Đối với thế hệ chúng tôi, Lư Sơn (tỉnh Giang Tây), Nam Ninh và Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây) rất thân quen, bởi lẽ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, nơi đây là nơi đầu tiên nuôi dạy học sinh Việt Nam trên đất nước Trung Quốc. Sau Nam Ninh và Quế Lâm, chúng tôi đến thăm Lư Sơn - danh thắng "thần tiên" và là trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc. Lư Sơn ở phía Bắc tỉnh Giang Tây - quê hương của nghề gốm sứ - phía Nam giáp thành phố Cửu Giang - phía Bắc giáp sông Trường Giang, phía Đông nam gần hồ Phàn Dương. Diện tích của Lư Sơn rộng gần 250km2. Đây là một quần thể gồm hơn 90 ngọn núi, cao nhất là ngọn núi Đại Hán Đường cao 1.500m so với mặt biển. Theo sử sách cổ xưa thì quần thể núi giống như những cái lò hương nên gọi là Lư Sơn (lư có nghĩa là cái lò). Ngoài Lư Sơn còn có các ngọn núi khác như Khuông Sơn, Phụ Sơn, Thiên Tử Quận, Thiên Tử Chương, Nam Chương Sơn. Đặc điểm của Lư Sơn là núi cao chập chùng, mây bao phủ và những ngọn thác trắng xóa đổ nước từ trên cao mà trong bài thơ "Vọng Lư Sơn bộc bố" (Ngắm thác núi Lư), nhà thơ Lý Bạch (701- 762) đã miêu tả: Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước Tưởng giải ngân hà tuột khỏi mây. (Phi lưu trực há tam thiên xích Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên). Lý Bạch tính tình lãng mạn, phóng khoáng, thích thần tiên sơn thủy nên đã đến Lư Sơn và thốt lên rằng: "Ta đi khắp thiên hạ, du lãm sông sâu núi cao chập chùng vây quanh, ít người đi qua, núi Khuông Lư đúng là kỳ quan trong thiên hạ". Chu Nguyên Chương từng phong cho Lư Sơn là "Lư Nhạc", ngang bằng với "Ngũ Nhạc" tỉnh Sơn Đông. Âu Dương Tu, nhà thơ đời Tống, đã từng ca ngợi Lư Sơn: "Núi Lư cao thay, sừng sững đứng ở bên sông Trường Giang" (Lư Sơn cao tại nga nhiên ngật lập Trường Giang). Mao Trạch Đông cũng đã từng đến Lư Sơn và làm thơ đề vịnh. Hình thế của Lư Sơn rất đặc biệt, núi non sông hồ bao bọc, sương mù và mây che dày đặc, thiên hình vạn trạng thay đổi. Trên núi có trồng trà Vân Vụ nổi tiếng. Nói đến Lư Sơn là nói đến những ngọn thác nước trắng tuôn chảy tuyệt đẹp, trong đó thác núi Khuông Lư được coi là "một trong ba kỳ quan thiên hạ". Thác núi Hương Lư cũng là một danh thắng mà Lý Bạch đã miêu tả trong bài thơ Đường "Vọng Lư Sơn bộc bố" (Ngắm thác núi Lư). Lư Sơn có suối Tam Điệp nước chảy róc rách suốt ngày đêm, được coi là "tráng quan kỳ tuyệt". Suối Tam Nguyệt bắt nguồn từ núi Đại Nguyệt rồi hợp lưu phía sau núi Đại Lão. Lư Sơn có thành Cỗ Lũng nằm ở vị trí trung tâm, ba mặt có núi bao bọc, một mặt gần hang sâu, thành cao cách mặt biển 1.164m, rộng hơn 46,6km2 tạo thành một nơi "Đào viên tiên cảnh" rất độc đáo. Ngày nay đến Lư Sơn, du khách bị thu hút bởi vô số biệt thự, nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí tuyệt hảo. Nơi đây trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của Lư Sơn. Nói đến Lư Sơn, ngoài phong cảnh ưu mỹ, còn là một trung tâm Phật giáo của Trung Quốc. Toàn bộ quần thể núi có hơn 380 chùa miếu nằm rải rác khắp nơi, trong đó có 3 chùa lớn kiến trúc độc đáo, dáng vẻ trang nghiêm được nhiều người chiêm bái là chùa Đông Lâm, Tây Lâm và Đại Lâm gọi là "tam đại danh tự". Các chùa khác như Tú Phong, Hải Hội, Văn Sam, Thế Hiền và Quy Tông thì gọi là "tam đại tùng lâm". Chùa Đông Lâm được coi là chùa lâu đời và tiêu biểu nhất. Năm Thái Nguyên thứ 6 (382), đời Tấn, một vị cao tăng tên là Tuệ Viễn đi về phương Nam để truyền pháp, đến Tần Dương thấy Lư Sơn đất trống người thưa có thể nghỉ ngơi, liền trú ngụ lại để giảng pháp, ngắn ngủi được 3 năm, tín đồ tập trung rất đông, được Thích sử Giang Châu tôn kính, cho lập chùa, được triều đình ủng hộ, bách tính giúp đỡ, chùa được xây dựng rất nhanh. Năm Thái Nguyên thứ 15 (390), thấy cơ duyên đã thành, ông cho mời 123 người theo tu. Trong đó bậc cao hiền có 18 người. Ngoài ra còn có đạt quan, quý nhân, học giả, ẩn sĩ và Tuệ Viễn thành lập xã đoàn Phật giáo đầu tiên ở Trung Quốc, gọi là Bạch Liên Xã. Bạch Liên Xã lấy chùa Đông Lâm làm trung tâm Phật giáo của Lư Sơn và Lư Sơn trở thành trung tâm Phật giáo của miền Nam Trung Quốc. Tuệ Viễn người có công lớn đầu tiên đề xướng "Pháp môn Di Đà tịnh thổ", nay gọi là "Tịnh độ tông", liên kết với Liên xã gọi là Liên tông. Chùa Đông Lâm là tổ đình của Tịnh độ tông. Tuệ Viễn được xem là người đầu tiên sáng lập tông phái và gọi là "sơ tổ". Chùa Đông Lâm được xây dựng từ đời Tấn, sau đó được tu sửa và đến thời Lương Nguyên đế Nam triều xây thêm gác (các), trở thành ngôi chùa trang nghiêm, bề thế nhất ở Lư Sơn. Thích sử Giang Châu cho xây một ngôi chùa khác ở phía Đông chùa Tây Lâm và càng làm tăng thêm vị trí quan trọng của chùa Đông Lâm. Tuệ Viễn trụ trì chùa Đông Lâm 36 năm, chuyên tâm hoạt động Phật giáo và nguyên cứu Phật học. Chùa Đông Lâm từ đó trở thành tổ đình của Phật giáo "Tịnh độ tông", ảnh hưởng rất lớn đến các nước Đông á, Nam á và Trung á. Một thời gian chùa Đông Lâm trở thành Thánh địa Phật giáo duy nhất ở miền Nam. Ngày nay đến viếng thăm, khách thập phương rất ngỡ ngàng trước sự đổi thay to lớn của chùa Đông Lâm. Thời xưa Lư Sơn còn vắng vẻ, ngày nay là vô số những tòa nhà trang nghiêm, hoành tráng, tọa lạc giữa chốn núi non hùng vĩ. La Hán Đường thênh thang rất hấp dẫn khách hành hương và người tham quan vãn cảnh rất đông. Đêm nằm nghe tiếng chuông chùa ngân vang hòa cùng tiếng thác nước reo, mọi người như lạc vào chốn bồng lai ở Lư Sơn. Các nhà thơ lớn đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Lý Kỳ, Vương Xương Linh, Lý Đoan, Vi Ứng Vật, Trương Cửu Linh, Trương Kiều, Đỗ Tuân Hạc đều đến thăm chùa Đông Lâm và để lại nhiều thi phẩm: "Đầy chùa có vạn bài thơ vịnh, mỗi bước mỗi động lòng (mãn tự vạn thi vịnh, nhất bộ nhất kinh tâm). Năm Thiên Bảo thứ 9 (750) một Đại sư Nhật Bản đã đến thăm chùa và quyết định đem giáo lý của "Tịnh độ tông" truyền bá sang Nhật Bản. Từ đó, chùa Đông Lâm là cái nôi của "Tịnh độ tông" và phong cảnh tuyệt mỹ của Lư Sơn đã thu hút sự chú ý của các nhà sư cũng như dân chúng Nhật Bản. Năm 1317, nhiều người Nhật vượt biển sang Lư Sơn đến "Tầm sư cầu đạo" tại chùa Đông Lâm. Sau khi về nước, các nhà sư Nhật Bản đã truyền bá và phát triển "Tịnh độ tông". Từ đó, địa danh Lư Sơn trở nên nổi tiếng ở Nhật Bản. Năm 1987, một đoàn các nhà sư Nhật Bản đến viếng chùa tổ Đông Lâm. Hiện nay ở Lư Sơn có "Phụng tán hội Pháp sư Tuệ Viễn" của Nhật Bản sáng lập để ghi nhớ công lao của vị Tổ sư Trung Quốc. Lư Sơn còn là "Thánh địa" của Đạo giáo. Lục Tĩnh Tu là bậc thầy của đạo giáo, năm 461 ông đến Lư Sơn, xây dựng "Thái Hư Quan" và cùng với Phật giáo chia địa phận tôn thờ ở vùng đất này. Vua Đường Huyền Tông phong Đạo giáo Lư Sơn là "Cửu phận sứ giả" và xây dựng nơi đây thành "Cửu thiên sứ giả miếu" ngang bằng với Ngũ Nhạc và làm cho Lư Sơn cũng trở thành "Thánh địa" của Đạo giáo Trung Quốc. Đến đời Tống, "Cửu thiên sứ giả miếu" được đổi tên là "Thái Bình Cung". Trên núi Lư Sơn còn lưu lại một thư viện nhân văn cổ tích mà người đề xướng xây dựng là nhà lý học nổi tiếng đời Tống Chu Đôn Di. Lư Sơn còn là trung tâm văn hóa, giáo dục và nơi có nhiều bảo tàng, thư viện, lớp học, trong đó đáng chú ý nhất là Bạch Lộc Động. Cuối đời Đường, có nhiều người tìm đến Bạch Lộc Động để học tập, đọc sách, nghiên cứu Phật học và giao lưu văn hóa. Về sau, Bạch Lộc Động được đổi tên là "Lư Sơn quốc học". Chu Hy, một bậc thầy đại Nho thời Tống, đã đến học ở "Lư Sơn quốc học" 3 năm. Lư Sơn ngày nay đổi khác, vẻ cổ xưa và hiện đại hòa lẫn. Nơi được coi là "Thánh đường" của tôn giáo, trở thành trung tâm văn hóa, du lịch thu hút hàng triệu người trong và ngoài nước hành hương. Bạch Lộc Động thời xưa nay là di tích lịch sử trọng điểm quốc gia. Giáo đường mọc lên khắp vùng núi non ở Lư Sơn. Người ngoại quốc, người Trung Quốc tập trung cư ngụ đông đảo ở Lư Sơn. Ở Lư Sơn, ngoài Phật giáo, Đạo giáo, hiện nay còn có hơn 30 Giáo hội Cơ đốc giáo của hơn 20 quốc gia Âu Mỹ như Anh, Mỹ, Đức, Thụy Điển, Ý, Áo, Na Uy, Úc, Phần Lan, Canada, Thụy Sỹ. Năm 1959, sau 10 năm nước Trung Hoa mới ra đời, cố thủ tướng Chu Ân Lai đến thăm chùa Đông Lâm và chỉ thị trùng tu chùa. Từ đó đến nay, chùa Đông Lâm được nhà nước đầu tư nhiều kinh phí, tu sửa khang trang và trở thành trung tâm Phật giáo lớn của Lư Sơn và là nơi trọng điểm du lịch văn hóa Phật giáo Trung Quốc cùng với chùa Trúc Lâm ở Hà Nam và chùa Hàn Sơn ở Giang Tô. Năm 1982, Lư Sơn được công nhận là khu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, và năm 1996, Lư Sơn trở thành cảnh quan di sản quốc tế. Vinh dự đó trước hết là công lao tạo dựng của những người thành tâm kính đạo Trung Quốc từ bao đời nay.