Các cộng đồng bộ lạc này có tập tục văn hóa và tôn giáo khác nhau. Một ít thành viên trong cộng đồng biết đọc, biết viết, thậm chí biết nói tiếng Thái. Sau khi được thọ giới, các Sa di sẽ trải qua 3 tháng an cư kiết hạ tại chùa Srisoda và chùa Wiwakwanaram ở tỉnh Chieng Mai. Đây là thời điểm của mùa mưa, thời điểm mà các tăng sỹ Phật giáo cấm túc an cư, trau dồi giới đức.
Việc truyền giới cho các Sa di trẻ là một cách để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân các bộ lạc miền núi. Từ năm 1971, Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người đã ủng hộ Hội Truyền bá Phật pháp cho Cư dân Vùng sâu đào tạo tu sỹ mới và mang những tiến bộ đến các vùng sâu vùng xa của đất nước để toàn xã hội được sự ổn định và hòa bình hơn nữa.
Theo sư Phra Thepkosol, Chánh văn phòng Hội Truyền bá Phật pháp cho Cư dân Vùng sâu tại Srisoda, “cư dân các bộ lạc miền núi sẽ có cơ hội trở thành tăng sỹ và nghiên cứu Phật pháp. Đây cũng là một cách duy trì Phật giáo.”
Ông Wallop Ploytabtim, Thứ trưởng Bộ Phát triển Xã hội – An ninh Con người cho biết: “Chính phủ đang giúp cư dân miền núi thuộc 20 tỉnh. Kết thúc mùa an cư, những ai muốn tiếp tục con đường tu hành sẽ đi đến các ngôi làng của các bộ lạc miền núi. Những ai không muốn tu nữa sẽ có kinh nghiệm hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Kinh nghiệm đó sẽ giúp họ kiếm được một cuộc sống an ổn trong gia đình họ. Cả hai trường hợp này, các cộng đồng bộ lạc đều được hưởng lợi lạc.”
Thực tế, trong suốt 3 tháng an cư kiết hạ ấy, các Sa di còn được học về y tế, vệ sinh công cộng, đông y và cách thành lập trung tâm y tế, cũng như tiếng Thái Lan.