Tạo điều kiện cho nhân sự trẻ tham gia phục vụ Giáo hội

Tạo điều kiện cho nhân sự trẻ tham gia phục vụ Giáo hội

GN - Bình Thuận - với 9 huyện, thành phố, thị xã và một huyện hải đảo - là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ đang trên đà phát triển. Tại mảnh đất này, đạo Phật cũng đã tồn tại một bề dày lịch sử gần 300 năm, đồng thời là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, với tinh thần gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), dự kiến diễn ra vào ngày 17-8-2017 sắp tới, TT.Thích Minh Nhật (ảnh), Trưởng BTS GHPGVN tỉnh nhận định về những thành tựu nổi bật của Phật giáo tỉnh nhà trong 5 năm qua:

- Dưới sự lãnh đạo của TƯGH, thực hiện Nghị quyết, Chương trình hoạt động của Đại hội VII, nhiệm kỳ 2012-2017, với sự đồng tâm hiệp lực của Tăng Ni Phật tử các tự viện, các ban ngành trực thuộc BTS, cùng sự trợ duyên giúp đỡ từ các cấp chính quyền, MTTQVN các cấp, nhiệm kỳ qua có thể nói, GHPGVN tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả Phật sự tốt đẹp.

Trong đó, nổi bật là công tác giáo dục Tăng Ni, với việc nhằm đáp ứng nhu cầu thọ giới để tu học. Năm 2015, GHPGVN tỉnh nhà đã tổ chức Đại giới đàn Nguyên Hương truyền giới cho 389 giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và trên 1.000 Phật tử thọ giới Thập thiện, Bồ-tát tại gia. Theo Luật Phật chế, hàng năm BTS có tổ chức an cư kiết hạ, với 20 trú xứ an cư trên toàn tỉnh, các hành giả đều thực hiện theo đúng chương trình tu học đã được quy định của Ban Tăng sự T.Ư. Bên cạnh việc ôn tập kinh luật, BTS cũng kết hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng hành chánh nghiệp vụ trụ trì, nhằm từng bước nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng trụ trì cho Tăng Ni tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội.

Tại tỉnh còn có trường trung cấp Phật học được thành lập từ năm 1992, đã tốt nghiệp ra trường 7 khóa, với chương trình học theo quy định của Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư. Hiện theo học tại trường khóa Giảng sư cao cấp có 5 Tăng Ni sinh, 6 Tăng Ni sinh du học tại Đài Loan, tại Ấn Độ có 2 Tăng Ni sinh, 11 Tăng Ni sinh theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ. Trường có đội ngũ giáo thọ, giảng viên rất nhiệt tình, nề nếp dạy và học có kỷ cương, hầu hết là Tăng Ni ra trường các khóa đầu tiên của trường, theo học tốt nghiệp cử nhân và hậu đại học quay về phục vụ trường và Giáo hội, đảm bảo được yêu cầu giáo dục của BTS. Đồng thời, trường còn dành một tủ sách gồm hơn 50 đầu sách, nhằm hỗ trợ thiết thực cho Tăng Ni sinh nghiên cứu trong quá trình học tập.

Tiếp đó phải kể đến là sự nỗ lực đáng ghi nhận trong công tác hướng dẫn Phật tử. Ban Hướng dẫn Phật tử luôn phối hợp với Ban Hoằng pháp cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì, thường xuyên tổ chức các khóa tu học như: Đạo tràng Niệm Phật, Bát quan trai giới v.v…, duy trì và phát triển tổ chức Gia đình Phật tử. Năm 2016, Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Bình Thuận đã kết hợp cùng Ban Hướng dẫn Phật tử TP. HCM tổ chức khóa tu sinh hoạt cho trên 1.000 học sinh - sinh viên, tại Khu du lịch Sealink, TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Qua đó, góp phần mang đến những lợi ích thiết thực cho Phật tử tại gia, giúp họ có điều kiện học đạo, hiểu đạo và hộ đạo hơn nữa; trên hết là việc thật sự đến với đạo bằng niềm tin chơn chánh.

Đồng thời, hoạt động từ thiện xã hội cũng luôn được GHPGVN tỉnh Bình Thuận quan tâm. Trên tinh thần phục vụ chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật, nên các chủ trương xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội, cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt, xây dựng nhà tình thương v.v..., được Tăng Ni Phật tử hết sức cân nhắc thực hiện, với tổng số tiền lên đến trên 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngày lễ lớn như Đại lễ Phật đản, Vu lan Báo hiếu, tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, 35 năm thành lập Giáo hội, húy kỵ chư vị Tổ sư tiền bối hữu công cũng được GHPGVN tỉnh Bình Thuận tổ chức trang nghiêm, trọng thể. Trong nhiệm kỳ qua, nhiều cơ sở tự viện, tịnh xá cũng đã được trùng tu, tôn tạo, phục dựng mới. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên xây dựng các cơ sở thờ tự mới ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, gieo hạt mầm Phật pháp đến bà con, để họ có cơ hội tiếp cận sâu sát, nảy sinh niềm tin hơn nữa với Phật giáo, xa lìa các hủ tục mê tín dị đoan.

Đại giới đàn Nguyên Hương 1.jpg

Đại giới đàn Nguyên Hương do BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận tổ chức

Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư 292 của HĐTS và Thông tư 239 của Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận, vừa qua, Thường trực BTS, Ban Chỉ đạo Đại hội cấp huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo và tổ chức thành công đại hội 10 huyện, thị, thành và hiện nay chúng tôi đang tập trung chỉ đạo công tác đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh.

Nhiều Phật sự thành tựu chúng tôi rất vui mừng, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn thấy có những hạn chế trong một số hoạt động. Hướng đến tiếp theo trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi sẽ có những giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để đưa các hoạt động Phật sự tỉnh nhà đạt kết quả tốt hơn nữa.

* Thượng tọa có thể chia sẻ thêm về những bất cập còn tồn đọng trong công tác Phật sự nhiệm kỳ vừa qua?

- Mặc dù các Ban Trị sự Phật giáo huyện, thị được cơ cấu nhân sự đầy đủ, nhưng nhiều nơi hoạt động còn chưa được đồng bộ, các Phật sự triển khai chưa đạt kết quả theo yêu cầu dẫn đến các khiếu kiện vượt cấp cứ kéo dài làm mất thời gian của các cấp. Hay việc chưa có kế hoạch cụ thể trong nguồn kinh tế tài chánh lâu dài, nên việc triển khai thực hiện một số Phật sự thường gặp trở ngại. Ngoài ra, vài cơ sở tự viện tổ chức nuôi trẻ mồ côi không đúng theo quy định của pháp luật, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc, cũng là một trong những thiếu sót mà BTS GHPGVN tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ sắp tới cần hết sức lưu ý và đưa ra các biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời.

Trong quá trình triển khai Phật sự, chúng tôi đều nêu cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết, bởi vì đó chính là những yếu tố tạo nên sức mạnh trong Giáo hội. Nhân đó, mong rằng với sự phối hợp, tương tác, hỗ trợ nhau giữa các ban ngành, BTS Phật giáo sẽ khắc phục được những khuyết điểm nêu trên, để Giáo hội ngày càng trang nghiêm, vững mạnh.

* Đối với vấn đề nhân sự trong nhiệm kỳ sắp tới đây, xin Thượng tọa cho biết có thay đổi gì đặc biệt không?

- Như chúng ta biết, con người là yếu tố quyết định cho sự thịnh suy của tổ chức Giáo hội, nên khi làm công tác dự kiến cơ cấu nhân sự cho nhiệm kỳ mới để đại hội suy cử, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo tại Thông tư 292 của TƯGH, đó là Tăng Ni, nam nữ Phật tử tham gia BTS tỉnh phải có các tiêu chuẩn: đạo hạnh tốt, có năng lực làm việc, nhiệt huyết, tinh thần phụng sự đạo pháp, có công đức đối với đạo pháp dân tộc và nằm trong độ tuổi quy định.

Qua đó, chúng tôi hướng tới sự trẻ hóa nhân sự, mời những Tăng Ni được đào tạo và tốt nghiệp tại các Học viện Phật giáo, cao đẳng và các trường đại học bên ngoài, có tinh thần và nhiệt tâm tham gia các ban ngành, để cho chư Tăng Ni có môi trường phù hợp phục vụ Giáo hội. Đó cũng là cách thức chúng tôi quy hoạch nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Phật sự của Giáo hội trong hiện tại và tương lai. Chúng tôi sẽ tổ chức Đại hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2017-2022 theo định hướng và phương châm “Đoàn kết - Ổn định - Phát triển”, mà ở đó, cơ cấu nhân sự với nguồn nhân lực vững vàng và có phẩm hạnh, là yếu tố tiên quyết.

* Xin cảm ơn Thượng tọa.

*
Tin liên quan: Đại hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận họp phiên trù bị ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày