Thế nhưng, con đường ấy có lúc chẳng bằng phẳng, nhiều TNS không có người quen ở các tự viện thành phố đành tự chọn "bươn" bằng giải pháp ở nhà trọ hoặc nhà Phật tử để làm chốn học tập và đi về. Một số TNS phải tự trang bị cho mình những "đề kháng" trước cuộc hòa mình bên ngoài cánh cửa thiền môn... Đó là cả một thử thách với muôn vàn khó khăn.
»» Kỳ 1: Bỡ ngỡ từ tỉnh lên phố
Tăng ly chúng...
TNS ở tỉnh đến TP.HCM đi học chắc chắn mang trong mình nhiều lý tưởng về con đường dấn thân để học tập, tu học làm hành trang cho con đường hoằng pháp độ sanh sau này. Lý tưởng tốt đẹp ấy bao gồm một môi trường tu học tốt ở những ngôi chùa TP với đủ đầy phương tiện và môi trường học tập cả Phật học và thế học bậc nhất. Có được một ngôi chùa trọ học được thầy bổn sư/ y chỉ giới thiệu dĩ nhiên là yên tâm nhưng rồi cuộc xoáy của những buổi học liên tiếp, học ngoại khóa, Anh văn, vi tính… nhiều người chuẩn bị kỹ cho tương lai du học còn trang bị thêm tiếng Trung, Hàn, Nhật, Pháp… và còn các buổi ngoại khóa tham gia tình nguyện, TTXH…đã hút rất nhiều thời gian. Nhiều TNS không đủ thời gian đi học đành chọn thêm ban đêm. "Cái sự học"đã chiếm hết thời gian công phu, chấp tác ở chùa. Lâu lâu một lần thì đại chúng nơi lưu trú còn chấp nhận chứ nếu xảy ra hoài thì… không thể tránh khỏi những trở ngại khác theo quy định chung.
Sư cô M.T quê Đà Nẵng cho biết ban đầu cũng được gởi gắm vào một ngôi chùa Ni rất nổi tiếng, thế rồi chùa thứ nhất, thứ hai, thứ ba và cuối cùng là ở nhà… Phật tử. Vì lẽ "bản thân mình đi học nhiều, đại chúng vài ba chục người đâu phải ai cũng thông cảm với mình". Và "ngoài giờ học ở trường về chùa thì việc quá nhiều, sức khỏe giới hạn nên chịu không nổi" nên đành dứt áo ra đi. Một sư cô khác thì lại bị xuất chúng vì vị trụ trì biết sư cô tham gia vào công tác thiện nguyện về phòng chống HIV/AIDS ở nhà trường. Cũng có TNS chịu không nổi sự kiểm soát gắt gao của thời khóa tu tập vì thời khóa biểu đi học bên ngoài quá nhiều dẫn đến bỏ công phu, tu tập, chấp tác… cũng đành chọn cách "ra đi". Nhiều TNS cũng chịu nhiều áp lực bởi ở đúng ngôi chùa có đám, cúng quảy liên miên phải rơi vào cảnh "đi không đặng, ở không xong", lâu ngày thành ra tự cô lập mình và dần đành phải "dứt áo" ra khỏi chúng.
Nói về tình cảnh của TNS đang ở trọ nhà ngoài, ĐĐ.Thích Quảng Thiện, Trưởng phòng Sinh viên vụ Học viện PGVN tại TP.HCM cho rằng, giữa vị trụ trì và TNS ở nhờ đi học chưa có sự cảm thông lẫn nhau. Người trụ trì phải có lòng bao dung và rộng lượng tạo điều kiện nhất định để TNS được tu và bảo đảm việc học ở trường cũng như có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa khác. Về phía TNS cũng nên hiểu rằng vị trụ trì cũng có khó khăn về mặt ứng xử sao cho được công bằng, bảo đảm ai cũng tu học như nhau. Mối quan hệ thiếu sự cảm thông này dẫn đến rạn nứt tình cảm, người ở nhờ chùa bị đặt vào thế bị động đành đi tìm chùa khác hoặc cùng lắm mới chọn cho mình chốn nương thân ở nhà ngoài cho hết các khóa học.
Với góc độ người trụ trì, TT.Thích Nhật Giác, Phó ĐDPG Q.Thủ Đức đã lên tiếng cảnh báo trong một hội thảo ngành Tăng sự rằng: "TNS bị lệch lạc về quan điểm và chí hướng xuất gia; lấy phương tiện làm cứu cánh, lao vào học mà quên tu tập, bỏ quá đường vì học về trễ, vắng sám hối, thời khóa Tịnh độ vì học Anh văn, sáng không công phu vì đêm thức khuya làm bài… thích ở đâu thì ở, an cư cũng tùy tiện và không màng đến phẩm hạnh người xuất gia cần có".
Cảm thông hơn, TT.Thích Thiện Nghĩa, Chánh ĐDPG huyện Nhà Bè cho rằng: "Số lượng TNS hiện ở TP khá đông và mỗi vị là một trường hợp, một hoàn cảnh cần được sự định hướng và chăm lo của các cấp lãnh đạo Giáo hội. Cuộc sống của TNS xa thầy tổ, xa chùa quê gặp khá nhiều áp lực và chỉ người trong cuộc mới có thể thấu hiểu. Do vậy, một số trường hợp mướn nhà dân để làm nơi cư trú để hoàn tất việc học hành, xét ở một góc độ khác, đáng thương hơn là đáng trách mà bổn phận người đi trước phải thể hiện sự quan tâm".
Nỗi lòng TNS trọ học
Ở với thầy tổ được bảo bọc từ môi trường giáo dục tự viện nên khi bước chân ra xa hơn, tức là phải bước thêm một bậc nữa trên con đường học vấn và cũng bắt đầu cuộc sống xa rời thầy tổ. Đa số TNS đi học đều được thầy bổn sư/y chỉ gởi vào những tự viện quen biết hoặc những ngôi chùa sẵn sàng mở cửa tiếp nhận chúng đi học. Thế nhưng, cũng có những trường hợp TNS mà thầy bổn sư/y chỉ của họ không quen biết ai đành phải tự thân vận động. Hoặc đã xin được chùa nhưng lại có những vướng mắc khác nên TNS hết cách đành chọn giải pháp ở nhà ngoài hay nhà Phật tử để trọ học, có người phải gian nan thay chỗ ở nhiều lần trong suốt khóa học.
Sư cô M.T hiện đang học khóa VIII HVPGVN TP, quê Đà Nẵng đang ở trọ tại Q.Gò Vấp chia sẻ rằng đã trải qua quá trình gian nan tìm chùa nhờ học và đã từng "thử sức" ở qua 3 ngôi chùa, cùng đường lắm mới ra ở nhà Phật tử nhưng bây giờ rất yên tâm cho quyết định của mình. Vì lẽ, ở chùa với chúng đâu phải ai cũng hiểu cho mình, thời khóa ở chùa rất khít khao và thời khóa biểu ở trường nữa và vả lại ở chùa muốn xin đi học thêm ngoài giờ các môn ngoại ngữ, vi tính cũng rất khó. Sau một thời gian ở chùa, sư cô thấy không đủ sức khỏe và thời gian nên xin ra ở ngoài trọ học.
Ở trọ nhà ngoài phải chấp nhận như một sinh viên bình thường, sẵn sàng đối phó với rất nhiều khó khăn, trước mắt đó là cuộc đi tìm nơi trọ. Con đường tìm chỗ trọ gặp quá nhiều trở ngại, gian khổ, có khi phải đổi chỗ ở liên tục. Có nhiều kiểu nhà trọ nhưng TNS thường chọn cho mình nhà trọ Phật tử nếu may mắn thì mình vẫn được Phật tử tôn trọng và có những thời khóa công phu đầy đủ. Khảo sát nhiều nơi trọ của TNS, có nơi là khu ổ chuột rất nóng nực, môi trường sống khá phức tạp. Tuy nhiên, một sư cô nói, điều đó đôi khi còn dễ chịu hơn khi mình ở trọ trong chính ngôi nhà của Phật. Tức là ở trọ trong ngôi chùa mình tá túc, cái cảm giác tức thở, gò bó không tự nhiên và đặc biệt bị xem như một khách trọ mới đáng buồn. Có vị trụ trì không hề thông cảm với TNS, người ở nhờ phải tự trả tiền điện nước sinh hoạt, bị kiểm soát gắt gao về chuyện đi lại.
Chúng tôi đã có những cuộc viếng thăm bất đắc dĩ mà đa số TNS không hề muốn vì lẽ khi đề cập đến vấn đề này ai cũng rất ngại. Lên tầng một và tầng hai, nơi có 4 sư cô đang trọ học, mỗi căn phòng trọ rộng chẳng hơn 15m2, khá đơn sơ với chiếc bàn nhỏ để sách vở, vật dụng học tập, sàn nhà là nơi sinh hoạt, nơi dùng cơm cũng là nơi ngủ nghỉ của các sư cô.
Một sư cô là cựu Ni sinh khóa VI HVPGVN TP tâm sự: "Vì thầy tổ không quen biết ai nên không gởi vào chùa được, may mắn sư cô được Phật tử quen nên cho ở nhờ đi học. Từ khi nhập học đến nay đã ra trường 1 năm nhưng vì còn học thêm tiếng Nhật ở Trường Đại học KHXH&NV TP thêm hai năm nữa nên phải ở lại". Sư cô cũng cho biết, dĩ nhiên ở nhà ngoài thì cũng khó khăn nhiều nhưng khi đã xác định rõ mục đích đi học thì phải vượt qua và thực tế đã vượt qua được cả một chặng đường dài với sự tự tin, nỗ lực tự thân. Trước mắt, sư cô đặt ra mục tiêu cố gắng hoàn thành việc học rồi mới tính tiếp. Nói về ký túc xá cho TNS, sư cô cho biết thật sự thấy rất thất vọng vì đã được biết chư tôn đức bàn đến việc này từ khóa thứ V nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.
Kỳ tới: Giải pháp nhà trọ - cuộc "chịu lửa để thử vàng"