Niềm vui của các em nhỏ tại Trại phong Sóc Sơn (Hà Nội)
Tháng Chạp lạnh. Những hàng cây thẫm đen xô mình dạt lại gần nhau kiếm tìm hơi ấm, những vỉa hè vắng khô cong dưới ánh đèn đường hắt hiu, khô cong cả những xúc cảm để không ăn năn, không run rẩy trước những tấm ny-lông, những manh chiếu rách co ro trải tạm để qua đêm trên mặt mình của những cuộc đời tạm chông chênh chốn Hà thành. Đâu đó một tiếng rao đêm lạc lõng, run rẩy và đứt quãng rồi tan đi vội vàng giữa thăm thẳm đêm đông…
Ta vẫn hay lang thang một mình như thế, nghe cái lạnh nhắc nhớ nơi tim những vui buồn quyện hòa giữa cô đơn và khao khát, nhắc người với người cần tìm đến với nhau nhiều hơn nữa - bằng chân thành, bằng yêu thương sau những ồn ào phố xá. Và đơn giản cũng chỉ để muốn cảm nhận, ấn tượng nhiều hơn nữa về Hà Nội ngày đông - để mai đây dẫu có phải xa chốn này, sẽ thấy yêu hơn, nhớ hơn và mong quay về lại. Ai cũng thế thôi, đến và đi đều nhớ Hà Nội với cái lạnh này - như một đặc sản, lỡ cảm nhận một lần thì ám ảnh đến khó quên.
Tháng Chạp ấm - ấm thật nhiều khi mỗi ngày mới lại được đọc một bài viết, một tin ngắn về nhịp sống trẻ khắp các vùng miền với các chương trình thiện nguyện mà chỉ nghe tên thôi đã thấy lòng bừng nắng: “Chương trình Áo ấm cho em”, “Khăn len tặng bạn”, “Tấm áo nhỏ nhắc ta biết yêu thương”, “Tết nghèo”, “Xuân ấm”…
Bàn chân ta cũng đã lãng du, trôi qua rất nhiều vùng miền khác nhau trên dải đất thân thương này, đã xót xa cho những em thơ, những cụ già nơi vùng cao phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn; đã cảm và thấy được những tâm tư mặc cảm và tủi phận, rất cần đến sự sẻ chia và quan tâm của những người già cô đơn giữa bệnh tật nơi Trại phong Sóc Sơn (Hà Nội) những ngày tháng Chín. Rồi những em nhỏ ở Trung tâm Trẻ em khuyết tật Sao Mai, những đứa trẻ và những người già bị bỏ rơi ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội)… Tất cả làm ray rứt trong ta về những kiếp người mà bàn tay ta đơn lạnh và bé nhỏ chẳng thể chìa ra được hết. Nhưng khi có một trăm, một nghìn bàn tay cùng sát lại, cùng hướng về phía những mảnh đời ấy thì có thể làm nên những điều diệu kỳ…
Tháng Chạp nhớ - nhớ một miền quê với đàn em thơ ngu ngơ chạy nhảy trên những cánh đồng, nhớ dáng chị gầy trong vườn gom lá đốt thả khói ấm vào trời đông, nhớ lưng mẹ khom mình tảo tần trên đồng làng hanh hao mùa cạn nước, nhớ dáng cha gầy nhòe ướt trong mưa cuối con đường một chiều cuối năm tất bật, nhớ tiếng bật khóc qua điện thoại của cô bạn thân khi gọi về từ xứ trời Tây, nói cô đơn và thèm một sự sum vầy cuối năm hơn bao giờ hết… Và nhớ những giọt nước mắt nấc nghẹn mùa đông trên con đường đồng heo hút đưa nội về nằm nơi đất lạnh…
Biết bao tháng Chạp đã trôi qua trên nỗi nhớ này: Đàn em thơ giờ đã đủ lông đủ cánh theo bầy chim vút bay lên khỏi lũy tre làng, hòa mình vào lòng phố thị đua chen để tồn tại và khẳng định mình. Dáng chị gầy giờ lại gầy hơn với từng đêm chông chênh ngồi bên giấc ngủ con thơ mà nhớ mong người chồng vô tâm bỏ đi biệt xứ. Lưng mẹ chẳng còn cúi lom khom trên đồng làng được nữa, bởi biết bao phôi pha của thời gian sau những năm tháng lầm lũi tảo tần đã đổ xuống trên tấm lưng ấy. Cha thì vẫn vậy, mái tóc bạc rồi, chẳng thể bạc được thêm, chỉ thấy trên đôi mắt kia hằn lên những vết nhăn mới, và ánh nhìn thường mang đầy suy tư và chiêm nghiệm nhiều hơn…
Cô bạn thân giờ đã không còn cô đơn, kiếm được cho mình một bến đỗ yên bình giữa trời Tây, hân hoan bên tổ ấm của mình, thi thoảng có gọi điện về nước hỏi thăm bạn bè, rồi cứ thưa dần, thưa dần và bặt hẳn tin nhau. Chỉ còn mình ta làm kẻ du ca, vẫn còn ruổi rong như gió lang thang giữa vòm trời, chạy đuổi theo những niềm say mê của lòng mình, dẫu có lúc ngã gục, có lúc đớn đau, và dẫu cả khi tan đi vội vàng và nhẹ tênh như một hơi thở khi chưa kịp chạm đến hay đi trong hành trình đam mê ấy - thì vẫn mỉm cười, bởi ta đã cố gắng hết mình trong khả năng của ta.
Và mỗi tháng Chạp về nỗi nhớ lại đằm hơn, dắt ta về bên ngôi mộ lặng câm có vòm cỏ xanh bất tận của nội để soi lại mình từ phía tâm linh, để có thêm niềm tin và sức mạnh cho những hành trình bên thềm một năm mới.
Tháng Chạp vồi vội với lòng mình - khi ta trở về căn phòng trọ bình yên, đặt mười một tháng đã qua trước đó nằm ngoan hiền bên ô cửa sổ của một đêm mưa và nhìn lại. Trên mặt biển mênh mông của thời gian, ta đã thả trôi mình đi theo những chuỗi ngày bình lặng như một cung đàn trầm không nhiều điểm nhấn, trôi đi giữa ồn ào phố thị, giữa không gian ảo của những ngày triền miên online để rồi chỉ đến khi nào đó bắt gặp một lời chúc cuối tuần vui vẻ qua dòng lưu bút trên blog, qua cửa sổ chat của Facebook mới nhận ra thời gian đã mang ta trôi về thứ Bảy - những ngày thứ Bảy như tờ lịch mỏng manh ai xé vội vàng, rơi xuống rất nhẹ, rất êm và tan theo những đua chen trong đời.
Rồi tháng Chạp sang, ta vội vàng theo nhịp bàn chân bước, ném tan cái bình lặng trên mặt biển kia, chen vào cung đàn một nốt thăng cao vút. Phải vội vàng thôi, tháng Chạp rồi… Xếp những kỷ niệm chồng chéo lại cho ngăn nắp để khi lòng trống vắng, buồn nhớ sẽ dễ dàng tìm về; hối hả bước một cách nghiêm túc và đi như bay, gắng cho hết những dự định cần hoàn thành để khép lại năm cũ mà không dở dang, thảnh thơi đón chào một năm mới thênh thang cùng những dự định mới.
Các bạn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thụy An (Ba Vì, Hà Nội)
Và ta muốn gọi tháng Chạp là tháng Hoài - như cách gọi dễ thương của một cô em gái cũng dễ thương với nick name Thanhphosuong trong danh sách bạn bè trên trang blog của ta - một tháng Hoài cho những hoài niệm và hoài mong, vừa đáng yêu quá đỗi lại vừa thúc giục quá đỗi, vừa nhẹ nhàng sâu lắng lại vừa lạnh lùng miên man, vừa mang dáng dấp bình yên lại vừa mang hơi thở của sự chia xa.
Tháng Hoài sẽ dành tặng cho những ai hiểu rằng nỗi buồn có thể khó để biến thành nỗi đau dẫu trái tim chỉ còn như cuống lá héo, nhưng nỗi đau có thể biến thành hạnh phúc nếu ai đó biết hy vọng, mong chờ và tin vào tình yêu.