Thản nhiên trước muộn phiền...

Học Phật, em đã dần buông được phiền não, không còn xốc nổi như xưa - Ảnh minh họa
Học Phật, em đã dần buông được phiền não, không còn xốc nổi như xưa - Ảnh minh họa

GNO - Mặt trời khuất bóng, em tự hỏi với lòng ngày hôm nay mình có yên vui không? Hay em vẫn cứ loay hoay với những muộn phiền vô nghĩa. Hai mươi bốn tuổi, em bắt đầu gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống. Em hoang mang, sợ hãi, cảm thấy bản thân đang chơi vơi giữa khoảng trời rộng lớn.

Và mỗi sáng thức dậy, dường như trong em chỉ toàn những lo nghĩ vẩn vơ, em không biết bản thân đã và đang tự làm khổ chính mình. Có đôi khi em tự đắm mình vào những muộn phiền đến mức không muốn từ bỏ, cứ hoài nắm giữ. Nó như sợi tơ mỏng vương bám trong tâm trí em không dứt. Mặc dù biết nó mong manh, đáng thương, khổ luỵ nhưng em vẫn cứ cẩn trọng giữ gìn.

Trước khung cửa sổ từng tia nắng dịu dàng như thầm nhắc nhở em: “Nắng của ngày hôm nay không thể nào là nắng của ngày hôm qua, tất cả chỉ là những phút giây vô thường”. Em mỉm cười nhớ đến khoảng thời gian tĩnh lặng trong khóa tu thiền tuệ liền xếp chân, ngồi thẳng lưng thở thật chậm và thấy lòng bình an đến lạ. Từng lời dạy của quý sư về “hiện pháp lạc trú” từ từ hiện lên trong tâm trí em, gần gũi và quý báu vô cùng.

Em nhận ra chỉ khi bản thân chịu buông xuống những day dứt, đau thương thì lòng mình mới thanh thản, bình yên.

Em thực tập theo lời dạy của Đức Thế Tôn và mỉm cười với những gì đang xảy ra trong em. Chính những bài pháp thoại ngắn về tình thương và sự tỉnh thức ấy đã khiến em thay đổi, trưởng thành và bình tâm hơn rất nhiều.

 “Khổ đau hay hạnh phúc đó chỉ là cảm giác. Và cảm giác ấy do chúng ta tự tạo nên. Người giàu sang chưa chắc đã hạnh phúc, người hạnh phúc chưa chắc đã giàu sang. Vì vậy hãy bình thản đón nhận mọi chuyện với tâm thế vô tư, tự tại để rèn luyện cảm giác hạnh phúc cho chính mình”. Câu nói này đã đánh động tâm tư em rất nhiều, bao năm qua em cứ mãi mê tìm kiếm mộng tưởng bên ngoài mà quên mất việc tìm lại chính mình.

Có những khi tự em đã quá vội vàng khi quyết định một việc gì đó dẫn đến sai lầm, em hối hận, em oán trách nhưng thật ra em không hề hiểu thấu là bản thân mình đã tự chọn con đường này. Cho nên mỗi khi đối diện với muộn phiền em thường thể hiện tâm sân rất rõ ràng, bực mình, cau có, không muốn quan tâm đến vấn đề đang xảy ra. Em cứ thế để cái tôi to lớn dắt mũi khiến mình sai lầm. Không thể quay đầu, cũng không thể thay đổi được quá khứ được. Cái em cần ở hiện tại là tiến về phía trước và rèn luyện lại chính mình.

 Em tự nhủ: “Đời ngắn lắm đừng ngủ dài với những đau buồn vô tri, phải mạnh mẽ lên, tự tạo hạnh phúc cho chính mình”. Bây giờ, thay vì suốt ngày cứ than vãn về muộn phiền em đã học được cách buông xuống, cố gắng vượt qua, nhìn nhận và suy tư mọi chuyện một cách rõ ràng. Em đã học được cách chấp nhận và tha thứ, em bình thản điềm nhiên trước mọi muộn phiền, không còn để nó chi phối hay lấn át mình thêm nữa.

Em thực tập chào đón những vị khách ý niệm một cách tử tế nhất dù cho đó là tốt hay xấu. Cũng từ đó em dần trở thành một chủ nhà lịch thiệp, biết yêu thương và tha thứ. Thật ra để làm được như vậy em đã nỗ lực thay đổi rất nhiều.

Nhờ có giáo lý của Đức Thế Tôn mà em trở nên ngoan hiền đến lạ, không còn là cô bé xốc nổi ngày nào nữa. Em đã học được cách bình thản trước nghịch cảnh và nhận ra rằng tất cả những buồn lo của quá khứ và những trăn trở của tương lai chẳng qua là vài thử thách nho nhỏ để em có thể vững vàng hơn trong cuộc sống này.

Liên Vinh (tịnh xá Ngọc Phương)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày