GNO - Đó là ba pho tượng được Tổ chức Kỷ lục Châu Á trao bằng xác lập Kỷ lục hồi cuối tháng 5 vừa qua, gồm: tượng Phật nhập Niết-bàn trên mái chùa tại chùa Hội Khánh (Bình Dương), tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi Cấm (An Giang) và tượng Phật Niết-bàn lớn nhất trên đỉnh núi Tà Cú (Bình Thuận).
Trước đó, cả ba công trình đã được công nhận kỷ lục Việt Nam.
1 Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á được xây dựng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, núi Cấm, cao 710 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao và hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí. Tượng có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6 m, diện tích bệ tượng 27x27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng lớn năng dung của Đức Phật Di Lặc.
Tuyệt tác trên đỉnh Cấm sơn - Ảnh: Vũ Giang
Khi đến đây, đứng ở vị trí nào trên núi Cấm cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu.
Bức tượng do nhà điêu khắc Thụy Lam (tên thật Phạm Dân Chủ, 69 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu) - người phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng, được thực hiện từ tháng 2-2004 đến tháng 12-2005 với khoảng 60 nhân công. Trước đây, tượng Phật Di Lặc là 1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam được Trung tâm sách Kỷ lục công bố trong Đại lễ Phật đản năm 2008. Vào năm 2006, công trình nghệ thuật đồ sộ này cũng được xác lập Kỷ lục là tượng Phật ngồi lớn nhất Việt Nam.
Theo ông Biswaroop Roy Chowdhury, Tổng Giám đốc Trung tâm kỷ lục châu Á: “Tại Ấn Độ, cũng có một vị Phật với hình dáng tương tự với Phật Di Lặc tại Việt Nam nhưng chúng tôi không gọi là Phật Di Lặc mà có một tên khác là Phật Cười. Theo quan niệm của chúng tôi thì khi mang trong mình một bức tượng Phật Cười sẽ giúp mang lại điều may mắn và hạnh phúc đến cho mọi người. Bản thân tôi khi bé cũng đã được ba mẹ tặng cho một ông tượng Phật Cười nho nhỏ vừa như là một vật kỷ niệm, vừa để cầu chúc những điều may mắn cho tôi”.
Chính vì lẽ ấy, khi được chứng kiến bức tượng Phật Di Lặc với kích thước lớn như thế này, ông Biswaroop Roy Chowdhury cho biết cảm thấy rất kinh ngạc và cũng không kém phần thích thú. “Tôi cảm thấy khâm phục tài năng của các nghệ nhân Việt Nam và bày tỏ lòng kính trọng đối những ai đã đóng góp để có được bức tượng vĩ đại ngày hôm nay”, ông Tổng Giám đốc nói.
2 Còn khi tới thăm pho tượng Phật nhập Niết-bàn nằm trên đỉnh núi dài nhất Châu Á (núi Tà Cú, Bình Thuận), Ni sư Thích nữ Ba La, trụ trì chùa Linh Sơn Trường (nơi an trí tôn tượng), chia sẻ: “Công lao lớn nhất thuộc về cố HT.Thích Vĩnh Thọ. Trong thời kỳ khó khăn hầu như nguyên vật liệu để xây dựng đều phải vác bộ từ ngoài quốc lộ 1A lên tới núi hơn 6km, nhưng với quyết tâm của mọi người cuối cùng pho tượng cũng hoàn thành”.
Toàn thân tôn tượng dài 49m trên đỉnh Tà Cú - Bình Thuận - Ảnh: Vũ Giang
Tượng Đức Phật dài 49m tượng trưng cho 49 năm từ khi Đức Phật thành đạo đến khi nhập diệt, ngang nơi bàn chân là 8,8m, cao từ 2 bàn chân xếp lên là 4,9m, cao từ vai xuống là 12,2m. Nguyên liệu để tạo nên pho tượng là bê-tông cốt thép do kiến trúc sư Trương Đình Ý chủ trì thi công từ năm 1963 đến năm 1966.
Pho tượng được tạo tác ở thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, an nhiên gối đầu lên tay. Công trình bằng bê-tông cốt thép phủ vôi trắng có tổng thể chu vi 832 mét. Cách thể hiện những đường nét trong bộ cà-sa trên thân tượng rất đơn giản, gần gũi. Tượng Phật Niết-bàn vì thế toát lên vẻ an lạc mỗi khi ta có dịp chiêm bái.
3 Nói về Kỷ lục Châu Á - tượng Phật nhập Niết-bàn trên mái chùa tại chùa Hội Khánh, TT.Thích Huệ Thông, UV Thường trực HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương, trụ trì chùa cho biết: “Chùa Hội Khánh là ngôi chùa cổ, được những bậc tiền nhân không ngừng làm cho đẹp hơn, khang trang dần lên. Truyền thống lịch sử văn hóa đó, là người kế thừa ngôi tổ đình lịch sử. Đây cũng là việc gìn giữ bản sắc văn hóa các bậc tiền nhân để lại”.
Thượng tọa Trưởng BTS kể thêm về các vị tiền bối hữu công có HT.Thích Từ Văn - một trong những vị trụ trì của chùa được coi là thầy dẫn đầu trong Phật giáo miền Nam Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Năm 1920, HT.Thích Từ Văn được mời sang Marseille (Pháp) để thuyết pháp, triển lãm những bức tượng La-hán bằng gỗ. Hòa thượng là người có công lớn trong việc thiết lập chùa Hội Khánh ở Marseille thời đó. Còn chùa Hội Khánh (Bình Dương) là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Hồ Chủ tịch đến hoạt động cách mạng, tu tập…
Tượng Phật nhập Niết-bàn trên mái chùa Hội Khánh (Bình Dương) - Ảnh: Vũ Giang
Tượng Phật Niết-bàn sau một thời gian xây dựng, tọa lạc tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương. Công trình được bố trí trên diện tích 3.200m² đất nằm trong khuôn viên rộng hơn 13.000m² của khu đất chùa. Tượng có chiều dài 52m, cao 12m được an vị trên độ cao cách mặt đất 23m nằm trên mái chùa giữa khu rừng dầu, sao gợi liên tưởng đến hình ảnh Phật Thích Ca nhập diệt trong rừng Tha La Song Thọ cách đây trên 2.557 năm. Dưới chân bệ nằm của Đức Phật là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết-bàn. Quanh tượng Phật còn được trang trí 840 cánh hoa sen đắp bằng xi măng.
“Cầu thang chính dẫn lên tượng Phật gồm 49 bậc, tượng trưng cho 49 năm hành đạo của Đức Phật. Chiều dài 52m là biểu trưng cho 52 quả vị gồm Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập Hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác và Diệu giác để tu chứng thành Phật. Con số này cũng gợi nhớ 52 vị chúng sinh ở khắp nơi thấy ánh sáng Phật mà đến dự Pháp hội Niết-bàn hay 52 phẩm vật dâng cúng Đức Phật khi Ngài nhập Niết-bàn”, TT.Thích Huệ Thông nói.
Tôn tượng từ khi xây dựng xong là nơi thu hút khách thập phương và Phật tử từ khắp nơi đến tham quan chiêm bái. Ở dưới tượng Phật cũng là ngôi trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương - nơi có hơn 200 Tăng Ni sinh tu học và là nơi sinh hoạt Phật sự cho hàng trăm Tăng Ni trong tỉnh. Nơi đây còn có hội trường lớn, nhỏ để hội họp, có thư viện với hàng trăm đầu sách hay cho người đọc gần xa có thể tìm hiểu về Phật giáo.
Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ xác lập công nhận Tượng Phật nhập Niết-bàn chùa Hội Khánh là "Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á" - là dịp để quảng bá giới thiệu hình ảnh về quê hương, đất nước, con người Bình Dương đến với các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè thế giới.
Vũ Giang
* Đọc thêm:
>> Xác lập kỷ lục châu Á hai tượng Phật ở VN
>> Chùa Hội Khánh đón nhận kỷ lục châu Á
>> Trao kỷ lục tượng Phật nhập Niết-bàn dài nhất châu Á
>> Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm đạt kỷ lục châu Á