Thăm trường hạ tập trung Hội Khánh - tỉnh Bình Dương

GN - Mùa An cư kiết hạ PL.2560, tỉnh Bình Dương có bốn đạo tràng an cư kiết hạ, hai điểm tập trung cho Tăng và Ni. Bên cạnh đó có hai trường hạ dành cho Tăng Ni sinh đang theo học tại trường trung cấp Phật học tỉnh nhà.

Mỗi nửa tháng, vào những ngày trưởng tịnh (rằm và 30 ÂL, nếu tháng thiếu là ngày 29), tất cả Tăng Ni tập trung về Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh - chùa Hội Khánh để cùng tụng luật, quá đường, thính pháp, nghe phổ biến những chính sách của Nhà nước về tôn giáo... Đây cũng là dịp để Thường trực BTS GHPGVN tỉnh triển khai các công tác Phật sự tại địa phương, thảo luận các vấn đề liên quan đến tu tập cũng như chấn chỉnh những điều chưa phù hợp trong nội bộ Tăng Ni, đặc biệt là đối với Tăng Ni trẻ.
TTHueThong.jpg
TT.Thích Huệ Thông, Trưởng BTS PG tỉnh Bình Dương

Sinh hoạt tập trung, nét đẹp an cư Phật giáo tỉnh

Việc Tăng Ni cùng sinh hoạt chung như trên mỗi nửa tháng đã trở thành truyền thống, nét đẹp trong sinh hoạt an cư. 

Nói về nét truyền thống đó, TT.Thích Huệ Thông, Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo An cư kiết hạ tỉnh nhà cho biết: “Ngay từ thời thành lập Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé, truyền thống này đã có, mãi cho đến khi tách tỉnh, PG tỉnh Bình Dương vẫn duy trì sinh hoạt này.  Do vì điều kiện của một số tự viện (nhất Tăng, nhất tự) nên không thể về cấm túc trong ba tháng, BTS Phật giáo tỉnh đã tạo điều kiện để các vị được tu tập tại tự viện của mình, nhưng những kỳ bố-tát thì không được vắng. Nếu chư Tăng Ni vắng quá số ngày quy định, thì xem như mùa hạ đó không có được chứng nhận an cư”.

Được biết, ngoài những sinh hoạt và thời khóa thông thường của một hạ trường, những năm qua, cứ đều đặn cách năm, BTS Phật giáo tỉnh Bình Dương thường tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chánh hay bồi dưỡng kiến thức trụ trì. Hoạt động này được lồng ghép nhằm trang bị thêm kiến thức về hành chánh trong sinh hoạt Giáo hội, cũng như định hướng sinh hoạt cho Tăng Ni đang trụ trì, và những vị sắp trụ trì được biết việc mình làm, để khỏi bỡ ngỡ khi nhận lãnh trách nhiệm được giao, vào trong mùa an cư.

“Trước kia Phật giáo toàn tỉnh chỉ mở hai trường hạ, một dành cho Tăng và một cho Ni, nhưng khoảng 3 năm lại đây, có mở thêm 2 trường hạ dành cho Tăng Ni sinh, vì đã có những sinh hoạt nề nếp trong việc nội trú, nhưng những sinh hoạt định kỳ thì cũng phải tham dự. Những ngày sinh hoạt chung, Ban Tổ chức thường cung thỉnh chư tôn đức trưởng thượng lãnh đạo Trung ương Giáo hội về chia sẻ kinh nghiệm tu tập, cũng như sách tấn hành giả Tăng Ni toàn tỉnh. Đó là cơ hội để Tăng Ni trang bị thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức về Phật học, ứng dụng cho việc hoằng pháp lợi sanh của mình trong việc hành đạo. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng hình ảnh chư Tăng Ni nghiêm túc trong việc tu tập ở các hạ trường, đặc biệt là việc tập trung về trường hạ tổ đình Hội Khánh mỗi nửa tháng, ít nhiều cũng xây dựng, củng cố được sự tín tâm cho Phật tử đối với Tăng đoàn”, TT.Thích Huệ Thông chia sẻ.

Hòa hợp, nền tảng trưởng dưỡng đạo tâm

Có lẽ, không ít người nếu có dịp đến Bình Dương tham dự các sự kiện lễ hội Phật giáo sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì số lượng Tăng Ni và Phật tử toàn tỉnh tham dự rất đông đảo, tạo nên một sinh khí mới cho Phật giáo vùng đất này.

Nói về khả năng tập hợp nhân lực của BTS, người đứng đầu GHPGVN tỉnh - TT.Thích Huệ Thông cho biết: “Tôi luôn xây dựng hình ảnh tu sĩ, trụ trì và thành viên Tăng Ni lấy tổ chức Giáo hội là trên hết. Giáo hội đã lo và có trách nhiệm với chúng ta, vì thế khi Giáo hội có bất cứ một Phật sự gì phát động thì tất cả Tăng Ni hay Phật tử đều phải nghiêm túc thực hiện, việc xây dựng này phải làm ngay từ buổi đầu, chứ không phải có việc mới đi phát động”.

Theo đó, Thượng tọa giải thích thêm, BTS phải cho Tăng Ni nhận thức trách nhiệm và quyền lợi trong việc tham gia vào các sự kiện, hoạt động chung của Giáo hội là hết sức ý nghĩa. Chẳng hạn như trước các sự kiện lớn như Đại lễ Vesak - Phật đản, hội thảo hoằng pháp, Thường trực BTS đã giao “chỉ tiêu” cho trụ trì mỗi tự viện làm sao có được 50 Phật tử  tham dự. Do vậy, với 190 tự viện trên toàn tỉnh hiện nay thì con số Phật tử  lên hàng ngàn là chuyện không khó.

Ngay cả việc an cư cũng vậy, an cư là bổn phận và là lợi ích thiết thực cho sự tăng trưởng đạo lực của Tăng Ni, nếu như Tăng Ni tham gia đầy đủ các công tác của Tăng đoàn trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp thì BTS Phật giáo tỉnh sẽ luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để họ có những quyền lợi hợp pháp, cũng như  đáp ứng yêu cầu chính đáng của Tăng Ni. “Vì Tăng Ni đứng trong hàng ngũ của mình, mình phải tạo điều kiện tốt nhất để họ hành đạo”, Thượng tọa Trưởng BTS Phật giáo tỉnh nhấn mạnh.

Để biết Tăng Ni có hiện diện tham dự các sinh hoạt an cư, ở một số nơi dùng hình thức điểm danh, phát thẻ đeo…, nhưng ở Bình Dương thì không như vậy, mỗi cá nhân Tăng Ni phải tự gắn kết trong sinh hoạt của Tăng đoàn, họ phải thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, xem việc sinh hoạt chung là nhiệm vụ thiêng liêng mà họ vinh dự được tham gia theo đó tự giác thực hiện.

Truong ha BD (9).JPG
Mỗi nửa tháng, Tăng Ni toàn tỉnh tập trung về trường hạ tổ đình Hội Khánh bố-tát,
tụng giới và nghe chư tôn đức giáo phẩm trưởng thượng chia sẻ kinh nghiệm tu tập... - Ảnh: Bảo Toàn

Vào mỗi kỳ sinh hoạt an cư tập trung tại tổ đình Hội Khánh, với 9 BTS Phật giáo các huyện, thị và thành phố, mỗi Tăng Ni thuộc huyện thị nào quản lý thì đến ngày đó, sẽ tự liên hệ với Ban Thư ký nơi mình sinh hoạt để báo cáo cho nơi đó biết mình có tham gia. Theo TT.Thích Huệ Thông, việc tự giác phải làm một cách minh bạch, công khai và BTS Phật giáo tỉnh sẽ dựa trên thông tin đó để chứng nhận an cư kiết hạ cho các hành giả. Mỗi mùa hạ hành giả chỉ được vắng một buổi có lý do, nếu như vắng quá hai buổi cho dù có lý do cũng được xem như không có an cư kiết hạ. Điều này đã được Tăng làm pháp yết-ma, tán thành nên bắt buộc các hành giả phải nghiêm túc thực hiện.

“Với tư cách là người lãnh đạo Phật giáo tỉnh Bình Dương, tôi mong muốn chư Tăng Ni trong tỉnh nhà luôn ý thức trách nhiệm và ý nghĩa thiêng liêng của mình đang gánh vác. Tinh thần tu tập không chỉ có trong ba tháng an cư, nhưng ba tháng là cơ hội tốt, có nhiều điều kiện thuận lợi, vì vậy mong muốn hành giả hãy nỗ lực tu học và hành đạo. Bên cạnh việc nghiêm trì giới luật mình đã thọ, tôi cũng mong Tăng Ni hãy chấp hành tốt Hiến chương của Giáo hội cũng như Nội quy của Ban Tăng sự, để góp phần trang nghiêm tự thân và đồng thời cũng là trang nghiêm Giáo hội” - TT.Thích Huệ Thông bày tỏ.

Với những tâm huyết của vị giáo phẩm đứng đầu BTS Phật giáo tỉnh, và với năng lượng dồi dào của toàn thể Tăng Ni trong mùa an cư kiết hạ, qua nét sinh hoạt thống nhất tập trung, đó là những cơ sở để Phật giáo Bình Dương tiếp tục có những thành tựu lớn hơn, xứng với sự năng động và giàu truyền thống của vùng đất này.

Toàn tỉnh có 190 cơ sở tự viện (chùa Tăng: 117; chùa Ni: 73); 380 vị Tăng, 340 vị Ni. Năm nay toàn tỉnh có bốn đạo tràng an cư kiết hạ: tổ đình Hội Khánh, chùa Thiên Chơn (chư Tăng); chùa Tây Thiên và chùa Bồ Đề Đạo Tràng (chư Ni).

Quảng Hậu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày