GN - 1.055/1.200 Tăng Ni thuộc 24 BTS GHPGVN quận, huyện đã nhận chứng chỉ tham gia Khóa bồi dưỡng trụ trì do BTS GHPGVN TP.HCM lần đầu tiên tổ chức. Khóa học đã cung cấp kiến thức cần thiết, bổ ích cho Tăng Ni đang trụ trì, sẽ trụ trì và tạo nên sinh khí mới đầy phấn khởi xuất phát từ sự tương tác sau mỗi chuyên đề giữa giảng sư và Tăng Ni.
Nhiều vấn đề thời sự của Phật giáo, những câu thắc mắc “không biết hỏi ai” được Tăng Ni quan tâm thảo luận sôi nổi. Đặc biệt, phần thảo luận những vấn đề liên quan đến Giới luật của người xuất gia và sinh hoạt thiền môn được Tăng Ni hết sức quan tâm và đặt nhiều câu hỏi hay, thú vị…
Tăng Ni cần một điểm tựa, sự hướng dẫn cụ thể
Trong bối cảnh xã hội hội nhập, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Nhiều sự khủng hoảng về các giá trị truyền thống, đạo đức chốn thiền môn, các mối quan hệ xã hội, giềng mối thầy trò, tác phong, đạo hạnh của người xuất gia cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Để giữ được tính thanh tịnh của người xuất gia thì Tăng Ni cần phải nương vào Giới luật, trì giới, giữ gìn giới hạnh trong sáng để hoằng pháp, truyền trao mạng mạch Phật pháp…
“Đức Phật từng dạy muốn biết Phật giáo thịnh hay suy không thể nhìn vào chùa to, Phật lớn mà phải xem đệ tử xuất gia có còn quý kính và giữ gìn Giới luật hay không”. Đó là điều giảng sư - HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM nhắn nhủ đến Tăng Ni trong khóa học.
TT.Thích Minh Thông trao tín chỉ cho đại diện BTS PG quận, huyện - Ảnh: Bảo Toàn
Những câu hỏi quan trọng, cương yếu nhất về Giới luật rất cần thiết trong đời sống tu tập trong phần thảo luận đã được đăng trên Giác Ngộ số 816. Hai buổi thảo luận tiếp theo có rất nhiều vấn đề mang tính “việc thật, người thật” mà Tăng Ni thường gặp phải trong đời sống hàng ngày, trong các mối quan hệ xã hội cũng đã được nêu ra. Chẳng hạn, y được cúng dường nhiều đem ra trải bàn thì có mang tội? Hay như ngay trong khóa học này, có người đi thi hộ thì phạm vào điều luật nào? Nhiều hiện tượng khác như Tăng chở Ni (dù là người thân); Ni được nam cư sĩ chở (có thể là xe ôm); vấn đề giả danh tu sĩ đi bán nhang, quyên góp... cũng được thảo luận.
Hòa thượng giảng sư trả lời cụ thể, gợi mở từng trường hợp. Hòa thượng cho biết, ngày nay với vấn đề y dư, chúng ta dùng phương tiện để trải bàn nhưng như vậy rất khó, vì Phật tử nghĩ cúng y là cao thượng, chúng ta có thể gợi ý Phật tử cúng y màu lam chẳng hạn. Tùy phương tiện, phải linh động như thế nào đó để đừng mất niềm tin của Phật tử.
Về vấn đề học thế thi hộ, Hòa thượng cho rằng, tuy không thuộc giới trọng nhưng phạm vào tội gian dối. Một vị Tỳ-kheo, một vị trụ trì thì không nên làm như vậy, rất khó coi. Vấn đề Tăng chở Ni ngoài đường, Hòa thượng nói, dĩ nhiên là không nên, còn Ni ngồi xe của nam, dù là xe ôm, cũng nên tránh.
Trong 3 buổi chuyên đề về Giới luật, Tăng Ni đặt ra nhiều câu hỏi mang tính thời sự. Bởi lẽ, đời sống tu tập trong thời hiện đại, người xuất gia đối mặt với nhiều vấn đề, tiếp xúc nhiều đối tượng và cũng gặp rất nhiều chướng ngại cần phải vượt qua. Tăng Ni cần một điểm tựa để giải tỏa những ưu tư, thắc mắc, vực dậy tinh thần, xốc lại lý tưởng ban đầu của người xuất gia…
Tuy nhiên, bấy lâu nay, Phật giáo TP.HCM chưa có một diễn đàn nào để Tăng Ni bày tỏ, trực tiếp được nêu những thắc mắc, ưu tư trong lòng để được sáng tỏ hơn. Phần thảo luận về Giới luật trong khóa học thực sự là một diễn đàn trực tiếp để Tăng Ni được một lần nữa nương vào Thầy, vào Giới để vun bồi tâm kiên cố trong đời sống tu tập, hoằng pháp cho Phật tử tại tự viện và làm hành trang trên bước đường hướng đến tương lai.
Nghi lễ Phật giáo được Tăng Ni đặc biệt quan tâm
Tại khóa bồi dưỡng trụ trì lần này, chuyên đề về sinh hoạt thiền môn do TT.Thích Lệ Trang, Phó Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Nghi lễ TP.HCM thuyết trình đặc biệt được sự quan tâm của Tăng Ni. Ngoài nội dung, kiến thức về lễ nhạc được Thượng tọa cung cấp tại buổi học, phần thảo luận về nghi lễ thiền môn đã giải đáp nhiều hiện tượng phát sinh trong các nghi lễ Phật giáo cho Tăng Ni.
Nói về hiện tượng Tăng Ni trẻ đắp y màu đỏ phổ biến trong các buổi lễ, TT.Thích Lệ Trang cho rằng, y màu đỏ là ca-sa đàn dùng trong những buổi lễ hội. Miền Bắc vẫn sử dụng nhưng không hẳn chỉ màu đỏ mà có những tử y dùng những màu sắc khác, không phải ở chính sắc mà là hoại sắc, hoặc chiếc áo đó người ta có chèn thêm màu này, thêm màu kia. Tuy có xanh, đỏ, trắng hoặc đen nhưng đã bị phá màu rồi, đó gọi là ca-sa đàn sử dụng trong những buổi lễ. Ngày nay, trong sinh hoạt, quý thầy trẻ làm pháp sự sử dụng y đỏ cần phải cân nhắc, dùng đúng nơi đúng chỗ, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thắc mắc của Tăng Ni về hiện tượng chư Ni ngồi đàn, Thượng tọa cho rằng về nghi lễ, với Ni giới từ xưa đến giờ, chư Tổ không cho phép ngồi chánh tòa (miền Bắc, Trung và Nam đều vậy). Chư Ni có thể ngồi hỗ trợ trong vai trò tả hay hữu thì được nhưng ngồi chánh tòa đó là điều “bất tường” - không nên.
Thượng tọa dẫn chứng trong Thiền đường của Tổ Tâm Thông ở chùa Trường Thọ, có nêu ra những điều bất tường: tuổi trẻ mà ngồi gia trì là bất tường, tuổi trẻ mà chứng minh, khai chuông bảng là bất tường; tuổi trẻ mà làm pháp sư là bất tường… Bất tường là sự không tốt đẹp cho tùng lâm. Nên, trở lại bên Ni không được ngồi chánh tòa, đó là do sự truyền dạy từ chư Tổ.
TT.Thích Lệ Trang thuyết trình về chuyên đề sinh hoạt thiền môn - Ảnh: Như Danh
Sự tương tác giữa Tăng Ni học viên và giảng sư trong các buổi sinh hoạt thiền môn thật sự hữu ích, làm sáng rõ nhiều vấn đề trong các nghi lễ Phật giáo. Ở đây, những tâm huyết, trăn trở, ưu tư của TT.Thích Lệ Trang cũng được bày tỏ: “Trong những dịp chúng ta có mặt như thế này, hoặc lễ Phật đản, chư Tăng Ni xuất hiện đúng là tạp sắc bảo liên hoa... người mặc xanh đậm, người xanh lợt, vàng chanh… đâu phải Phật giáo Việt Nam mình luộm thuộm vậy đâu. Một trăm thầy Nhật xuất hiện, một trăm thầy Trung Hoa xuất hiện thì đồng màu sắc hết, vậy mà mười thầy Việt Nam thì có 9 màu khác nhau rồi. Đó là cái chúng ta chưa ráo riết đưa vào quy củ”.
Nhiều trăn trở, ưu tư về nghi lễ Phật giáo VN cần phải bàn, chưa thể giải đáp hết tại hai buổi thuyết trình của TT.Thích Lệ Trang nên Tăng Ni đã yêu cầu được học thêm, chuyên sâu hơn. Do đó, sau Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015, có hơn 800 hồ sơ của Tăng Ni đăng ký với Ban Tổ chức được học về nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, vì lẽ có thể sau các khóa học tới đây, nghi lễ tại các chùa sẽ được thực hiện thống nhất, Phật giáo Việt Nam sẽ có một diện mạo mới, ít ra trong các buổi lễ quan trọng của Phật giáo, sắc y cũng đồng nhất hơn…
Việc thảo luận, dành thời gian cho Tăng Ni học viên trao đổi tại hội trường sau mỗi bài giảng là điểm mới của Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015 tại thành phố, như lời của HT.Thích Trí Quảng, Trưởng ban Tổ chức trả lời phỏng vấn trên báo Giác Ngộ cho biết, rút kinh nghiệm của các khóa bồi dưỡng trụ trì ở nhiều tỉnh thành khác.
H.Diệu tổng hợp
Ý kiến đánh giá của chư tôn đức HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Truởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM kiêm Phó Thường trực Ban Tổ chức: “Đây là Khóa bồi dưỡng trụ trì do BTS GHPGVN TP.HCM lần đầu tiên tổ chức nhưng rất thành công, đã thu hút hơn 1.200 Tăng Ni đăng ký theo học. Trong suốt 6 ngày học liên tiếp, giảng sư nhiệt tình giảng dạy, Tăng Ni học nghiêm túc, đặc biệt là phần thảo luận được học viên rất quan tâm. Dù không thể giải đáp hết câu hỏi Tăng Ni đặt ra nhưng giảng sư đã chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp những ưu tư, thắc mắc của Tăng Ni làm hành trang cho họ trên bước đường tu học, quản lý tự viện. Lễ bế giảng cũng đã trao 1.055 chứng chỉ cho Tăng Ni đã tham gia khóa học; 951 bài thu hoạch của Tăng Ni nộp về cho Ban Tổ chức, nếu bài làm đạt sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. ĐĐ.Thích An Nguyện, trụ trì chùa Thiền Tôn 2 (Q.2): “BTS GHPGVN TP.HCM mở khóa bồi dưỡng trụ trì thời điểm này là cần thiết, với chủ trương trẻ hóa nhân sự của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp. Ước mong của tôi là mỗi năm, BTS GHPGVN TP.HCM có thể mở những khóa học như thế này, để có thể trang bị thêm kiến thức cho chư vị trụ trì, cũng như Tăng Ni ở các tự viện trên địa bàn. Dịp này, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cũng sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề Tăng Ni quan tâm, cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ, để công tác quản lý, điều hành các Phật sự được thực hiện đồng bộ, nhất quán và tốt đẹp hơn”. SC.Thích nữ Huệ Lễ, trụ trì chùa Từ Ân (H.Hóc Môn): “Tham gia khóa học, tôi hiểu rõ hơn về trách nhiệm và vai trò thực sự của mình, từ đó cố gắng hoàn thành trách nhiệm mà Giáo hội và Phật tử tin tưởng giao phó. Ở khóa học, phần thảo luận có sự tương tác của giảng sư và học viên. Theo cá nhân tôi đây là phần hay, ý nghĩa, giảng sư làm rõ và sâu hơn những vấn đề Tăng Ni trăn trở, ưu tư giúp mỗi người biết cách vận dụng, xử lý tình huống để có những hướng giải quyết mọi việc trong tự viện, trong đời sống xã hội được vẹn toàn hơn”. Q.Hậu - H.Diệu ghi |