GN - Chị bán bánh kẹo tự làm - kẹo đậu phụng, bánh nổ, bánh cốm, bánh tráng mè.
Những chuyến đầu tiên mày mò tìm đường buôn bán, chưa quen biết ai, rất cực. Vài ba bữa ngồi chợ này vài ba bữa ngồi chợ kia. Gặp người thông cảm cho đặt gánh ké ở rìa quầy của họ thì đỡ mỏi chân, gặp người bực bội xua đuổi thì chị gánh đi bán dạo.
Mỗi chuyến đi thành phố ở lại khoảng nửa tháng bán hết hàng thì chị trở về quê làm mẻ bánh kẹo mới, rồi lại đi. Ban đầu khách ngần ngại lắm vì bánh kẹo đựng trong bao ni-lông không có thời hạn sử dụng thì biết đâu mà lần, dần thì khách khen hàng của chị ăn thơm ngon mùi mới, và họ mua thường xuyên, còn nói là mua giùm người quen nữa. Được khách tin tưởng thì phải ráng giữ uy tín nên có lần chị phải bỏ đi mớ bánh bị ỉu vì sợi dậy thun cột miệng bao bị bung hồi nào không hay, hở gió.
Gánh loanh quanh vậy mà tính ra mỗi ngày chị đi hàng chục cây số.
Tảo tần mưu sinh - Ảnh minh họa
Đội trật tự đô thị dẹp hàng rong trong chiến dịch trả lại vỉa hè cho người đi bộ, chị chuyển chỗ tới trường học, nay trường này mai trường kia. Khách hàng học trò không mua nhiều như mấy bà mấy cô đi chợ khiến chị hơi buồn và buồn hơn vì học trò không rành, cầm cái bánh lên là cho luôn vô miệng chứ không đưa tới mũi mà hít hà “Bánh này thơm giòn ghê, mới về quê làm mẻ mới hả?”.
Mới hay lời khen nhỏ cũng cho người ta thêm phấn chấn mà thương công việc của mình hơn.
*
Bà già nấu bếp ở chùa, mua hàng của chị mấy lần rồi quen, bà xin Sư cô cho chị ở nhờ trong chùa đỡ tốn tiền trọ. Căn phòng có hai người thường xuyên công quả rồi ở lại luôn. Nay thêm chị là ba.
Đi bán cả ngày, chiều tối về chị phụ dọn dẹp này kia rồi đi ngủ sớm để mai có sức mà gánh hàng. Phật tử buổi tối về chùa tụng kinh khá đông, lời kinh câu kệ vọng tới căn phòng sau bếp. Nhiều khi chị cũng muốn tham gia tụng kinh để kiếm chút phước như bà già công quả nói, và để chia sẻ phước như Sư cô nói, nhưng mà chị mỏi lưng quá, chỉ muốn nằm. Cẳng chân rảo suốt cả ngày cũng mỏi quá, ngồi xếp bằng cả tiếng đồng hồ không chịu nổi. Chị thử rồi, đợi mấy bà công quả mặc áo tràng rồi đi lên chánh điện, còn lại một mình trong phòng, chị thử xếp chân theo kiểu kiết-già mà trời ơi đau quá, bán già cũng đau. Thôi thì chịu là mình kém phước, ở ngay trong chùa mà kinh không biết tụng. Nói nào nghe, chị có xin Sư cô cuốn kinh để đọc một mình trong phòng. Nhưng chị đọc trang sau thì quên trang trước, mấy lần thử úp sách lại đọc theo trí nhớ mà được mấy câu thì phải mở sách ra liền.
Thôi, kinh không thuộc nổi thì mình niệm danh hiệu Phật rồi ráng làm theo một chút xíu lời Phật dạy cũng được, bán hàng có sao nói vậy, bánh mới thì nói bánh mới bánh cũ thì nói thiệt là bánh cũ, khách chịu mua thì bớt giá một chút, tiền nào của nấy.
Mùa mưa.
Gánh hàng rong mà đụng trời mưa thì cực quá. Sợ nhất là bánh bị ỉu. Chị gói ghém che chắn thiệt là kỹ nhưng mà lúc khách mua thì phải bày ra cho người ta nhìn ngó lựa chọn, rồi mở bao bì ra để lấy bánh cho người ta, hơi mưa thấm dần từng chút vậy đó, có khi là mấy giọt nước từ tay áo nhỏ xuống…
*
Cô chủ quán tạp hóa hỏi chị có biết đi xe máy không? Chị cười lỏn lẻn. Mấy đứa nhỏ hàng xóm ở quê đặt cho chị cái biệt danh rất nghịch tai là “tay lái lụa”. Biết sao được, chồng chết sớm chị phải vừa làm đàn bà vừa làm đàn ông. Mùa thu hoạch, đoạn đường phải gánh thì chị gánh, khúc nào chạy xe máy vừa nhanh vừa chở được nhiều thì chị tới luôn. Chở bao lúa bao đậu là chuyện nhỏ, kẹp hai bó tre hai bên hông xe mà chạy trên ven đê chị cũng phang tới nơi. Mình không làm thì ai làm cho. Mới đầu cũng thấy sợ, riết rồi quen.
Cô chủ quán tạp hóa bật cười, chơi chữ, cô nói không cần tay lái lụa vì công việc không cần lạng lách mà cô cần tay lái cứng vì hàng hóa có nhiều món dễ vỡ. Vậy là chị đổi nghề về làm công cho quán tạp hóa. Đông khách thì chị phụ bán lẻ, vắng khách thì chở hàng đi giao cho mối.
Buổi tối chị về chùa ngủ, sáng sớm tới gõ cốc cốc cốc, cô chủ mở cửa cho chị vô dọn hàng rồi xuống bếp bận bịu bữa sáng cho chồng con. Chị vừa bày biện hàng hóa vừa lắng nghe cô chủ thúc hối hai đứa con đánh răng súc miệng nhanh nhanh để ăn sáng cho nóng, rồi thì thay áo quần mang giày nhanh nhanh để đi học không thôi trễ…
Bán hàng rong trên đường ngày nào chị cũng gặp cảnh mẹ chở con đi học, có khi còn ngừng lại mua bánh của chị nữa, nhưng mà chị không nghĩ ngợi nhiều. Giờ thì giữa bốn bức tường nhà nghe người ta nhắc nhủ con cái mà chị thấy nhớ ba đứa con của mình ở quê quá đi. Ở với bà nội mà bà thì thường ra ruộng rất sớm nên bé lớn là người lo bữa sáng cho hai đứa em. Giờ này chắc bé lớn đang chiên cơm, bé nhỏ thích cơm chiên xì dầu hong giòn cháy xém còn bé út thì thích cơm chiên nước mắm rắc nhiều tiêu. Bé lớn nổi cáu “Đứa nào đòi ăn kiểu riêng thì tự dậy sớm chiên mà ăn.” Tội nghiệp, chị xa nhà nên bé lớn tự nhiên mà thành bà má nóng nảy của hai đứa em.
Nhớ con nghĩ ngợi lung tung đầu… chị tông ùm vô chiếc xe hơi. Chị hoảng đến nỗi cứng đờ, được người ta dìu ngồi dậy giữa đống hàng hóa trong thùng bị bung ra mà chị vẫn không nhúc nhích nổi. Chị nín thở trân trối nhìn vết trầy bằng bàn tay ngay cửa xe hơi do cái vè xe máy đâm vô, trong đầu nghĩ tới món tiền mình dành dụm có đủ đền không.
Chủ chiếc xe hơi mở cửa xe bước xuống, và gỡ khẩu trang ra. Chị mừng rỡ nhìn thấy khuôn mặt quen hay tới chùa, rồi chị nhớ ra tên Ngọc Trâm. Mấy bác công quả hay xuýt xoa kể cái ti-vi để dưới bếp cho mấy bác coi phim là của cô Ngọc Trâm tặng.
- À… Tay lái lụa đây hả? Nghe mấy bác ở bếp chùa kể mà nay mới có duyên gặp.
Cô Ngọc Trâm cất tiếng hỏi với nụ cười nhận ra người quen.
*
Chị trở thành tài xế đưa đón hai đứa con của cô Ngọc Trâm đi học chính khóa và học thêm. So với việc gánh hàng rong và làm công cho quán tạp hóa thì quá nhàn hạ, hai đứa nhỏ rất ngoan và lễ phép nên chị không phải tủi thân. Chị được riêng một phòng khang trang đầy đủ tiện nghi.
Ngày chị tới chùa chào Sư cô và mấy bà công quả rồi dọn mấy bộ áo quần của mình vô túi xách để về nơi ở mới, bà công quả nói “Không tụng kinh mà có phước vậy là phước của kiếp trước. Coi chừng xài hết đó nghe”.
Chị chẳng biết trả lời sao, chỉ cười. Chị nào dám hoang phí, nhưng phước đức thì biết ra sao mà nói xài hết hay xài còn. Và chị cũng thấy mông lung nữa, từ ngày làm tài xế cho hai đứa con cô Ngọc Trâm ai cũng nói chị sướng, nhưng người ta đâu biết nỗi buồn chị giấu tận đáy lòng - công việc dính tới hai đứa nhỏ khiến chị nhớ con mình quá đỗi, nhiều khi chị nghĩ ngợi lung tung, cũng là mẹ mà mẹ của mấy đứa nhỏ này sao mà giỏi giang quá nên con cái được sung sướng. Còn chị là bà mẹ dở quá nên mấy đứa con của chị phải thiếu thốn, ngay cả mong muốn có mẹ gần gũi hàng ngày mà cũng không.
Nhưng rõ ràng là chị đi làm xa là để kiếm tiền gởi về nuôi con.
Vậy là con của chị có phước hay không? Chị tự hỏi và thấy câu trả lời xa mù.
Thôi, đừng nghĩ xa nữa, nghĩ gần dễ thấy hơn. Nghĩ gần là tối nào trước khi đi ngủ chị cũng tụng kinh để kiếm phước như bà công quả nói, và để chia sẻ phước như Sư cô nói. Nhưng mà chị vẫn phải giở sách kinh ra đọc chứ không thuộc nổi, cứ úp sách lại thì tới câu thứ ba là vấp váp tắc tị. Vậy nên chị rất mắc cỡ khi đọc tới bài kinh hồi hướng. Người ta thông suốt làu làu bộ này bộ kia thì mới đủ công đức mà hồi hướng mọi miền, còn chị, chỉ có một cuốn đọc đi đọc lại hoài cho chính mình còn không xong thì làm gì cho ai được.
*
Bé lớn của cô Ngọc Trâm được chọn vô đội tuyển học sinh giỏi, cô Ngọc Trâm vui lắm. Chị có công lao dạy dỗ gì đâu mà cũng được cô thưởng với lý do nhờ chị hợp tuổi với hai đứa nhỏ nên mọi sự được hanh thông! Cô còn hứa nếu bé lớn thi đậu cấp thành phố thì sẽ thưởng chị một tháng lương. Chị mừng, điện thoại về cho mấy đứa con ở quê hứa là sẽ mua cho chiếc xe đạp để chị em chở nhau đi học.
Nào ngờ ngày mai thi thì chiều hôm đó bé lớn bị nổi mụn nước quanh cổ và lốm đốm khắp lưng và bụng. Trái rạ. Hèn chi mấy hôm nay thấy bé uể oải mà cứ tưởng là vì căng thẳng học hành.
Cô Ngọc Trâm ngay lập tức ra lệnh cách ly bé út không được tới gần bé lớn và chị không được tới gần bé út vì có thể chị là trung gian lây lan. Rồi cô Ngọc Trâm rầu rĩ thở dài, phụ huynh của những thí sinh có mặt trong phòng thi ngày mai mà biết có em học trò bị bịnh lây nhiễm thì họ phản ứng ngay. Nhưng chẳng lẽ mà bé lớn đành bỏ thi?
Từng vòng thi đi qua với bao là hồi hộp, bao là mong ngóng phập phồng cho tới khi nhìn thấy tên con mình đứng đầu danh sách được đi tiếp tới vòng trong. Có được đứa con học giỏi là niềm tự hào biết mấy, cô Ngọc Trâm chờ đợi và tràn trề hy vọng ở vòng thi cấp thành phố để niềm tự hào được trọn vẹn. Giải nhất trong tầm tay và hơn nữa là được tuyển thẳng lớp mười trường chuyên. Lẽ nào mà đổ sông đổ biển?
Chị im lặng nghe cô Ngọc Trâm càu nhàu phân tích này kia, bỗng cô hạ giọng “Ngày mai chị cứ chở bé đi thi. Tôi sẽ cho cháu quấn khăn kín cổ, không ai nhìn thấy đâu mà lo.” Rồi cô cười cười “Thật ra là mình cẩn thận thôi, chứ bịnh này cũng lành mà. Có lây cũng không sao đâu”.
*
Tối, chị giở cuốn kinh ra như thường lệ mà chẳng nhìn rõ chữ nào. Tâm trí chị rối tung. Cách ly bé út mà vẫn cho bé lớn đi tới trường, rõ ràng cô Ngọc Trâm sai rồi.
Cãi lại thì chị không dám, biết sao đây?
Sáng sớm, chị gõ cửa phòng cô Ngọc Trâm, nói là cánh tay mình tự nhiên bị đau nhức không cầm lái được.
Cô Ngọc Trâm đỏ bừng mặt mày. Cô hiểu.
Và chị cũng tự hiểu.
Chị trở về phòng lấy áo quần từ cái tủ áp tường bỏ lại vô cái túi vải của mình. Xong. Chị tần ngần nhìn căn phòng đẹp đẽ tiện nghi và nhớ lời hứa mua cho mấy đứa con cái xe đạp mới.
Không phải là không hối tiếc...
Dợm bước ra khỏi phòng, chị sực nhớ còn quên cuốn kinh trên bàn.