Thăm “Bảo tàng cổ vật” ở TV.Vạn Hạnh (Đà Lạt)

GN - Tôi đã đến TV.Vạn Hạnh (Đà Lạt) vài lần để vãn cảnh và thăm ĐĐ.Linh Toàn, CTV Báo Giác Ngộ thường trú tại Lâm Đồng. Ngôi chùa rất dễ nhận ra khi từ xa trên con đường Phù Đổng Thiên Vương đầy những cây phượng tím, bảo tượng Đức Bổn Sư đã hiện ra trên vạt đồi, uy nghi giữa bầu trời lạnh gió.

Lần trở lại này vào đầu năm 2012 (11 tháng Giêng ÂL), không khí Tết vẫn còn lãng đãng khắp thành phố sương mù. Du khách vãn cảnh tại TV.Vạn Hạnh khá đông, kể cả khách nước ngoài. Những vị khách Tây rất thích đứng dưới tượng đài Đức Bổn Sư ghi ảnh lưu niệm. Bảo tượng này cao 24m, được đúc bằng bê-tông cốt thép và thếp vàng.

12083.JPG

Một góc "bảo tàng viện" tại thiền viện Vạn Hạnh - Ảnh: Trần Đức

Sau khi đến chào và hầu chuyện với TT.Thích Viên Thanh, viện chủ TV. Vạn Hạnh và là Phó BTS PG tỉnh Lâm Đồng, Thượng tọa đã hoan hỷ hướng dẫn tôi xem các tiểu cảnh về nghệ thuật chơi đá. Những khối đá thạch anh trắng lớn nặng vài trăm ký được thiết kế rải rác trong khuôn viên thiền viện, kế đến là bố cục của những viên đá cảnh dáng tự nhiên bao gồm đá mã não (agad), thạch anh, gỗ hóa thạch và đá pha lê núi lửa trong vắt màu xanh ngọc bích, được bố trí từ các hành lang cho đến trong phòng khách. Tiếp theo là bộ sưu tập các loại gỗ lũa, có dáng tự nhiên, tượng Phật Di Lặc, tượng La-hán, Bồ Đề Đạt Ma… Thoạt đầu, cảm nhận của tôi về cách thiết kế và “bảo tàng” này có vẻ hơi luộm thuộm và bụi bặm, dù tất cả hiện vật bước đầu phô bày đã thể hiện một quá trình trải nghiệm sưu khảo khá công phu của tác giả. Hiểu ý tôi, TT.Viên Thanh cho rằng những hiện vật đá và gỗ này vẫn còn đang trong giai đoạn tập hợp. Thầy nói “có một, hai trợ lý giúp tôi hệ thống lại tất cả hiện vật bao gồm lên list, phân loại và nhập mã số”. Thầy khoát tay ra hiệu tiếp tục đi vào tham quan các phòng trưng bày hiện vật cổ xưa. Trên diện tích khoảng 200m2 của mỗi phòng, đường dẫn đầu tiên là vào gian trưng bày các tượng Phật và pháp khí bằng đồng, được đặt trong các hòm kính dọc theo lối đi. Những hiện vật sưu khảo này đều có lịch sử trên 100 năm hoặc hơn nữa vào TK 18. Đây là khu vực bảo tàng các tượng Phật cổ từ xa xưa trong nước cũng như PG các nước châu Á, nói lên tính chất và bản sắc văn hóa Phật giáo qua các thời kỳ. Trong gian phòng kế tiếp, tội thực sự choáng ngợp với bộ sưu tập các cổ vật bằng đồng thô sơ từ xa xưa của nền đa văn hóa các dân tộc. Đó là những bộ cồng chiêng, đàn đá, cối xay, máy hát dĩa, radio, hộp quẹt, cây gạt, máy ảnh, mâm đồng, cối xay, đèn dầu, đèn măng-xông, ấm nước, ông táo, cái chõ…

Trên trang báo có hạn, tôi không thể kể hết ra những cổ vật mà ngay những chuyên gia sưu tập đồ cổ cũng phải cúi đầu mơ ước. Những vật dụng ở đây đều từ năm 1930 trở đi của thế kỷ trước (ở đây tôi không đề cập đến chuyên gia sưu tập cổ vật về sành, sứ, về đá quý).

03022012080.JPG

TT.Thích Viên Thanh và bộ sưu tập cồng chiêng - Ảnh: Trần Đức

“Ước tính có khoảng bao nhiêu hiện vật?”. Tôi hỏi và thầy Viên Thanh cho biết: “Trên 3.000 hiện vật đủ chủng loại về đồng, đá, thiếc, đất nung”. Để có thể trưng bày được tất cả theo một thứ tự với sự sắp đặt khoa học qua từng thời kỳ, phải có một không gian phù hợp. Điều đó hoàn toàn đúng và không gian đang được xây dựng theo hình đường hầm, tính từ dưới đế của bảo tượng Đức Bổn Sư đi ngầm vào bên trong dưới mặt đất. Ngoài khoảng không rộng dưới mặt đất, hai bên đường hầm dẫn sẽ là nơi bài trí các cổ vật dẫn dắt người xem theo một trình tự thời gian để người xem dễ dàng cảm nhận.

Ngoài các hiện vật sẵn có, thầy Viên Thanh còn có bộ sưu tập về đá từ các vùng thánh tích của các quốc gia trên thế giới, những nơi có lưu truyền Phật giáo. Mỗi viên đá thu nhận từ những ngôi chùa ở các nước được ghi rõ xuất xứ như: Ấn Độ, Nepal, Nhật, Hoa Kỳ… Đây là điểm rất thú vị của người sưu tập và bài học sưu khảo dành cho tôi cũng như mọi người có tấm lòng hướng Phật khi lưu giữ được những mảnh đá từ các thánh tích Phật giáo.

Trước khi tạm biệt “bảo tàng viện” ở TV Vạn Hạnh, thầy Viên Thanh còn dẫn tôi ra quan sát trên 20 khối gỗ xoan đào để thầy chuẩn bị cho tạc tượng Phật Niết-bàn dài 8m và tượng Quan Âm, Di Đà, Thế Chí với chiều cao 4m/tượng, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2012. Tôi thầm cầu mong ngày nào đó trở lại, tất cả những dự định và mục tiêu đặt ra của thầy Viên Thanh sẽ thành tựu viên mãn, góp phần làm phong phú và tỏa sáng thêm những giá trị văn hóa Phật giáo và văn hóa các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày