Tháng chạp về!

Hoa mai nở báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về - Ảnh T.L
Hoa mai nở báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về - Ảnh T.L
Ông bà ta vẫn gọi tháng mười hai Âm lịch là tháng chạp. Tháng chạp về, “năm hết tết đến”. Tháng chạp về, vị tết về.

Quê tôi nằm ở cái eo của dải đất miền Trung. Nơi gánh hai đầu đất nước. Tháng chạp về vùng đất ấy cũng đổi vị, khí trời khác hẳn, xanh hơn, chộn rộn hơn. Năm nào cũng vậy nhưng năm nào cũng thấy xốn xang.

Tháng chạp về mang theo cái lạnh se se của khí trời. Ấy là cái lạnh cuối cùng còn sót lại của mùa đông hay cái tiết trời chớm nở tiết xuân sang, tôi cũng không rõ nhưng chắc nó cũng làm cho ai đó đột nhiên rùng mình. Cái “rùng mình” thú vị, xốn xang. Mấy năm nay tiết trời miền Trung hay lạnh ngày giáp tết và kéo dài mãi đến qua giêng. Có năm lạnh cắt da. Cái lạnh làm nứt những cánh đồng khô khốc, gió thốc vào cơ thể, làm rạn cánh môi con gái. Những ngày này, buổi sáng, sương mù giăng cây cỏ, trưa mới có nắng. Nắng đấy, lạnh đấy. Có lẽ ấy là cái lạnh do “biến đổi khí hậu” mà báo chí vẫn nói cũng nên. Mẹ tôi bảo: “Năm nay tiết trời vẫn lạnh”. Miền Trung là “đất nắng” nhưng những năm gần đây trở trời rét buốt.

Tháng chạp là tháng tất bật. Đấy là giai đoạn nước rút trong năm. Ai cũng mong hoàn thành những việc còn dở dang để khỏi mang việc năm cũ vướng sang năm mới. Tháng chạp về, quê tôi thường vào đầu vụ mùa, cây trái hoa màu đều ở lứa tuổi còn non. Bà con tập trung gieo trồng để ra giêng bắt tay vào mùa thu hoạch. Tháng chạp về thời tiết lạnh quá bà con lại đâm lo. Trời lạnh lúa chẳng thể trổ bông được. Lúa mùa này không trổ thì lép, rầy giăng trắng đồng. Gia cầm rét sống không nổi. Người lớn đâm sốt ruột, thế nhưng tụi trẻ chúng tôi thì trông ngày trông đêm cho đến tháng chạp để còn đếm ngày tới tết. Trời có lạnh cũng không vấn đề gì. Đây là thời tiết lý tưởng cho những ngày diện quần áo đẹp và hội họp cuối năm. Gió nhẹ, nắng không chói chang. Tuyệt!

Tháng chạp là tháng của mùa cưới. Có bữa nghe tiếng mẹ trở mình không ngủ được. Năm nay chú Năm, chú Bảy gả con; anh Hai, chị Ba có gia đình. Người thân nhiều nhiều tiền mừng khoảng hai ba trăm ngàn; thân ít ít, bà con xa lơ xa lắc thì ước chừng một trăm; con cháu người trong nhà thì người lớn có lệ mừng khoảng năm phân. Mà vàng bây giờ lên quá. “Hồi ấy anh chị đi cho mình năm phân, giờ gả con thì phải đi lại chừng đó cho nó phải phép. Lệ ở quê mình nó vậy. Nhẩm tính khoảng năm, bảy cái đám cưới trong một tháng thì cũng ngót hai, ba triệu bạc. Chà năm nay cưới dữ”, có hôm nghe ba chậc lưỡi. Năm nào, cuối năm cũng đông đám cưới cả. Người lớn lo chạy tiền, chứ tụi trẻ chúng tôi thì chẳng chú tâm cưới ít hay nhiều, chỉ biết tháng chạp là tháng ăn sướng, đám cưới nhiều, cô dâu xinh, chú rể đẹp. Không cái gì rộn rã bằng tháng chạp về!

Tháng chạp về, độ đến ngày hai mươi thì tự nhiên có tết, mở miệng hỏi ngày, không ai bảo ai cũng nói “hai mươi”, “hăm ba”, “hăm lăm tết”… Tự nhiên quên mất ngày Dương lịch là bao nhiêu. Tháng chạp về, ngồi trong lớp học mà tâm hồn treo ở góc bếp của mẹ. Tính từ ngày hăm ba cúng ông Táo xong thì trẻ con chỉ có nghĩ đến chuyện để bụng mà ăn. Lớp học đỏ hột dưa và hướng dương. Thầy cô dường như cũng ít truy bài vào những ngày cuối năm. Học trò cứ tíu ta tíu tít. Lớp học xôn xao khi nhà ai đó đổ bánh thuẫn. Mùi thơm dậy cả góc trời. Ngẫm ra, hẳn các mẹ, các chị phải tính kỹ lắm những cân bột, cân trứng để quy ra đủ số bánh cho ba ngày tết, bảy ngày xuân. Một lạng bột cũng là tiền, một quả trứng cũng là tiền. Người lớn cứ mong cho bánh nở thiệt đẹp. Ấy còn tụi trẻ chúng tôi thì xúm xít bên bếp lửa mà cầu cho cái bánh “tịt” luôn không nở, đoán chắc thế nào mẹ chẳng lắc đầu: “Bánh này xấu quá, thôi cho lũ nhỏ nó ăn”. Tháng chạp về, sướng!

Tháng chạp về, giá cả leo thang. Năm nào tôi thấy mẹ cũng sắm bánh kẹo trước tết chừng cả tháng. Mẹ bảo: “Cận tết chen vô chợ đã khó, giá lại trên trời, chưa kể lu bu bao nhiêu là việc, cứ sắm trước cho chắc”. Tháng chạp về, chẳng có nơi nào tấp nập như chợ tết. Chợ ngày tháng chạp đẹp phải biết với bao nhiêu là thức ăn màu sắc sặc sỡ. Những năm gần đây bánh kẹo, hoa quả cũng nhiều hơn. Năm nay có ngày ba mươi, vậy là các cô tiểu thương chẳng phải than vãn vì “tiếc đứt ruột” một ngày cuối năm (như những năm tháng chạp chỉ có ngày hăm chín).

Tháng chạp về, những đứa con xa xứ nườm nượp về quê làm rộn rã các xóm làng. Nhà này ngóng con, nhà kia hỏi thăm con… Kẻ xa phương vẫn mong tìm lại vị tết quê, thèm cái ngày mẹ làm bánh thơm cả góc trường, háo hức ngày mẹ thả cá chép tiễn ông Táo về trời, đợi ngày mẹ vớt bánh chưng cứ thấy là náo nức. Ấy thế, kẻ xa phương hay tìm về kỷ niệm cũ, cái gì càng truyền thống càng lôi cuốn, càng có vị của tết quê. Tháng chạp về, ba lảy lá mai, lá đào chờ ngày đơm bông. Tháng chạp về, trẻ con và người lớn biết bao cảm xúc trộn lẫn, nhưng ai cũng có chung một niềm mong: năm cũ qua, năm mới đến, năm mới hạnh phúc, vui vẻ, an lành trên khắp các vùng quê, thành thị. Tháng chạp về, những đứa con xa quê sẽ nhấc điện thoại về cho mẹ: “Tết này con về sớm, mẹ con mình làm bánh chưng mẹ nhé!”.

Tháng chạp về, vẫn hay rộn ràng như thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày