Tết của tôi: Đi chùa ngày Tết

Cầu nguyện đầu năm - Ảnh: Bảo Toàn
Cầu nguyện đầu năm - Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tết đến, ai cũng mong được về nhà để sum họp với gia đình, được gặp lại anh em, bạn bè; thăm lại hàng xóm, quê hương,... Bởi chẳng có gì vui bằng khi được trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Vợ chồng tôi từ ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp. Năm nào, vợ chồng cũng thu xếp công việc để cả nhà được về thăm quê. Nếu không là Tết thì là hè. Năm ngoái, vì dịch Covid-19, chúng tôi không thể về quê ngày Tết và kể cả hè nữa. Dự định về quê cứ thế ấp ủ, kéo dài. Gần những ngày cuối năm, hai cô con gái của tôi vô cùng háo hức mong đợi được về quê ăn Tết cùng ông bà. Vé tàu đã mua. Đồ đạc đã xếp sẵn. Quà tết cũng đã đâu vào đấy. Chỉ chờ ngày được nghỉ. Cả gia đình chúng tôi và hai bên nội ngoại ở quê đều mong đợi đến dịp sum vầy trong những ngày Tết đã cận kề.

Thế nhưng… một lần nữa, dự định về quê đành lỗi hẹn vì dịch Covid bùng phát trở lại. Gia đình tôi lại đón một cái Tết nơi quê hương thứ hai. Tết xa quê, với tôi và gia đình nhỏ của mình, bên cạnh những người hàng xóm tốt bụng, bên cạnh những người đồng nghiệp thân thiết chính là khoảnh khắc cả nhà cùng nhau đi chùa vào những ngày đầu năm.

Đi chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc, chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục lớn lao. Tôi chọn đi chùa đầu năm bởi đó là sự khởi đầu của sự sống, của một năm mới và của những điều thiện lành, tốt đẹp. Về nơi cửa Phật là về với chốn an yên, tự tại để biết buông bỏ những phiền muộn, âu lo, mỏi mệt của một năm cũ đã qua và mong cầu một năm mới cả gia đình sẽ được an vui, hạnh phúc.

Trong tâm thức của tôi khi hãy còn thơ bé, hình ảnh ngôi chùa đã trở nên thân thuộc, gần gũi. Đó là nhờ những lần tôi theo mẹ lên ngôi chùa trên núi, phía sau nhà vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng, cũng như các ngày lễ, ngày Tết trong năm. Mẹ tụng kinh niệm Phật, tôi chắp tay nguyện cầu. Tiếng chuông chùa ngân nga; mùi nhang trầm thơm thoảng vốn đằm sâu dọc dài tuổi thơ tôi thương thiết đến bây giờ. Những ngày đi học xa nhà rồi lập nghiệp xa quê, khi trở về, tôi vẫn giữ thói quen cùng mẹ lên chùa. Lên chùa, thắp nén nhang thơm, chắp tay thành kính trước Đức Phật, lòng tôi rưng rưng một xúc cảm thiêng liêng, tin về luật nhân quả, về những điều hay lẽ phải ở đời mà Đức Phật đã răn dạy.

Phật dạy con người biết sống từ bi, biết làm những điều thiện lành. Bởi vậy, đi chùa đầu năm với tôi còn là cách để tôi biết mình cần phải sống tốt, biết hướng thiện. Tôi cùng con nghe kinh, nghe các Sư thuyết pháp, giảng đạo, những bài giảng gần gũi, dễ hiểu mà sâu sắc. Tôi hướng dẫn các con cách chắp tay nguyện cầu nơi Tam bảo, dạy con biết thành kính nơi cửa Thiền. Trong điệu chắp tay lễ Phật của con, tôi biết mình đã gieo vào tâm hồn con những bài học quý giá.

Đi chùa đầu năm, với tôi đôi khi chỉ là để được diện kiến tôn nhan sáng ngời từ Phật, ngắm nhìn nụ cười bao dung, độ lượng, vị tha của Đấng Thích Tôn hay nụ cười hoan hỉ của đức Phật Di Lặc,… Về nơi cửa Thiền ngày Tết cũng cho tôi cảm giác ấm áp như về với mái nhà của mình, để được che chở, được an ủi, vỗ về,… để tôi cùng gia đình hướng về niềm vui an lạc, để thấy cuộc đời thật ý nghĩa và đáng sống. Đi chùa đầu năm còn là cách để mỗi người dành những lời cầu chúc tốt đẹp cho cho quốc thái dân an; cho quê hương luôn được bình yên, đẹp giàu; cho con người với con người luôn sống trong tình yêu thương, chia sẻ, hòa bình.

Tôi vẫn thường tâm niệm, người có tâm thì cửa chùa luôn rộng mở đón chào. Những ngày đầu năm trên đất khách quê người, chốn Thiền môn luôn là nơi ý nghĩa nhất với gia đình tôi. Đơn giản là bởi như ai đó đã từng nói: “Vào chùa tâm tĩnh lặng/ Bước chân chẳng vội vàng/ Vui trong niềm tỉnh thức/ Hạnh phúc thật nhẹ nhàng”...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày