Nhật ký thân mến,
Chùa nhỏ nằm trên một con đường nhỏ, khuất sau những ngóc ngách của phố núi Pleiku. Sư cô còn trẻ, nhận nuôi hơn 30 cháu, đứa bé nhất chùa nhận về khi còn đỏ hỏn.
Nghe sư cô gọi tên mà buồn. Nào là bé Mì Tôm vì bị bỏ trong thùng mì tôm ngay trước cổng chùa, Cu Đèn vì bị bỏ dưới cột đèn ở quận 5, được một phụ nữ tốt bụng mang về chăm sóc một thời gian, rồi vì gia cảnh không thể quán xuyến đành gửi lại cho chùa. Có cả bé Xíu vì bé chỉ nặng 1,6kg khi bị bỏ trong bệnh viện, chùa phải vất vả nhiều tháng để vực bé lên hơn 6kg hiện nay...
Nghe thắc mắc về những cái tên, sư cô cười nói đó chỉ là tên gọi trong chùa thôi. Còn khi đi học mỗi bé đều có tên đẹp, con trai được đặt theo họ sư cô là Nguyễn, lót chữ Mạnh cho mạnh mẽ, như Cu Đèn có tên rất hay là Nguyễn Mạnh Khiêm. Còn các bé gái thì lót chữ Ngọc, cũng trân quý lắm, như Nguyễn Ngọc Tĩnh, Nguyễn Ngọc Diễm...
Vài đứa bé nằm ngủ trong nôi, mặt bé thơ mà sao như đăm chiêu. Những đứa thức đang vô tư chạy nhảy, xúm quanh máy ảnh và cười sung sướng khi thấy hình mình trên máy...
Nhật ký thân mến, mai này chúng lớn lên, những cái tên nào sẽ đi theo chúng trong đời, Cu Đèn hay Nguyễn Mạnh Khiêm?
Gánh hàng rong
Những cơn mưa muộn màng đã đến. Mưa hối hả như để bù đắp lại những ngày nóng hừng hực, chờ đợi từng giọt mưa. Mưa ào ào, mưa xối xả.
Mọi người chạy vội vào một hiên nhà. Có cả gánh hàng rong trú mưa. Cũng mặc áo mưa, cũng che mưa cho những món hàng nho nhỏ: ổi, xoài, mận, đào, trứng gà luộc, đậu phộng rang, bánh tráng... Tất cả đều được vào những bịch nilông nhỏ trắng muốt, sạch sẽ, rất bắt mắt vì nhiều màu sắc. Treo thêm những túi quà ở hai đầu gánh vì đã hết chỗ.
Một vị khách nước ngoài cùng trú mưa, quan sát một cách thú vị hàng quà, chiếc đòn gánh, đôi thúng, cái nón lá và người phụ nữ bán hàng với nước da đen cháy, đôi tay nổi cộm những đường gân. Ông giơ máy. Người phụ nữ cười thật tươi, nụ cười dễ mến đến lạ kỳ. Nụ cười xóa đi vết lam lũ.
Ai cũng mua quà. Thấy người này mua, người khác mua theo. Mua túi kẹo về cho sắp nhỏ, mua trái ổi, trái xoài, túi bánh tráng về cho nhà. Mua thật dễ vì giá có bao nhiêu. Gánh hàng rong dành cho mọi lứa tuổi, mọi túi tiền.
Quãng đường dài, người bán hàng vẫn quẩy gánh đi mặc mưa gió. Nặng nhọc mưu sinh.
BẢO THANH
Về quê ngoại
Người bạn tôi lấy chồng Tây, sống ở nước ngoài lâu năm, nay đem hai con nhỏ lần đầu tiên về thăm ông bà ngoại. Chị về cả tuần rồi mà tôi sắp xếp mãi mới có dịp cưỡi... taxi dạo phố với chị, vì trời nóng quá không nỡ bắt cả nhà đi xe máy.
Lượn qua lượn lại những con đường thân thuộc đầy kỷ niệm bạn bè, rồi đến những con đường mới đông đúc người xe, thấy ngạc nhiên: bọn trẻ con rành đường hơn cả tôi! Này là Vincom, kia là Tràng Tiền Plaza, rồi Parkson, lại đến những trung tâm chiếu phim, trung tâm thương mại... Cười, hỏi bạn rằng có phải chị nghiện shopping hay sao mà một tuần ở nhà không để con chơi bời rủ rỉ với ông bà ngoại mà lại xách chúng nó đi nhiều trung tâm thương mại thế!
Chị cười buồn: “Ông bà cũng đang trách đây! Nhưng khổ nỗi bọn nhóc này chịu nóng kém lắm, nóng quá còn lên cơn sốt nữa. Hôm đầu muốn đi đâu cho mát, mọi người bảo ra công viên nước hồ Tây! Thật chả cái dại nào bằng cái dại nào. Về nhà muốn chết vì nóng. Đường bêtông hút nóng như trút cả vào người mình, đầu lúc nào cũng váng vất, chân đi không nổi.
May quá, Hà Nội bây giờ là đô thị hiện đại, có nhiều trung tâm thương mại, có máy điều hòa. Một người bạn mách cho đến những nơi đó, đâm ra thành nghiện. Ngày nào mẹ con cũng dung dăng dung dẻ lang thang đi... mua sắm để hưởng điều hòa “chùa”!”. “Sao không lắp một cái ở nhà?”. “Có chứ. Chết nỗi, đợt này sao cắt điện liên tùng tục, có lắp cũng bằng thừa!”.
Ừ nhỉ! Mùa cắt điện! Thảo nào các cháu tôi phải làm quen với quê ngoại bằng những buổi shopping!
HỮU PHÚC