Tết của tôi: Niềm vui đầu năm của nội

Cảnh trong một vở hát bội. Ảnh minh họa
Cảnh trong một vở hát bội. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nội cứ mong nhanh qua mùng để đi xem hát bội. Hôm nghe loa phát thanh của xã thông báo ngày đó sẽ có đoàn nghệ thuật truyền thống về diễn ba đêm tại nhà văn hóa của thôn, nội mừng lắm, mong từng ngày để được đi xem.

Đến ngày đó rồi, buổi sáng nội đã lom khom ra nhà văn hóa xem họ đã dựng sân khấu chưa. Nội về, niềm vui hiện lên khuôn mặt, nụ cười; vui qua cả đôi tay hoạt bát, vui qua bước chân nhanh nhẹn. “Sân khấu đang làm rồi. Bạt căng lên rồi. Họ chuẩn bị chẳng mấy mà xong”. Nội nói to lên như thông báo với mọi người. Rồi cả ngày nội cứ ra vào lóng ngóng, mong cho nhanh đến trưa, lại mong nhanh đến tối để được đi xem hát.

Chiều đó, nội giục con cháu cơm nước thật sớm. Ngày tết mà, hết tết còn xuân, con cháu cũng rảnh rang, chưa bận rộn đi làm nên chỉ cần nội “ới” một tiếng, mâm cơm đã được dọn ra. Ăn xong, nội chuẩn bị đi xem chứ không ngồi nheo nheo mắt nghe thời sự như mọi khi nữa.

Nội mang theo cây quạt giấy, vừa đi thong dong, vừa phe phẩy quạt, miệng ngâm nga câu ca dao xưa cũ:

“Má ơi, đừng đánh con đau

Để con hát bội làm đào má coi”

“Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình

Dầu chồng có đánh thì mình cũng đi.

Cũng đi là cũng đi… cũng đi là cũng đi”.

Nội làm vẻ diễn tuồng, cái quạt che ngang mặt, bàn tay uốn cong giơ lên. Đám con cháu nhìn dáng vẻ của nội cười vui. Lâu thật lâu mới thấy nội vui đến vậy.

Sau khi xem xong trở về, nội hào hứng kể chuyện đi xem ở sân khấu ngoài trời, trực tiếp nhìn diễn viên họ vừa múa, vừa hát, rồi có nhiều người cùng xuýt xoa với mình, cùng tán thưởng với mình. Có đoạn diễn xúc động quá, bên dưới cứ nghe tiếng thút thít nhè nhẹ. Nội cũng dùng khăn chậm nước.

Nội khoe, đêm diễn lần này, được nghe cả những tiếng trống chầu khen chê theo từng điệu hát của một người sành sỏi trong việc thưởng tuồng. Nếu hát hay thì “thùng thùng thùng…” rồi thưởng tiền cho diễn viên, không hay thì “cạch cạch cạch…” để nhắc nhở họ. Diễn viên nghe tiếng trống chầu mà biết được khán giả thích hay không thích, biết mình diễn tốt hay chưa. Nói rồi nội lần mở chiếc kim băng gài túi áo, giở ra vài đồng bạc lẻ, vui vẻ nói rằng mai phải mang thêm chứ ít quá, thưởng diễn không đủ cho những hồi chầu khen.

Mặc dù lâu lâu nội vẫn được xem các vở tuồng qua màn hình, vậy mà nhìn cách nội hào hứng kể về đêm diễn mà thấy thương lạ thương lùng. Cứ như lâu lắm rồi nội mới xem lại một loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích từ những ngày còn thơ bé vậy. Thấy tôi thắc mắc, nội phân trần: Bây hiểu sao được, ngồi xem qua màn hình thế này, còn hứng thú gì nữa đâu. Màn hình tí tẹo, nhìn sao rõ ánh mắt cô đào đong đưa, sao thấy chòm râu tướng đang rung lên giận dữ, cũng chẳng rõ bước chân di chuyển khéo léo của những đôi hia mà không cần nhấc lên khỏi mặt đất. Bây không nghe câu: “Nghe tiếng trống chiến không khiến cũng đi. Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy” à?

Rồi nội mơ hồ nhìn ra sân, đêm trăng mờ mờ. Ánh trăng như chiếc thuyền nhỏ cong treo lửng lơ trên trời. Ánh trăng như cũng muốn ghé vào nhà để soi rõ khuôn mặt nội đang còn lưu lại dư âm của buổi đi xem hát. Nội nói đêm nay diễn vở “Cổ Thành”, đêm mai vở “Bao Công xử án Quách Hòe”, đêm cuối vở “Xử án Bàng Quý Phi”. Vở nào cũng hay cả. Xem hoài mà không thấy chán. Nói rồi nội đi vào giường nằm, miệng vẫn ngân nga khe khẽ đôi câu hát nam, hát khách trong vở diễn vừa xem.

Tôi nhìn theo dáng nội. Cả một đời nội tất bật lo toan, cả một đời lấm lem bùn đất làm bạn với ruộng đồng, chắt chiu niềm vui dồn cho con cháu, còn niềm vui của nội rất đỗi giản đơn.

Đêm nay, nội sẽ ngủ thật ngon và có lẽ, nội đang mơ về những vở diễn tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày