Thằng Bụi Đời

GN - Đó là một buổi chiều mưa. Mưa kéo dài từ sáng… Rả rích. Rả rích. Trại gà nhà Sáu Cưng vắng vẻ, buồn bã. Mấy trăm con gà vừa lớn vừa nhỏ, vừa trống vừa mái đã tìm chỗ núp.

Tôi vừa định ngồi vào bàn viết thì nhìn thấy bà Sáu Cưng đang cầm trên tay một con gà con. Tôi bước ra hàng ba, cố nhìn. Con gà ướt nhẹp, chắc bị ướt mưa. Tôi hỏi, bà Sáu Cưng nói lớn: “Nó rớt trong thau nước, tôi mà không thấy chắc chết rồi!”. Tôi lại hỏi: “Bây giờ chị tính sao?”. Bà Sáu nhìn con gà. Nó không còn kêu nữa. Bà lại nhìn tôi: “Chắc không sống đâu. Nó còn nhỏ lại bị ngâm nước lâu quá! Thôi - chắc bỏ!”. Tôi hoảng hốt: “Sao lại bỏ? Phải cứu nó chớ!”. Bà Sáu nhìn tôi: “Cô lo cho nó đi! Tôi còn phải buôn bán!”.

gacon.jpg
Ảnh minh họa

Tôi đội mưa bước qua. Con gà chưa chết nhưng xem chừng nó lạnh lắm. Tôi bụm nó trong lòng bàn tay, về nhà. Nó được quấn một miếng vải sạch. Tôi hà hơi vào nó. Một lúc sau, nó đã kêu được. Tiếng “chíp chíp” của nó làm tôi mừng rỡ. Ổn rồi! Tôi lót thêm cái giẻ đặt nó vào và đậy nó bằng một cái rổ. Tôi đâm gạo và xắt hành cho nó ăn. Nó nằm kêu chíp chíp một lúc rồi đứng dậy ăn. Nó ăn được vài miếng rồi lại nằm. Xem chừng chưa lại sức. Tôi lại ấp nó trong tay, hà hơi thêm cho nó. Nó nhìn tôi, miệng vẫn chíp chíp. Một lát sau, tôi lại cho nó ăn tiếp. Bây giờ, nó đã ăn khá hơn. Tôi trải tờ báo dưới gạch, dời nó vào chỗ kín ở một góc nhà. Mong là nó qua được đêm nay. Tôi thức hai lần để thăm nó. Nghe động, nó lại kêu chíp chíp. Tôi mừng vì biết nó đã qua được cái chết.

Đã một tuần trôi qua, con gà tội nghiệp của tôi đã ổn. Tôi đã cho nó ra ngoài, không úp trong rổ nữa. Nó loanh quanh bên mấy chậu kiểng và vẫn ăn ngon lành những thứ tôi cho. Nghĩ là mình và nó có duyên, tôi nói với bà Sáu: “Tôi mua nó nghe! Tôi trả tiền chị!”. Bà Sáu cười: “Tiền gì! Cô cứu nó thì nuôi nó đi!”. Đúng ra thì tôi cũng có công với trại gà của bà Sáu. Thấy phần lúa đứa con trai mỗi ngày cho bầy gà ăn xem chừng không đủ no, tôi mua lúa và cho chúng ăn vào buổi sáng.

Nhờ tôi chăm sóc kỹ, con gà con đã cứng cáp hẳn lên. Mỗi ngày nó được ăn lúa, ăn hành, uống nước sạch. Rồi nó cũng thay đổi, đã mọc lông cánh, đã ra vẻ lắm rồi. Nó quấn quít tôi như con chó, con mèo. Tôi nghĩ ra mình phải đặt cho nó cái tên. “Bụi Đời” đúng là phù hợp. Tôi bắt đầu kêu “Bụi Đời!”. Kêu hoài, kêu riết… rồi nó đã quen, đã biết tên mình. Tôi cũng tức cười. Tại sao mình kêu Bụi Đời mà nó cũng biết là kêu nó. Đừng tưởng loài vật không biết gì. Nó cũng biết nghĩ, biết đói, biết no, biết sợ và cũng biết người thương yêu nó. Một ngày, tôi ngồi ở hàng ba ăn bánh bông lan, Bụi Đời luẩn quẩn quanh tôi. Tôi bỏ thử chút bánh, không ngờ nó ăn ngon lành. Từ đó, trong phần thức ăn của nó lại có thêm bánh bông lan.

Bụi Đời ăn đủ thứ rau cải, luôn cả cà chua. Xem ra, nó không thiếu dinh dưỡng. Bây giờ, tôi cho nó ngủ trong chuồng để bên hông nhà. Chạng vạng tối, tôi đứng ở cửa chuồng kêu “Bụi Đời! Bụi Đời!”. Nó thủng thẳng đi tới và bước vào chuồng. Tôi che chắn cho nó không bị lạnh. Mờ sáng, khi bầy gà trống ở trại gáy vang, tôi mở cửa chuồng cho nó. Nó đến bên rào lưới B40 nhìn ra. Nó có vẻ thích thú khi tôi cho bầy gà bà Sáu ăn. Nhưng nó lại trở về ăn phần thức ăn của nó.

Bụi Đời lớn nhanh nhìn không kịp. Có lẽ vì nó ăn nhiều, đủ chất và lại được yêu thương. Tôi thường xưng mẹ gọi nó là con như tôi vẫn thường gọi con chó cưng của mình. Con Bi của tôi cũng là con chó tôi đã cứu thoát từ khi còn là một chú cún con. Chủ nó thường xuyên đánh đập, tôi không đành lòng nên mua lại. Con Bi không ăn hiếp Bụi Đời vì tôi vẫn thường dạy nó: “Con phải biết thương em, nó là con của mẹ đó!”. Bà Sáu có lần nhìn thấy Bụi Đời đã kêu lên: “Trời ơi! Sao nó lớn mau vậy?”. Tôi cũng thấy như vậy. Có điều, chưa biết nó là trống hay mái. Tôi thường đùa: “Sao mẹ không biết con là con trai hay con gái vậy Bụi Đời?”. Nó nhìn tôi, có lẽ nó cũng muốn trả lời.

Cái ngày đầu tiên Bụi Đời cất tiếng gáy làm tôi phải giật mình. Giọng nói the thé “ò - ó - o - ò!”. Tôi giật mình nhìn xem phải nó hay không. Nhưng trong rào chỉ mình nó. Tôi cười hỏi nó: “Sao con gáy ‘ò - ó - o - ò!’. Phải là ‘ò - ó - o - o!’ chứ”. Nó đi đi lại lại ra vẻ ta đây (chắc nó cũng lấy làm thích vì tiếng gáy của mình). Tôi thấy nó lại gân cổ lên và gáy tiếp “ò - ó - o - ò!”. Tôi lại cười: “Trời ơi! Dở ẹt! Sao lại là ‘ò - ó - o - ò’! Con gáy theo mẹ nè! ‘Ò - ó - o - o!’”. Tôi cố tình chọc nó. Nó nhìn tôi. Ánh mắt Bụi Đời rất dữ - ánh mắt diều hâu. Nó đã ra vẻ một con gà trống oai phong, đẹp đẽ - giống gà tre lai rất to con. Bụi Đời đẹp thật. Có lẽ do nó ăn uống đủ chất nên có bộ lông đủ màu, óng mượt và cái đuôi thật tuyệt vời. Không ngờ cứu một con gà con gặp nạn, bây giờ lại có một con gà trống đẹp đẽ như vầy.

Sáng hôm sau, khi vừa ra khỏi chuồng, Bụi Đời đã nhảy lên ụ đất tôi đắp dưới gốc cây đu đủ và cất tiếng gáy “ò - ó - o - o!”. Tôi ngạc nhiên nhìn nó. Nó cũng nhìn tôi. Dường như nó muốn khoe: “Con đã gáy đúng rồi mẹ”.

Tôi - con Bi và Bụi Đời sống rất vui vẻ. Bụi Đời rất khôn ngoan. Ngoài phần thức ăn của nó, nó thường ăn ké thau cơm của con Bi. Con Bi để Bụi Đời ăn tự nhiên không giành giựt. Đến một ngày tôi chợt nhận ra, Bụi Đời cần phải có một bạn đời. Tôi hỏi bà Sáu mua con gà mái cho nó. Tôi nói đùa: “Nó cũng phải cưới vợ chứ!”. Tôi đem về cho nó một con mái cũng khá xinh đẹp, Bụi Đời mừng lắm! Cứ ve vãn quanh cô nàng. Người đẹp còn giữ kẽ. Còn Bụi Đời rất mực chiều chuộng. Có thức ăn, nó “túc túc!” gọi. Khi vợ ăn xong rồi mới tới nó. Chiều đến, khi tôi kêu “Bụi Đời - Bụi Đời!” nó chầm chậm bước vô chuồng. Cô vợ thủng thẳng bước theo. Có nuôi, có quan sát mới thấy tình nghĩa của những con vật đối với nhau cũng đâu thua kém con người.

Tôi phải dọn nhà. Căn nhà tôi đang thuê phải xây dựng lại. Tôi về chỗ mới thì không có chỗ để nuôi hai vợ chồng nó. Tôi tính toan, tìm cách. May sao, có đứa cháu ở quê, vườn rộng. Nó ngỏ ý đem vợ chồng Bụi Đời về nuôi. Đành phải vậy. Có lẽ tôi và nó đã hết duyên. Tôi bắt đứa cháu phải hứa mấy điều: Chăm sóc tốt cho nó. Ăn uống đầy đủ. Không được làm tổn hại nó và nếu lỡ nó chết thì chôn xác, không được làm thịt. Đứa cháu biết ý tôi nên chấp nhận mọi điều. Tôi còn nói khi nào rảnh sẽ về thăm nó.

Tôi bùi ngùi cho vợ chồng Bụi Đời vào lồng, miệng lâm râm cầu nguyện mà nghe mắt cay cay. Dẫu sao, cũng phải tìm cho nó một môi trường sống tốt. Tôi giữ lời hứa và cũng vì nhớ nó, về thăm vợ chồng có mấy lần. May sao, vườn thoáng mát, vợ chồng nó đã yên bình với một đàn con. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày