Tết Tân Mão: Sách bói toán lấn sách giáo lý trên sân chùa

Sách bói toán bày bán trong sân chùa
Sách bói toán bày bán trong sân chùa
Giác Ngộ - Tại TP.HCM, Tết Tân Mão này, ở một số ngả đường đi từ xa đã thấy sách tử vi, bói toán bày la liệt trên những chiếu sách. Người bán nhiều hơn mọi năm, và có vẻ trẻ hơn. Sách bói toán các loại nhiều hơn. Nhiều sách dày in máy, cũng có nhiều tờ gấp photo bán với giá rẻ.

Nhưng điều đáng nói là người mua cũng nhiều hơn lên, trong khi sách bói toán bán sớm hơn mọi năm. Không chờ đến 30, mùng 1, mà từ 24, 25 cận Tết đã có người mua. Người ta chỉ cần tạt xe ngang, là người bán mau mắn giới thiệu đủ loại, từ sách tử vi, tướng pháp, xem chỉ tay, đến giải vận hạn, phong thủy, kiêng cữ...

Đại đa số chùa không cho những chiếu sách như vậy vào bên trong chùa.

Nhưng cá biệt, những loại sách như vậy cũng có mặt trên những quầy sách ở tiền đình, đại sảnh một số chùa.

Việc sách bói, sách mê tín phát triển không đáng ngại bằng việc sách giáo lý bày bán có phần ít đi, có một số chùa vào dịp Tết không còn kinh sách giáo lý mà chỉ có sách bói toán.

Thông thường như mọi năm, Tết đến, phòng phát hành kinh sách các chùa tại TP.HCM đều đóng cửa nghỉ Tết. Thay vào đó, các chiếu sách của những người bán tư được dọn vào sân chùa để bán. Sản phẩm bày bán thường gồm kinh sách giáo lý, đĩa tiếng và đĩa hình giảng pháp. Ít khi các thầy cho phép bán sách bói toán chung với sách giáo lý.

Thị trường là một chiếc hàn thử biểu khá chính xác. Ở đây, việc bán sách bói toán tăng mạnh, lại không còn thấy nhiều quầy kinh sách giáo lý như trước. Mà nếu có đi nữa, thì kinh sách giáo lý được bày chung với sách bói toán, làm mất hẳn giá trị kinh sách giáo lý.

Trông cái cách người bán chào mời sách tử vi, tướng pháp, thì có thể hiểu ngay rằng loại sách này dù bày bán chung quầy với kinh sách giáo lý, nhưng cũng được nhiều người chuộng mua hơn.

Cách đây chỉ vài năm, một số Phật tử thuần thành thường chọn cho mình một số kinh Phật, sách Phật thỉnh về nhà như một kiểu lộc Phật trong đêm giao thừa.

Tôi cũng là người như thế, nhưng năm nay, đứng xem đi xem lại mãi, mà không chọn được quyển sách nào, vì kinh và sách giáo lý quá ít, lại không có sách mới, đành ra về tay không với sự bùi ngùi.

Có người giải thích rằng, không như những năm trước, hiện giờ kinh sách đều xuất bản đúng thủ tục, có nhà xuất bản cấp giấy phép, nên nhiều nhà sách đã có quầy sách tôn giáo riêng, bày bán nhiều kinh Phật, sách giáo lý nên chức năng, hiệu quả phát hành kinh sách Phật giáo của những quầy sách trong chùa cũng giảm dần đi, có thể đã dẫn đến tình trạng trên.

Nghe thì có thể cũng đúng một phần. Nhưng nhà sách không phát hành đĩa thuyết pháp. Trong khi những năm trước, diện tích bán đĩa thuyết pháp cả hình và tiếng chiếm đến khoảng 50% quầy kinh sách tư nhân xin bán trong chùa. Không lẽ loại sản phẩm truyền thông giáo lý này không còn có người cần nữa?

Hiện tượng như vừa miêu tả là tự nhiên, tự phát, nên nó nói thật một điều: Mê tín có xu hướng phát triển mạnh, trong khi chánh tín gần như rơi vào tình trạng ngày càng thu hẹp.

Không ít quầy chỉ toàn là sách tử vi, bói toán bày la liệt trước cổng chùa.

Chúng tôi đến Thiền viện Vạn Hạnh sau giao thừa khoảng 1g30 phút, thì thấy bàn phát hành kinh, sách giáo lý của nhà chùa đã dẹp. Sách còn nhưng đã thu dọn, đóng gói đi cất (những năm trước cao điểm có đến 3 quầy phát hành kinh sách khác nhau, làm việc hết công suất nhưng Phật tử thỉnh kinh vẫn chen chúc).

Người đi chùa Tết vẫn đông, có phần đông hơn mọi năm. Nhưng có đáng mừng không khi ghi nhận hiện tượng như trên?

Với tầm nhìn sáng suốt và xa rộng, chúng ta, những người Phật tử không thể không lưu tâm đến hiện tượng này.

Nếu đi chùa đón giao thừa mùng Một Tết, người Phật tử chỉ cầm về sách bói toán, tử vi, tướng pháp… thì chắc chắn là trình độ các Phật tử ấy đã có một bước thụt lùi, và đó phải chăng cũng là bước thụt lùi trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày