Tặng một vầng trăng

Kẻ trộm, trộm vặt của người trong xóm làng, ai sơ hở vật gì thì lập tức mất ngay, âu đó cũng là chuyện thường trong thời đói kém, túng quẫn và đạo đức con người, xã hội xuống cấp. Thế nhưng, đột nhập đền chùa miếu mạo, trộm của “thánh thần”, chẳng hề kiêng sợ, không chút bận tâm thì chỉ có trong thời loạn, ấy vậy mà việc này cũng thường xảy ra…

Thien su Ryokan-TANG MOT VANG TRANG.jpg

Thiền sư Ryokan

Sách 101 câu chuyện Thiền kể rằng: “Ryokan, vị thiền sư sống cuộc đời hết sức giản đơn trong một thảo am ở dưới chân núi. Một đêm, có kẻ đạo chích đột nhập thảo am nhưng nhìn quanh chẳng có gì đáng lấy cả. Vừa lúc Ryokan trở về, bắt gặp kẻ trộm.

- Có lẽ ngươi từ xa xôi đến thăm ta, ngài nói với hắn, vậy không nên về tay không. Hãy cầm lấy áo choàng của ta như là một chút quà mọn.

Kẻ trộm sững sốt. Hắn vơ tấm áo và chuồn ngay.

Ryokan mình trần ngồi ngắm trăng.

Thiệt đáng thương! Ngài trầm ngâm: Ước gì ta có thể tặng cho hắn vầng trăng tuyệt đẹp này”.

Thường thì “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng không phải bất cứ ai bần cùng đều trở thành đạo tặc cả. Không hiếm người hiện khấm khá, giàu sang từng là kẻ tay trắng, đi lên từ một quá khứ cơ hàn. Vấn đề là làm thế nào để thức tỉnh và chuyển hóa họ trở thành người tốt.

Cố nhiên hành vi trộm cắp là xấu nhưng người trộm cắp chưa hẵn đã là người xấu. Chính thái độ và hành xử của chúng ta đã góp phần xô đẩy những ai trót dại lỡ lầm dấn sâu vào con đường tội tỗi hay đánh thức lương tri, giúp họ hoàn lương. Tâm con người như vầng trăng sáng, những thói hư tật xấu của họ là những đám mây, chợt ẩn chợt hiện che lấp mặt trăng. Đây là mấu chốt của niềm tin vào sự phục thiện của con người.

Do đó, đối với người xấu cần tránh xa, cảnh giác hay khinh ghét, tẩy chay họ hoặc cứng rắn hơn, nghiêm trị theo pháp luật là điều cần nhưng chưa đủ. Bởi thực tế cho thấy, nhà nhà đều kín cổng cao tường, nơi nơi đều có bảo vệ và nhà tù không bao giờ vắng người, vậy mà tệ nạn xã hội vẫn cứ hoành hành.

Vậy thì, thay vì cố nắm giữ chúng ta thử buông bớt ra! Hãy cho những ai còn thiếu một phần nhỏ của những gì mình đang có; không chỉ tài sản, tiền bạc, thực phẩm mà cả tình thương, sự hiểu biết và tha thứ, cảm thông… để thấy và cảm nhận được sự chuyển hóa nhiệm mầu.

Như Ryokan, một sơn tăng nghèo hèn, thậm chí nghèo hơn cả kẻ trộm. Ấy vậy mà khi bắt được quả tang tên trộm, vị thiền sư hồn nhiên như gặp bạn, lại còn tặng quà. Chiếc áo choàng dù tơi tả dùng để che gió sương nhưng đó là cả một gia tài lớn đối với ngài. Để rồi, khi ngồi mình trần trong đêm lạnh, nhìn ánh trăng sáng mà tâm hồn ấm áp, Ryokan ao ước tặng cho người bạn “trộm” mới gặp kia luôn cả vầng trăng.

Dẫu Ryokan không thể làm được gì với vầng trăng trên trời nhưng chắc chắn sẽ khiến cho vầng trăng lương tâm của người bạn “trộm” tỏa sáng. Và khi tất cả chúng ta “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, dù chỉ “để gió cuốn đi” nhưng làn gió kia sẽ cuốn phăng những đám mây u ám, vụng dại, lỡ lầm để cho vầng trăng tâm luôn ngời sáng.

Một tấm lòng! Rất cần cho tôi, cho bạn và mọi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày