Tết yêu thương lan tỏa các nẻo đường

GNO - Tết, mọi người đều được mặc đẹp, ăn uống đủ đầy, đón xuân vui vẻ nhưng đâu đó trên khắp nẻo đường thành phố, vẫn còn đó biết bao người già, trẻ nhỏ vô gia cư sống lang bạt trên vỉa hè. Họ không có Tết, nói đúng hơn, với họ một bữa no đã rất xa xỉ rồi thì nói gì đến ước mơ được sum hợp bên gia đình, cùng người thân ăn bữa cơm đầm ấm.

Chính vì vậy mà, ngay sau khi thời kinh đón chào năm mới vừa kết thúc, tại chùa Sùng Đức (Q.11, TP.HCM) - thầy Đức Lộc và các bạn trẻ cùng nhau đem thức ăn, nước uống, để chia sẻ Tết yêu thương với những mảnh đời bất hạnh, vô gia cư “đóng quân” quanh chợ Kim Biên (TP.HCM).

tet yeu thuong.1.JPG
Bà con nghèo đồng lòng niệm Phật, gieo duyên lành với Đức Từ phụ Thích Ca trước khi nhận quà

Từ phía xa, nhìn thấy xe của nhóm phát quà dừng lại trên vỉa hè, người nghèo khó liền truyền tai nhau, người này gọi người kia nhanh chân đến để được nhận quà. Người lớn có, trẻ em có, chưa đầy 5 phút đã tập trung đông đủ - 100 phần quà phút chốc đã được trao cho bà con nghèo.

Nhận được quà, gương mặt người người ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời. Cầm ổ bánh mì vừa phát trên tay, đoàn phát quà chưa đi khỏi là mọi người liền ăn vội. “Đói quá, từ sáng giờ chưa có gì trong bụng”, nghe một chú vô gia cư thỏ thẻ mà mọi người không khỏi chạnh lòng.

Ngoài trời gió lạnh, người đi đường mặc áo ấm, khăn choàng, vớ bao kín chân nhưng người vô gia cư thì hầu như không có gì để chống chọi với cái lạnh cả. May mắn thì vài người trong số họ có mền đắp, số còn lại mặc áo mưa, che gió rồi nằm co ro, ngủ trên vỉa hè. Với họ, có chỗ đặt lưng ngủ là may lắm rồi nên họ không mong cầu nhiều, bất cứ nơi nào cũng có thể ngủ.

Sống trên vỉa hè, họ đều chịu chung hoàn cảnh như nhau - bị cái đói, cái nghèo đeo bám đến đường cùng, ngõ hẻm - áo quần xộc xệch, bụi đường dính đầy người; dép có người có, có người không. Họ bảo “một tháng không tắm là chuyện bình thường. Ngày ăn còn có bữa đói, bữa no thì lấy đâu ra tiền vào nhà vệ sinh công cộng để tắm”; “không có dép cũng chẳng sao vì đi chân không quen rồi. Lớp da lòng bàn chân đã chai và cứng như dép, nhựa đường không thể nào bào mòn được nữa”.

Vậy nên, được tặng quà, được lì xì họ mừng. Có cụ già đạp xích lô, mở bao thư ra thấy tờ 100 ngàn, nước mắt cứ chảy dài, ướt sủng gương mặt khẳng khiu. Cầm tờ tiền trên tay mà họ không tin là mình đang cầm tiền thật vì từ lâu lắm rồi, họ chưa giữ trong người tiền nhiều như thế.

Cùng thời gian đó, trên địa bàn quận 12, câu lạc bộ thiện nguyện Khai Tuệ - Thắp Sáng Niềm Tin cũng xuống đường trao tặng 50 suất quà đến bà con nghèo khó, vô gia cư.

Thông thường, một phần quà được phát trị giá khoảng một trăm hai nghìn đến hai trăm nghìn - với nhiều người, số tiền đó không đáng là bao, nhưng với bà con nghèo, bấy nhiêu đã đem đến cho họ cái Tết, đem đến cho họ niềm vui bất ngờ khi xuân về. Vì với nhiều người, có tiền bỏ túi là thích lắm rồi, Tết mà có tiền bỏ túi thì không còn gì mừng bằng nữa.

Vậy là Tết năm nay, nhiều người có số phận kém may mắn đã có xuân, có Tết nhờ vào những tấm lòng bao dung, nhân ái.

Hạnh Ý

Giác Ngộ online xuân Bính Thân 2016 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày