Thầy: “Trước hết và trên hết” luôn có “Phật thường trú đóng trên đỉnh đầu” - Ảnh: Getty Image
1. Con được biết đến Ôn* lần đầu tiên qua bức ảnh trắng đen nhỏ bằng nửa bàn tay ba me con háo hức, ngưỡng mộ khoe cả nhà “ảnh Ôn tuyệt thực 100 ngày”. Nhưng với một đứa con nít tiểu học là con lúc đó, ngoài cái sự thấy ngạc nhiên răng không ai cho Ôn ăn mà bắt Ôn nhịn đói lâu rứa, con lại thấy cái vị trong ảnh rất dễ mến chứ không có vẻ chi dễ sợ cả. Từ đó, con tự nhiên có một niềm kính trọng và ngưỡng mộ đối với Ôn.
2. Ôn nội con khi còn sống, mỗi lần đi Sài Gòn đều tìm cách để được đến thăm Ôn. Con được biết gặp Ôn rất khó, vậy mà Ôn vẫn dành thời gian cho một ông già quê như Ôn nội con, làm con tự nhiên thấy mình có giá vô cùng.
3. Ba con có vài lần kể chuyện cũ cho tụi con nghe, chắc là kể nhiều, nhưng con lơ đễnh, chữ được chữ mất, chỉ nhớ chuyện người ta đồn là Ôn có thần thông nên đoán chuyện rất tài, chuyện mọi người kính và ngưỡng mộ gọi Ôn là “Ôn kẹ” (mà con nhờ đó mới biết được tiếng Việt, nghĩa là Ông Cọp - Chúa sơn lâm), làm con mê tít, và cũng thấy hãnh diện lây vì mình kiểu chi thì cũng có “quen biết” người nổi tiếng.
4. Cho đến tận ngày 9-11-2019, con vẫn nhìn Ôn đầy chất điện ảnh, như một vị anh hùng trong phim kiếm hiệp, tài nghệ xuất chúng, ẩn hiện bất ngờ.
5. Nghe được tin, ba con, khác với vẻ thờ ơ thế sự hàng ngày, tức tốc đi ngay. Tụi con lũ lượt đi theo, đầy tự nguyện. Đứng trước di ảnh Ôn, răng mà con lại thấy ấm áp, bình yên và biết ơn một cách lạ kỳ. Không hề có cảm giác e ngại, sợ sệt như mỗi khi con đi tới chỗ có đám tang. Và đây là lần thứ hai, con, một cách có ý thức, nhìn thấy ảnh Ôn!
6. Vậy mà khi kim quan của Ôn đi qua trước mặt, con thấy chấn động. Con cắn chặt răng, ráng đứng thiệt vững để niệm Phật. Rồi khi nghe “cung thỉnh Hòa thượng nhập kim cang tam muội hỏa” (dù chỉ là qua hình ảnh được ghi lại), con thật chẳng ngăn nổi mình đừng khóc.
7. Con tìm đọc tự truyện. Con đọc, rồi lại đọc lần nữa, rồi lần nữa. Mỗi lần đọc con lại phát hiện ra thứ mới, phát hiện ra con đã hiểu sai, vì đã bỏ sót dấu phẩy hay dấu chấm câu. Hình như đây là lần đầu tiên con đọc một quyển sách, mà tác giả đã 89 tuổi đời, nhưng nếu không nói ra, con cứ tưởng như là cái người trong bức ảnh đen trắng năm xưa đang viết, đang nói. Con phát hiện một Ôn hoàn toàn mới. Ôn tụng kinh rất nhiều, thích dịch kinh viết sách, thân thiện, vui tính, nhẹ nhàng và đầy tình thương, cẩn trọng nhưng dứt khoát, không sợ ai - không sợ chi cả, hành xử rất cao thượng, rất hiếu nghĩa, là con người thật chứ không tiểu thuyết như con đã tưởng, và đặc biệt ấn tượng với con là “trước hết và trên hết” luôn có “Phật thường trú đóng trên đỉnh đầu”. Đọc xong, tắt máy, là hình ảnh vị thầy tu trẻ “mặc áo tràng đà cẩn thận” thong dong bình thản băng qua vùng giặc giã để “lỡ có chết thì cũng là Tăng sĩ đàng hoàng” lại hiện lên trong con. Răng mà đẹp như thơ!
Đọc, trí tưởng tượng của con có cơ hội bay bổng. Con thấy cảnh hai em bé đầu cạo sạch tóc, mặc áo nhật bình, khoái chí nghe cha ôn tồn ra lịnh “hai đứa đi tu”; cảnh “Bồ-tát mẹ” nuốt nước mắt tiễn đưa, dặn “Bồ-tát con” “đi mà trả nghĩa cho Phật, đi cho thẳng, đừng đè bụi đè bờ mà châm vô”; cảnh một vị thầy Bồ-tát dám kiên nhẫn và nghiêm túc ngồi học với học trò mình vì lợi ích của người đệ tử.
Con thấy hình ảnh một thầy tu trẻ, lặng yên bước đi trên đường Lê Lợi rồi rẽ lên đường Điện Biên Phủ, vừa đi vừa kiểm tra kỹ lưỡng xem tâm mình có chút chi tham vọng phi tôn giáo, phi cương vị bản thân, đã đủ cẩn trọng trong phản ứng và công việc chưa, để trả nghĩa cho Phật dù có thể phải đi khỏi cuộc đời. Con lại thấy hình ảnh quý Ôn hơn 100 tuổi chống gậy, mặc áo vàng, dẫn đầu đàn con cháu vòng tay trang trọng, trật tự, oai nghiêm và hãnh diện đi bộ từ chùa Từ Đàm về để chuyển đi bản tuyên ngôn của Phật giáo. Con nhìn thấy hình ảnh ba con cùng các Phật tử đứng trước sân chùa, cùng nhau hô lớn “sống chết có nhau” để đáp lại lời kêu gọi ra về của ba mẹ. Con cũng nhìn thấy Ôn nội con trong đoàn phụ huynh đứng ngoài liệng giấy vô bảo con đừng về; và con chợt hiểu Ôn nội con lấy mô ra niềm tin và dũng khí để sau này thà bị bắt vẫn cố chui vô chánh điện chùa làng lùa lúa ra không cho che lấp tượng Phật “để cho Phật thở”, thà bị bắt chứ không chịu hạ thấp cờ Phật giáo. Con thấy ngọn lửa của Bồ-tát Quảng Đức và Thánh tử đạo bùng lên, thấy được trí tuệ, lòng từ bi, sự kiên cường, tín tâm thuần khiết của không biết bao nhiêu Tăng Ni, Phật tử cúng dường chư Phật và bảo vệ Đạo pháp. Tự nhiên con thấy biết ơn và may mắn vô cùng. Suýt chút nữa thì con có thể đã chẳng biết Tam bảo, có thể đã phải có một cái tên Tây thay vì Pháp danh rồi. Con xưa nay vẫn biết mình khá giả, không đến như cùng tử nhưng chẳng bao giờ nghĩ là mình có ngọc có châu. Con lại cứ tự nhiên hưởng thụ lại chẳng biết rằng hàng hàng lớp lớp tiền nhân đã nhọc công nhọc lòng bảo vệ gia tài Phật giáo như thế nào. Đã hưởng mà lắm lúc lại chẳng biết ơn; không biết chi mà nhiều khi còn tỏ ra ghê gớm. Giờ con hiểu được chút ít lời Thầy con nói cho con “được như rứa thì quý Ôn, quý Thầy mình nhiều lắm”, khi con có dấu hiệu của sự sính ngoại. Nhưng không có nghĩa Thầy dạy con bài ngoại. Vì Phật, Bồ-tát làm chi có nam - bắc, nội - ngoại, này - kia! Rứa nên con giàu ghê. Gia tài Phật, Bồ-tát, tổ tiên cho rất nhiều, nhiều đến mức chia cho bao nhiều người vẫn không hết, càng chia lại càng giàu, vấn đề là có biết để đi nhận và nhận rồi có biết đem dùng cho đúng cách hay không mà thôi. Cầu mong sao con sẽ ngày càng giàu hơn, hay chí ít cũng không tự làm cho mình phải phá sản.