1. Losar được coi là ngày lễ Phật giáo, song nó có nguồn gốc từ những ngày hội của người Tạng thời kỳ tiền Phật giáo. Người Tạng cổ xưa tổ chức lễ Sonam - Losar, tức năm mới của nhà nông, trùng với dịp Phân Đông. Về sau, ngày hội của nhà nông chuyển sang dịp những cây đào nở hoa đỏ thắm, gọi là Losar. Losar là ngày lễ của toàn dân ở Tây Tạng, khi mà ai ai cũng nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn ngon và diện những bộ quần áo đẹp nhất. Vào những ngày đó, Hadaki (chiếc khăn dài màu trắng truyền thống) được vắt ngang những chiếc bàn thờ của gia đình và trong chùa chiền, người Tạng gặp nhau, dù lạ hay quen, đều chúc câu năm mới an khang, thịnh vượng “Losar Tashi Delek!”.
Cô gái Tây Tạng
Những người thân trong gia đình quây quần bên nhau vào dịp Losar. Bình thường hiếu khách và nhân ái đã là một phần không thể thiếu của văn hóa Tây Tạng, song trong những ngày đầu năm mới, các phẩm chất này lại càng được bộc lộ rõ. Truyền thống của người Tạng đòi hỏi ai ai cũng phải hào hiệp, nhân từ và hiếu khách, đặc biệt trong những ngày Losar. Người ta tin rằng tâm trạng phấn khởi, vui tươi trong dịp năm mới sẽ đảm bảo cho gia đình được cả năm hạnh phúc.
2. Có rất nhiều điều thú vị trong dịp Losar: những điệu múa nghi lễ, múa mũ đen, múa kiếm, hoạt cảnh về cuộc chiến giữa thiện và ác... Để năm mới được an lành thì trong những ngày cuối của năm cũ, nhà cửa phải được dọn dẹp sạch sẽ, quét vôi mới. Bên trong nhà trang hoàng rực rỡ bằng các quả cầu thủy tinh, còn trên mái thì treo những cái ô cách điệu và rất nhiều cờ nguyện (prayer flag). Cờ nguyện là các mảnh vải hình chữ nhật nhuộm màu đỏ, trắng, xanh dương, xanh lá cây và vàng in những lời cầu nguyện bằng chữ Tạng, treo thành các băng dài.
Để thết đãi người thân và bạn bè, người Tạng chuẩn bị rất nhiều bánh nướng. Họ còn làm những chiếc bánh riêng cho quẻ bói đầu năm với nhân là dăm bào, mẩu than củi, mảnh giấy, lông bò Tây Tạng, rễ cây thuốc, muối và thậm chí cả... viên phân cừu bé xíu. Ai bắt được chiếc bánh nhân giấy thì trong năm mới sẽ có tiến bộ trên con đường học vấn, vớ phải dăm bào thì đói, nhặt được bánh nhân phân cừu thì thịnh vượng, thành đạt...
Losar là lễ hội quan trọng nên những người đàn ông trong gia đình phải đảm nhiệm vai trò cúng bái để đuổi tà ma và sự xúi quẩy. Họ đốt pháo nổ và pháo thăng thiên để làm kinh sợ những thế lực đen tối. Ngoài việc xua đuổi tà ma thì người Tạng quan niệm cần phải làm việc thiện và bắt đầu năm mới bằng sự no đủ, vui vẻ, từ tâm. Vì thế trước Tết Losar, người ta cần phải thanh toán hết nợ nần, làm cho xong những việc lớn và dàn xếp ân oán.
Múa mặt nạ ở Tây Tạng
3. Ngày đầu năm mới, cả nhà dậy sớm, tắm táp sạch sẽ, diện những bộ quần áo đẹp và đeo đồ trang sức. Trên bàn thờ của gia đình có một món ăn truyền thống để cúng tổ tiên và cầu mùa màng tươi tốt, đó là món bột kiều mạch trộn với váng sữa, đường và sữa chua. Sau khi lên chùa lễ Phật thì cả nhà quây quần bên mâm cỗ Tết. Rượu cho ngày lễ được nấu bằng loại gạo đặc biệt có vị gần giống sake của người Nhật.
Những món ăn ngày Tết được người Tạng chuẩn bị hàng tuần trước đó. Phổ biến nhất là món dresi gồm gạo ngọt trộn bơ, nho khô và khoai tây củ nhỏ. Bánh phồng ngọt và mặn dưới nhiều hình dạng, kích cỡ cũng không thể thiếu trong dịp Losar.
Đón Losar, người Tạng rất chú ý tới hai ngày quan trọng. Gutor, tức 29 tháng Chạp Âm lịch, là ngày có ý nghĩa đặc biệt cho dù hai ngày nữa mới đến tân niên và ai cũng bận rộn. Tối 29, các bà nội trợ bắt buộc phải nấu gutuk - món sủi cảo đón năm mới. Gutor là ngày duy nhất ở Tây Tạng mà từ người nghèo khó đến kẻ giàu sang và kể cả Đạt Lai Lạt Ma đều cùng ăn một món giống nhau: gutuk. Món sủi cáo này mang ý nghĩa tượng trưng và có tính chất dự báo về năm mới. Viên sủi cảo có sợi chỉ giấu bên trong tượng trưng sự trường thọ, sợi lông trắng biểu hiện sự thiện tâm, mẩu than cho thấy những ý nghĩ đen tối, quả ớt nói về miệng lưỡi cay độc. Nếu nhà đông người quá thì thay cho các vật cụ thể, bà nội trợ viết tên các vật ra tờ giấy rồi cho vào nhân bánh. Khi ăn sủi cảo, mọi người chỉ cho nhau thấy mình vớ được nhân bánh gì và cả nhà cười đùa, trêu chọc nhau vui vẻ. Ăn xong, mọi người cùng tham gia nghi lễ đánh đuổi tà ma năm cũ.
Namkahan là ngày tất niên (30 tháng Chạp). Mọi người cố gắng kết thúc việc chuẩn bị, trang trí nhà cửa để tranh thủ nghỉ ngơi chờ đón ngày hôm sau với các nghi lễ và trò chơi vui vẻ.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, ngay cả những cô cậu thiếu nhi cũng trịnh trọng khoác lên mình bộ trang phục truyền thống để đi chùa. Thời gian còn lại trong ngày chỉ dành cho gia đình và hàng xóm thân thiết nhất. Đến ngày mùng Hai, người ta mới bắt đầu việc đi thăm họ hàng và bạn bè, cùng nhau ăn uống, múa hát. Trẻ em được tặng quà và tiền mừng tuổi. Sang ngày mùng Ba, người Tạng treo lên mái nhà những lá cờ nguyện, thay cờ cũ bằng cờ mới và đốt hương thơm. Họ tung những nhúm bột kiều mạch lên trời và khấn “Ki-ki So-so Lha Gyalo!”, có nghĩa là “Cầu xin hạnh phúc và cầu các vị thần linh chiến thắng!”.
Từ ngày mùng Bốn đến rằm tháng Giêng là giai đoạn Monlam, tức Lễ tạ ơn ở các ngôi chùa Tây Tạng. Lễ Monlam lớn nhất trước đây được tổ chức tại Jo-khang, ngôi chùa chính của người Tạng. Jo-khang được xây dựng vào năm 639, hiện là điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Tây Tạng và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Các vị sư trong vùng đều tập trung về đây vào ngày rằm tháng Giêng, cao trào của Lễ tạ ơn.
4. Một trong những nghi lễ tâm linh quan trọng của người Tạng là Lễ dâng hương. Lễ này được thực hiện ở ngoài trời vào buổi sáng quang đãng tại những nơi không có các loại côn trùng, trên các đồi cao hoặc tầng cao nhất của ngôi nhà. Nó cũng có thể được thực hiện trong các lễ hội khi tất cả dân địa phương tụ tập lại, và cuối buổi lễ, họ thường tung từng nhúm bột tsampa lên trời. Trong những dịp như thế thường có các vũ công trình diễn.
Tại các buổi lễ này, hương được đốt trong những lò nhỏ (sang-khun) và không nên để người hay thú vật bước qua. Người ta dùng gỗ để đốt những loại hương liệu hoặc lá có mùi thơm như là dương xỉ, bách xù, tùng, bách, đỗ quyên, đàn hương trắng. Bánh bột tsampa, bơ, đường, các loại cây thuốc và những chất liệu không bị nhiễm rượu hay hành, tỏi cũng được dùng để đốt.