nó. Trong một chu kỳ thời gian của vũ trụ, ngài hủy diệt thế giới bằng sức nóng kinh khủng, khiến thế giới chìm vào vũ trụ mênh mông, rồi từ đó ngài lại tái sinh ra nó.

Câu chuyện “Giấc ngủ sáng tạo của thần Vishnu” được thể hiện bằng hình tượng thần Narayana chìm trong giấc ngủ theo tư thế nằm nghiêng, xuôi thân theo chiều dài của con rắn Naga hay Shesa (còn gọi bằng tên khác là Ananta nghĩa là Bất tận). Ananta - Shesa cuộn thân hình của nó lại như một chiếc thuyền khổng lồ trôi bồng bềnh trên “Biển sữa” mênh mông và vươn những chiếc đầu của nó ra như một mái vòm che cho thần Narayana.

Trong các ngôi chùa Khmer, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và hộ trì Tam bảo. Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày